25 năm liệt nửa người vẫn cố gắng tạo công ăn việc làm cho gần chục người khuyết tật
Nếm trải nỗi khổ của người khuyết tật do chấn thương cột sống nên ông rất thấu hiểu và muốn được sẻ chia với người đồng cảnh.
25 năm trước, sau một cú nhảy xuống hồ nước cạn trong lần đi chơi cùng bạn bè ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Sơn bị chấn thương cột sống. Nếm trải nỗi khổ của người đồng cảnh như mình nên ông rất hiểu. "Sợ nhất của người bị cột sống là loét. Vì mất cảm giác nên chỉ cần một vết phồng rộp nhỏ, người bệnh có thể bị lở loét nghiêm trọng, gây hoại tử", ông Sơn tâm sự.
Năm 2001, ông Sơn viết phần mềm kế toán "Hệ thống quản lý kế toán ASA" cho công ty cũ và có người mua với giá 6 triệu đồng. Tháng 12-2004, Cục Bản quyền tác giả đã chứng nhận sản phẩm "Hệ thống quản lý kế toán ASA" cho tác giả chủ sở hữu Phạm Thanh Sơn. Cùng năm đó, ông được tạp chí tin học eChíp tặng danh hiệu "Hiệp sĩ công nghệ thông tin".
Năm 2008, ông chính thức thành lập Công ty TNHH sản xuất phần mềm máy tính ASA. Hiện 10 nhân viên của Công ty ASA hầu hết là những người khuyết tật. Thu nhập mỗi năm của công ty từ 700-800 triệu đồng.
Ông Phạm Thanh Sơn. Ảnh: Tuổi trẻ |
Tháng 10/2018, CLB Chấn thương cột sống VN được thành lập mà ông Phạm Thanh Sơn hiện là phó chủ nhiệm. "Quan trọng nhất của những người chấn thương cột sống là hòa nhập, thoát khỏi "vỏ ốc" của chính mình. Phải đi ra ngoài thì mới có việc làm, mới thấy được cuộc đời còn nhiều ý nghĩa, còn nhiều điều tốt đẹp để không mặc cảm, tự ti về bản thân", ông Sơn nói.
Các thành viên trong CLB Chấn thương cột sống đều biết ông Phạm Thanh Sơn là một hiệp sĩ CNTT, giám đốc một DN phần mềm kế toán, với bao dự án giúp đỡ những người bạn bị chấn thương cột sống như: Tặng đệm chống loét, tặng máy tính để tìm kiếm công việc, hỗ trợ tiền cho các bạn khó khăn đi viện. Và còn rất nhiều những tấm gương khác hàng ngày nỗ lực học tập, làm việc để cuộc sống được tốt hơn.
Việc chăm lo cho cuộc sống - đối với người bình thường cũng đã là chuyện thường ngày, nhưng với những người bị chấn thương cột sống lại là cả một nỗ lực phi thường. Hè 2019, ông ra Quỳnh Lưu (Nghệ An) để đến thăm một bạn bị chấn thương cột sống. Cảm nhận cái nóng của miền Trung, ông hiểu thêm nỗi vất vả, cơ cực của những người gặp bệnh này khi sống trong điều kiện nóng bức. Mới đây ông lại đi Bến Tre, Đắk Lắk gặp gỡ, kết nối với hơn chục người bệnh.
"Tôi muốn đi, đi để kết nối anh em ngoài đời chứ không phải qua mạng xã hội. Người đồng tật với nhau, gặp mặt nhau dễ sẻ chia những điều thầm kín, dễ thân thiện với nhau. Khi hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư thì mới biết mình có thể đồng hành được gì cho họ", ông bày tỏ.
Theo: Doisongphapluat