16 người hùng LGBT đã làm cho thế giới tốt đẹp hơn
16 người hùng LGBT đã làm cho thế giới tốt đẹp hơn qua những hành động dũng cảm và xứng đáng được ghi nhớ.
Với những cái tên như Mark Bingham, một trong những người hùng của chuyến bay United Flight 93 ngày 9/11, và Kristin Beck, người hùng chuyển giới của nhóm hải quân Navy SEAL Team Six, ta sẽ có một danh sách dài gồm toàn những người hùng LGBT dũng cảm trong suốt lịch sử.
Dù không cách gì biết hết mọi người hùng lesbian, gay, lưỡng tính hay chuyển giới (LGBT) qua các thời đại, ta vẫn biết được một số ít – có thể xưa đến tận thời cổ Hi Lạp.
Sau đây là danh sách 16 người hùng LGBT đã làm cho thế giới tốt đẹp hơn qua những hành động dũng cảm và xứng đáng được ghi nhớ.
Oliver Sipple
Chuyện đời của Oliver Sipple, một cựu hải binh đã từng cứu mạng Tổng thống Gerald R. Ford năm 1975, là điển hình của việc có mặt đúng nơi đúng lúc, nhưng cũng là điển hình của việc sinh ra không hợp thời.
Thật khó mà tưởng tượng nổi ở nước Mĩ ngày nay mà cha mẹ, láng giềng, đồng nghiệp và phóng viên lại quan tâm nhiều đến thiên hướng tình dục của người hùng cứu tổng thống hơn cả chính hành động anh hùng của người ấy. Ấy thế mà điều đó đã xảy ra với Sipple. Ông đã kịp thời giật được súng khỏi tay một nữ thích khách, cứu mạng Ford. Sipple không hề biết rằng sau này ông sẽ hối hận vì đã có mặt ngoài khách sạn St. Francis Hotel ở San Francisco để ngăn Sara Jane Moore bắn Ford.
Trong một triển lãm năm 2006 về cuộc đời Sipple, phóng viên tờ Washington Post Lynne Duke cho biết thiên hướng tình dục của ông bị báo chí công khai. Còn gia đình ông ở Detroit thì bị xóm giềng cũng như công nhân nhà máy General Motors chế nhạo vì thiên hướng đồng tính của Sipple.
“Lắm lúc nó chỉ ước mình đừng cứu mạng tổng thống để rồi phải chịu bao tủi nhục,” George Franklin Sipple, anh trai của Oliver, kể lại cho Duke năm 2006. “Nó chỉ nói thế mỗi khi say. Nó bảo đời hẳn sẽ dễ chịu biết bao nhiêu nếu nó không cứu tổng thống.” Oliver Sipple mất năm 1989. (vì sau khi cứu sống thì báo chí quan tâm đến anh nhiều hơn và khai thác đời tư của anh nhiều hơn dẫn đến họ phát hiện giới tính thật của anh và sao đó lại công khai nó)
Kristin Beck
Được phân công với vai trò là một đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố tinh nhuệ, SEAL Team Six huyền thoại – phải, chính là cái đơn vị đã hạ sát Osama Bin Laden – mà gần đây còn được biết đến qua các cống hiến chiến lược của một thành viên vốn có danh hiệu là Thượng cấp Thượng đẳng Binh tào Chris T. Beck. Giờ đây, Kristin Beck, cựu lính nhảy dù của SEAL và lính thư kích chuyên nghiệp đã qua bao lần chinh chiến, đã thu được quá nhiều huân chương trong quá trình phục vụ trong quân ngũ nước nhà, đủ đển đeo chật trên đồng phục Hải quân Mĩ của cô.
Là người chuyển giới đầu tiên được biết đến từng phục phụ trong SEAL, Beck luôn khiêm tốn về các chiến công của cô, mà một trong số đó là một huân chương Sao Đồng và một huân chương Tim Tím cho những cống hiến của cô ở Trung Đông.
“Beck thường là ‘anh hùng đục phá’, luôn hăng hái xông qua cửa trước nhất trong cả mấy trăm cuộc đột kích ở Iraq và Afghanistan, rồi thành trưởng nhóm luôn,” phóng viên Dan Noyes kể lại trên đài KGO (San Francisco) năm 2014. “Thế mới có được Tim Tím vì… bao nhiêu là chấn thương và Sao Đồng vì lòng gan dạ.”
Mark Bingham
Năm 2014, tờ The Mercury News của San Jose, California, mô tả bộ phim The Rugby Player (của đạo diễn Scott Gracheff) kể về cuộc đời của người hùng Mark Bingham như sau: “từ thời học đại học ở U.C. Berkeley cho đến thời khắc cuối đời… tưởng nhớ anh, người hùng, người vận động viên, người con và người đàn ông đồng tính một đời vững vàng.”
Vài tháng sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, sự kiện chấn động quốc gia và thế giới, tạp chí The Advocate đặt khuôn mặt tươi cười điển trai của Bingham lên trang bìa và xưng danh anh là Người của Năm. Cùng với một số hành khách cùng chuyến (như Todd Beamer), Bingham đã nổi dậy, phá hỏng kế hoạch cướp máy bay chuyến United Flight 93 của bọn khủng bố với ý đồ đưa chiếc Boeing 757-222 đến thủ đô – mà cụ thể, thường được cho là toà nhà U.S. Capitol Building. Thay vì đâm vào Washington, D.C., Bingham, Beamer và 31 hành khách khác đã liều mạng, buộc bốn tên khủng bố al-Qaeda đáp xuống đồng hoang gần Shanksville, Pennsylvania. Mọi người trên chuyến bay đều tử nạn.
Hồ sơ Bingham năm 2002 của Jon Barrett dành cho tạp chí The Advocate đi sâu vào cuộc đời của người hùng đoản mệnh. Bất cứ ai, dù là LGBT hay không, cũng nên đọc và cảm nhận. Mark Bingham đã hi sinh thân mình ở tuổi 31, để hàng trăm, có khi hàng ngàn người khác, được sống.
Tori Johnson
Thomas Zinn – cộng sự còn sống sót của Tori Johnson, quản lí của Lindt Chocolate Café, người đã bỏ mạng năm 2014 để cứu các con tin trong một vụ vây hãm kéo dài 16 giờ ở Sydney – kể về người bạn tình 14 năm như là một người hùng.
Mà anh ấy đúng là người hùng. Johnson đã trực tiếp cứu mạng một người mẹ trẻ trong cuộc tấn công trước khi viên đạn của tên khủng bổ lấy mạng anh. Sau hành động anh hùng, một biển hoa được dựng lên ở Martin Place, gần tiệm cà phê đó.
“Theo tôi thì điều kì diệu chính là anh ấy có thể khiến thành phố chúng ta thơm như hoa,” Zinn nói. “Không gì đẹp hơn thế.”
Jason Collins
Đôi khi, chỉ là người đầu tiên thú nhận thiên hướng tình dục của mình cũng đã là minh chứng anh hùng. Ngôi sao NBA Jason Collins đã chơi bóng rổ chuyên nghiệp qua 13 mùa, và nghỉ hưu ít lâu sau sự thú nhận đó.
Hành động của Collins gây chấn động trong giới bóng rổ chuyên nghiệp nam vốn chưa từng có người chơi đồng tính công khai nào. Anh nói về việc này trong cuộc phóng vấn năm 2014 với Sports Illustrated: “Kể từ khi tôi thú nhận trên Sports Illustrated là người đồng tính công khai đầu tiên của một trong bốn môn thể thao đồng đội chuyên nghiệp, quãng thời gian vừa qua là 18 tháng hạnh phúc. Và chín tháng cũng đã trôi qua kể từ khi tôi kí hợp đong với Nets và trở thành vận động viên đồng tính công khai đầu tiên chơi trong liên đoàn. Thật vinh hạnh khi được làm mốc son cho thể thao cũng như quyền người đồng tính, được trân trọng bởi công chúng, huấn luyện viên, vận động viên, liên đoàn và lịch sử.”
Trong cuộc phỏng vấn, Collins còn gửi lời biết ơn đến một đồng liêu NBA vì đã ủng hộ anh ngoài đời thật cũng như trên mạng xã hội.
“Trận đó sẽ rất có ý nghĩa với tôi vì Nets sẽ đấu với Bucks của Jason Kidd, đồng đội và huấn luyện viên cũ của tôi hồi còn ở Brooklyn,” Collins nói. “Chính Jason đã khuyến khích tôi bằng cách đăng trên Twitter: ‘Thiên hướng tình dục của Jason sẽ không thay đổi sự thật rằng anh ấy là người bạn và người đồng đội tuyệt vời.’”
Roger Casement
Sir Roger Casement luôn tỏ lòng thương đối với những người bị áp bức. Khởi nghiệp là quan lãnh sự Anh đầu thế kỉ 20, khi Anh quốc hãy còn là một đế chế khổng lồ, Casement đi công du nhiều nơi, gần thì có Ireland, xa thì có Peru, Congo. Ở Peru và Congo, ông trở thành thần tượng của người bản xứ bị bóc lột nặng nề bởi các tập đoàn Anh. Ông cũng có mong muốn giúp cho Ireland được độc lập.
Một số chuyên gia về lịch sử của cuộc nổi dậy năm 1916 ở Ireland – còn gọi là Easter Rising, dẫn đến cuộc hành quyết của một số lãnh tụ, trong đó có Sir Roger – cho rằng ông bị treo cổ vừa là vì ông là người đồng tính, vừa là vì ông đã nỗ lực tuyên truyền về sự áp bức bóc lột của Anh ở các thuộc địa.
Florence Nightingale
Không có bằng chứng chắc chắn nào chứng tỏ Florence Nightingale là lesbian, nhưng nhiều nhà sử học tin rằng người hùng quân y này có cảm tình với phụ nữ, dù có kìm nén lại để phụng sự cho nhân loại.
Dù 90 năm đủ để chia rẽ các phân tích đa chiều về người mẹ đẻ của điều dưỡng hiện đại, có hai nhà sử học có những cái nhìn cụ thể về Nightingale qua những kết luận của họ về thiên hướng tình dục của bà.
Khởi điểm từ cái mà ông cho là sự ghê ghét ý nghĩ kết hôn với đàn ông của Nightingale – theo một số nguồn, bà đã từ chối ít nhất bốn lời cầu hôn – nhà sử học Lytton Strachey đã viết trong bài khảo sát của mình về bốn nhân vật của thế kỉ 19, “Quả là là lạ lùng; nàng Flo bị làm sao thế nhỉ? Ông Nightingale cho là có thể khuyên gián chuyện chồng con được; nhưng điều kì quái là nàng có vẻ không hề muốn lấy chồng.”
Mặt khác, dựa vào thư từ của chính Nightingale biểu thị niềm ham muốn được làm tình với phụ nữ mọi tầng lớp thì ta có truyện kí của tác giả Mark Bostridge. Theo truyện kí, Nightingale không chỉ không đồng tính, mà còn chẳng hành nghề điều dưỡng.
“Bà có sống một thôi ở Đức trước chiến tranh Crimea, luyện tập điều dưỡng căn bản, đến khi bà đến chiến trường Crimea thì hầu như chẳng làm gì liên quan điến điều dưỡng, và về sau thì hoàn toàn chẳng động tới nữa,” Bostridge trả lời phỏng vấn với báo The Independent. “Thành thử kết luận bà ấy là điều dưỡng viên thì thật là lố bịch. Bà ấy thiên về phần lí luận điều dưỡng hơn.”
Gì thì gì, câu chuyện về “người phụ nữ cầm đèn” cứu vô số sinh mệnh nhờ phương pháp điều dưỡng và quân y tiến bộ dựa trên các bằng chứng thu được, đưa con người đến với cái nghệ của nghề chữa bệnh, là không thể chối cãi.
Pedro Zerolo
Pedro Zerolo hẳn là phiên bản Tây Ban Nha của nhà hoạt động vì quyền người đồng tính Harvey Milk. Qua những hoạt động quả cảm với tư cách là nhà đấu tranh hàng đầu về bình đẳng LGBT, Zerolo đã góp phần làm nên lịch sử, giúp gắn kết đất nước Tây Ban Nha, nơi mà bình đẳng hôn nhân đã tồn tại trước Mĩ cả thập kỉ. Nhân danh những cống hiến của ông, năm ngoái, quảng trường của Madrid sẽ được đổi tên từ Plaza Vázquez de Mella thành Plaza Pedro Zerolo. Không chỉ cách ông sống, mà cách ông chết cũng mang dáng dấp anh hùng. Năm 2011, ông trút hơi thở cuối cùng sau cuộc chiến thầm lặng mà vinh quang chống lại ung thư tuỵ. Ông qua đời ở tuổi 55.
Leonard Matlovich
Những tựa báo kiểu “Mĩ cho phép người đồng tính phục vụ công khai trong quân ngũ” là những tựa báo có tính lịch sử trong năm 2011. Nhưng chúng đến trễ 35 năm so với mong muốn của Quân tào Không quân Leonard Matlovich, khi ông cống hiến sự nghiệp nhà binh lừng lẫy của mình – một Tim Tím, một Sao Đồng, và nhiều huân chương khác có được từ chiến trường Việt Nam – bằng cách thú nhận công khai mình là đồng tính năm 1975. Ông mong muốn một vụ kiện có khả năng giúp ông trở lại phụng sự cũng như xoá bỏ cấm vận đối với người đồng tính sẽ dành thắng lợi tại Toà án Tối cao Mĩ.
Theo lời tạp chí Time năm 75, “Khi Quân tào Leonard Matlovich gửi thư thú nhận đến cấp trên, một đại uý da đen ở Căn cứ Không quân Langley, Virginia, đại uý đã hỏi: ‘Cái quái gì thế này?’ Matlovich trả lời: ‘Brown v. the Board of Education.’” (một vụ kiện đòi xoá bỏ sự phân biệt đối xử giữa trẻ da trắng và da màu trong việc mở trường học ở Mĩ – ở đây nói với ý so sánh tầm quan trọng)
Tại nghĩa trang nơi chôn ông, Congressional Cemetery ở Washington, D.C., trên bia của Matlovich vẫn khắc “Một người cựu binh Việt Nam đồng tính.”
Jan Hamilton
Cách đây chưa đầy tám năm, tờ Daily Mail đã giật một cái tít lịch sử, dù có vẻ hơi kì thị – từ chuyển giới được đặt trong ngoặc kép, hàm ý rằng chính biên tập cũng còn hoài nghi về một khái niệm như thế. Dù vậy, bài báo vẫn cho phép người đọc biết được Jan Hamilton sẽ đi biểu tình ở Strathclyde để trở thành viên công an chuyển giới đầu tiên của Glasgow nói riêng và Scotland nói chung.
Thú nhận thiên hướng tình dục luôn là hành động dũng cảm. Cái khiến cho Hamilton xứng đáng danh hiệu “người hùng” là việc cô thú nhận sau khi rời khỏi sự nghiệp 20 năm quân ngũ trong Lục quân anh, từng giữ trọng trách lính nhảy dù tinh nhuệ tại các chiến trường nóng như Bosnia từ hồi thù địch giữa Croatia và Serbia còn ở đỉnh điểm.
Edward Sotomayor Jr., Brenda Lee Marquez McCool, Josh McGill, và những người hùng khác ở Pulse
Edward Sotomayor Jr., một trong 49 người tử nạn tại hộp đêm Pulse ở Orlando, nổi bật với hành động cứu người quên thân. Anh đã lãnh đạn để bạn trai mình có thể thoát ra. Brenda Lee Marquez McCool, sống sót khỏi ung thư hai lần, đã lấy thân chắn đạn cho bạn trai. Đêm đó họ đang đi chơi ở Pulse.
Josh McGill vốn đã thoát được nhưng quyết định quay lại cứu người. Anh đã dùng áo mình để cầm máu và chỉ cách làm cho những người khác.
Tháng 6, tạp chí The Advocate đăng tải bài về 49 người thiệt mạng. Động cơ của kẻ xả súng có thể gồm nỗi căm ghét người đồng tính, tính cực đoan tôn giáo và chứng tê mê bản thân.
Daniel Kaufman
Daniel Kaufman (42 tuổi) là một trong số 14 nạn thiệt mạng trong vụ xả súng tại trung tâm trị liệu Inland Regional Center, Bernardino, California, thực hiện bởi hai vợ chồng Tafsheen Malik và Syed Farook. Hôm đó, ngoài hoạt động thường ngày, trung tâm còn tổ chức tiệc trưa của Bộ Y tế quận San Bernardino, trọng tâm của vụ tấn công. Farook vốn là thanh tra bộ. Theo nhiều lời kể, Kaufman đã ra tay giúp nhiều người chạy thoát trước khi bị bắn chết.
Vợ chồng Farook đã bị cảnh sát bắn hạ cùng ngày hôm đó. Theo tường thuật của phóng viên tạp chí The Advocate Trudy Ring, họ có tư tưởng thân tổ chức khủng bố IS. Mặc dù IS tự cho chúng đi theo tư tưởng Hồi giáo, cộng sự sống sót của Kaufman, Ryan Reyes, nhấn mạnh rằng không nên đổ lỗi cho người theo đạo Hồi vì vụ tấn công.
“Tôi nhân danh Daniel và chính tôi, xin nhấn chúng ta không nên vì vụ tấn công này mà phân biệt đối xử với người theo đạo Hồi,” anh nói. “Thảm kịch này là do tay một nhóm người cực đoan. Ta không đổ lỗi cho toàn bộ dân đạo Thiên chúa vì những hành vi của nhà thờ Westboro Baptist, thế tại sao ta lại đổ thừa cho dân đạo Hồi vì IS? Chẳng hợp tình hợp lí gì cả. Không nên đánh giá đa số chỉ vì hành động và niềm tin méo mó của thiểu số. Dân đạo Hồi có nhân tâm như bao thứ dân khác. Việc người Mĩ cứ tiếp diễn lối suy nghĩ này khiến cả Daniel và tôi rất bức xúc.”
Hans Scholl
Kể cả ngày nay, vẻ đẹp nổi loạn của Hans Scholl vẫn toả ngời trong bức ảnh đen trắng chụp khi nào đó hồi những năm 1930, 40, bởi anh là một kiểu anh hùng hiếm có: người Đức mà dám chống đối Đức quốc xã.
Phải chịu hầu toà án phát-xít vị “tội” đồng tính và sau đó là phản quốc, Scholl mới chỉ 23 tuổi khi anh bị hành quyết ở đoạn đầu đài. Là thành viên của Hội Hoa hồng Trắng, với nhiệm vụ rải truyền đơn chống Đức quốc xã và ủng hộ tinh thần nhân loại, Scholl bị kết án tử hình cùng em gái Sophie vì tội phản quốc. Ngày nay, nhiều công viên, trường học, tượng đài và cả trung tâm mua sắm mang tên Scholl để tưởng nhớ công lao hai người.
Vốn từng tham gia phong trào thanh niên Hitler, Hans Scholl ngày càng ghê tởm chủ nghĩa quốc xã, Hitler và chủ nghĩa chuyên quyền độc đoán nói chung. Trong phiên toà, Sophie Scholl lí giả với thẩm phán (mà tờ Daily Mail gọi là “cuồng Nazi”) lí do cô và Hans cố gắng vất vả để lật đổ chính quyền Hitler.
“Kiểu gì rồi cũng phải có người khởi đầu. Có rất nhiều người tin những điều chúng tôi viết và nói. Chỉ có điều họ chưa dám dãi bày như chúng tôi mà thôi. Các người thừa biết các người thua rồi. Sao các người không có gan mà đối mặt với thất bại?”
Theo nhiều lời kể, lời cuối của Hans Scholl trước khi lưỡi dao cắt cổ anh là “tự do muôn năm.”
Susan Jester
Một trong muôn vàn cống hiến của Susan Jester là thành lập sự kiện đi bộ mang tên AIDS Walk San Diego vào năm 1985. Bà là điển hình của một nhà hoạt động vì bệnh nhân AIDS của một thời đã qua.
Bà cũng thường xuyên quan tâm chăm sóc cho một người đàn ông gay bị AIDS bị gia đình chối bỏ bởi thiên hướng tình dục cũng như bệnh trạng của mình. Ở tầm cỡ lớn hơn, Jester có đóng góp vào một phong trào cùng hàng ngàn người khác, chăm sóc cho các cá nhân bệnh tật, cũng như gây quỹ để phục vụ điều trị bệnh cho họ.
Jester căm phẫn sự bất công, thói định kiến và bất nhân giữa người với người. Có lẽ điều duy nhất người mẹ lesbian này ghét hơn sự kì thị là thói vô cảm. Khẩu hiệu của bà hẳn là “Hãy thôi cằn nhằn, hãy hành động ngay!”
Năm 2013, Jester trả lời phóng vấn tờ San Diego Gay and Lesbian News, “Bầu không khí hồi năm 1985 khác bây giời lắm. Xin thưa với các bạn sinh sau 1985, trong những ngày đen tối đó, AIDS của những năm 80 chẳng khác nào “ngày 11/9 của cộng đồng gay”, còn bọn tôi chẳng khác nào sống trong Trung tâm Thương mại Thế giới vậy. Tôi so sánh thế vì tôi đã sống qua cả hai thời kì đó.”
Theo Advocate