Trong một báo cáo gửi đến các khách hàng hôm thứ Năm tuần trước, nhóm nghiên cứu do nhà hoạch định chiến lược tín dụng Charles Himmelberg đứng đầu đã công bố 10 dự báo về kinh tế thế giới năm tới.
“Tăng trưởng cao, rủi ro cao và lợi nhuận cũng tăng nhẹ”, đây là nhận định của các nhà hoạch định chiến lược trên về năm 2017 – và rõ ràng rằng quan điểm của họ bị ảnh hưởng khá nhiều từ sự thay đổi cơ chế sắp tới tại Washington, D.C.
Dưới đây là bài tóm tắt ngắn gọn của Bloomberg về 10 chủ đề mà Goldman Sachs cho là sẽ hình thành nên nền tảng cho hoạt động đầu tư trong năm 2017.
Lợi nhuận kỳ vọng: Chỉ tăng nhẹ
So với các dự báo trong năm 2016, nhóm nghiên cứu cho biết những người sở hữu tài sản tài chính có thể kỳ vọng nhiều hơn, nhưng cũng nhấn mạnh rằng rất có khả năng lợi nhuận sẽ vẫn dao động ở mức thấp.
Các nhà chiến lược cho biết: “Thị trường đang có nhiều cơ hội, nhất là các thị trường Đông Nam Á (ngoại trừ Nhật Bản). Tại các thị trường này, chúng tôi dự báo lợi nhuận sẽ ở mức 12.5% (cao hơn mức 3.8% trong năm 2016). Trong khi đó, tại Nhật Bản, chúng tôi dự báo chỉ số Topix sẽ giảm 3.7% (trái với mức tăng 5.2% trong năm 2016)”.
Chính sách tài khóa Mỹ: Sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng
Thay vì tập trung vào những chính sách bảo hộ thương mại hoặc các giới hạn của hoạt động nhập cư, vị Tổng thống mới đắc cử Donald Trump lại chú ý quá nhiều vào việc gia tăng chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng của trong bài phát biểu chiến thắng vào ngày 09/11/2016, qua đó tạo chất xúc tác cho tâm lý chấp nhận rủi ro thâm nhập vào các thị trường, ông Himmelberg cho hay.
Các biện pháp kích thích tài khóa tại Mỹ sẽ góp phần vực dậy nền kinh tế và rất có khả năng sẽ được Quốc hội thông qua.
Chính sách thương mại Mỹ: Có lẽ thị trường lo lắng hơi quá
Goldman Sachs nhận thấy sẽ không có cuộc chiến thương mại nào sắp xảy ra, và dự báo bất kỳ cuộc tái thương lượng nào về các thỏa thuận hiện tại (như NAFTA) cũng sẽ tập trung vào mục tiêu cải thiện triển vọng của lĩnh vực sản xuất Mỹ.
Rủi ro thị trường mới nổi: Làn sóng rút vốn sau chiến thắng của Donald Trump chỉ là tạm thời
Các tài sản thị trường mới nổi đã bị tác động nặng nề kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ đã làm giảm nhu cầu tìm kiếm lợi suất ở nước ngoài, và khả năng xuất hiện các chính sách bảo hộ thương mại cũng có nguy cơ hạn chế các cơ hội tăng trưởng.
Nguồn: Bloomberg |
Nhà đầu tư đang tỏ ra bất mãn và rút vốn khỏi các cổ phiếu cũng như chứng chỉ quỹ ETF trái phiếu thị trường mới nổi. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng dòng vốn di tản khỏi thị trường mới nổi chỉ xảy ra trong thời gian ngắn mà thôi.
Thương mại dưới thời Donald Trump: Phòng ngừa đồng NDT
Tổng thống vừa đắc cử đã gọi Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều động thái để giữ giá trị Nhân dân tệ ở mức cao, đồng thời sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo vệ giá trị đồng tiền này. Việc phá giá có quản lý đã là chuyện thường ngày đối với đồng NDT: Sự phá giá bất ngờ trong tháng 8/2015 đã làm chấn động cả thị trường tài chính, và nhóm nghiên cứu tại Goldman Sachs cho rằng điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2017.
Nguồn: Bloomberg |
Chính sách tiền tệ: Tập trung các công cụ vào việc cho vay
Đối với Goldman Sachs, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) kiểm soát đường cong lãi suất được xem như một lời cảnh báo về sự đổi mới của chính sách “nhắm vào chi phí trung gian của việc cung cấp các khoản tín dụng ngắn hạn thay vì chi phí thị trường của việc vay mượn thông qua nợ công dài hạn”.
Các nhà hoạch định chiến lược cho rằng việc tập trung vào yếu tố đường cong lãi suất của cơ chế truyền dẫn và hướng sang các biện pháp như “huy động vốn để cho vay” sẽ có những tác động mạnh nhất lên các hoạt động kinh tế thực, chủ yếu là hoạt động đầu tư.
Goldman cho rằng các biện pháp kích thích tiền tệ có mục tiêu tốt hơn sẽ giúp hạn chế các tác động phụ tiêu cực từ việc nới lỏng định lượng và lãi suất âm, vốn đã kìm hãm việc cho vay.
Tăng trưởng doanh thu doanh nghiệp suy yếu: Các dấu hiệu đảo chiều
Các nhà hoạch định chiến lược dự báo lĩnh vực doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2017 từ tình trạng suy giảm doanh thu gần đây.
Một nền kinh tế toàn cầu mạnh hơn và đà hồi phục của giá dầu sẽ gia tăng triển vọng tăng trưởng doanh thu ở Mỹ.
Lạm phát: Tăng cao ở các nước phát triển
Các thước đo kỳ vọng lạm phát tại Mỹ đã nhảy vọt kể từ cuộc bầu cử khi các chuyên viên giao dịch cho rằng chiến thắng của Donald Trump sẽ tạo ra lạm phát.
Nguồn: Bloomberg |
Các nhà chiến lược tại Goldman Sachs nhận định: “Những gì có vẻ rõ ràng với chúng tôi là những vấn đề kinh tế, đáng chú ý là các đợt các giảm thuế, các khoản chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng và khoản chi tiêu bảo hộ, được nhấn mạnh trong chương trình nghị sự – một công thức để tạo ra lạm phát. Chúng tôi dự báo sự gia tăng của chi tiêu công tại Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu sẽ gia tăng áp lực lạm phát lên những nền kinh tế này”.
Chu kỳ tín dụng tiếp theo: An toàn và nhẹ nhàng hơn
Mặc dù các phân khúc nhạy cảm với hàng hóa của thị trường tín dụng đã sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2016, nhưng không có nhiều dấu hiệu của sự lây lan. Các nhà chiến lược tại Goldman Sachs dự báo có nhiều thứ sẽ lặp lại trong năm 2017, trong đó chu kỳ tín dụng sẽ không chuyển sang hướng tồi tệ.
Quyết định của Janet Yellen phiên bản 2.0
Ông Himmelberg nhận định: “Trong năm 2017, các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như sẽ trở nên hợp lý hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump vừa cam kết đưa ra các gói kích thích tài khóa đáng kể”.
Tuy nhiên, Goldman Sachs cũng cảnh báo rằng vẫn chưa chắc chắn rằng các điều kiện tài chính sẽ trở nên dễ dàng hơn trong năm 2017, đồng thời lưu ý về đà tăng gần đây của lợi suất trái phiếu và đồng USD./.
Theo Vietstock