5 lưu ý để tìm được công việc như ý vào năm mới
Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của mạng lưới quan hệ khi tìm kiếm những cơ hội mới - CNN đưa ra lời khuyên.
Sau Tết là thời điểm nhiều người bắt đầu tìm một công việc mới sau khi nhận đầy đủ các khoản lương, thưởng của năm cũ. Nhưng với những người đã làm việc lâu năm tại một công ty, việc tìm được một chỗ làm mới thích hợp có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Dưới đây là 5 lưu ý của CNN để giúp bạn dễ dàng tìm được một công việc như ý trong năm mới.
Xác định chính xác thế mạnh bản thân
Đầu tiên, bạn phải xác định những gì mình muốn làm tiếp theo. Kế tiếp, bạn cần thật chi tiết và cụ thể. Hãy dành thời gian để đánh giá những ưu, nhược điểm của vị trí công việc và công ty hiện tại. Hãy xác định những điểm mạnh nghề nghiệp, lĩnh vực chuyên môn và những kỹ năng đặc biệt bạn có thể thể hiện với nhà tuyển dụng.
“Bạn sẽ không nhận được câu trả lời tốt nhất từ thị trường tuyển dụng nếu bạn có thể làm quá nhiều công việc”, Marc Cenedella, nhà sáng lập, CEO website tìm việc làm Ladders, chia sẻ.
Làm mới CV
Sau khi xác định những lĩnh vực giỏi nhất của mình, đã đến lúc làm nổi bật chúng trong bản CV của bạn. Khi gửi CV đi, hãy chắc chắn mỗi bản CV của bạn được thiết kế riêng để phù hợp nhất với vị trí ứng tuyển.
Có một phần tóm tắt ấn tượng ngay đầu bản CV sẽ giúp nhà tuyển dụng có một cái nhìn nhanh về những gì bạn có thể đem tới cho công ty của họ. Nếu đã đi làm được một thời gian dài, bạn không cần phải liệt kê tất cả công việc trong quá khứ. Hãy lựa chọn những công việc phù hợp với vị trí đang ứng tuyển để đưa vào CV.
Hãy lựa chọn những gì phù hợp với công việc đang ứng tuyển để viết vào CV. Ảnh: PA Life. |
“Khi nhìn vào kinh nghiệm làm việc, bạn cần sắp xếp thứ tự công việc sao cho chúng thật sự liên quan đến những kỹ năng nghề nghiệp quan trọng của mình”, chuyên gia nghề nghiệp Wendi Weiner đưa ra lời khuyên.
Bà Weiner cũng cho rằng CV không chỉ nên là một bản danh sách những gì bạn đã làm trong quá khứ. Một bản CV tốt nên bao gồm những ví dụ cụ thể về kết quả công việc và những gì bạn đã đóng góp cho công ty hiện tại.
Những kết quả có thể định lượng như doanh số bán hàng hay giải thưởng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều nhưng cũng đừng bỏ qua những thành tích định tính như quản lý một dự án quan trọng hay thiết lập một quy trình làm việc hiệu quả cho công ty.
Theo lời khuyên của Cenedella, CV không nên giống như một tờ tiểu sử mà nên là một bản quảng cáo về chính bạn.
“Không ai lại tuyển dụng một người để làm mọi thứ. Bạn phải biết cụ thể những gì mình muốn để đáp ứng đúng nhu cầu của người sếp tương lai”, Cenedella chia sẻ.
Dành thời gian cho các mối quan hệ
Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của mạng lưới quan hệ khi tìm kiếm những cơ hội mới. Hãy tham gia những hội nhóm nghề nghiệp, kết nối với những người đang làm việc trong lĩnh vực hoặc công ty mà bạn yêu thích trên LinkedIn và tham dự những buổi gặp mặp với họ nếu có thể.
Khi gặp gỡ họ, hãy giới thiệu bản thân và giải thích bạn đang hứng thú tìm hiểu thêm về vị trí công việc và công ty của họ và đề nghị một buổi hẹn hoặc một cuộc điện thoại để có thêm thông tin.
Càng nhiều mối quan hệ, cơ hội tìm được việc làm của bạn càng lớn. Ảnh: Fashion Mingle. |
“Nếu mối quan hệ được đáp lại và họ sẵn sàng nói chuyện điện thoại với bạn, điều này có thể mở ra nhiều thứ quan trọng”, bà Weiner nhận xét.
Nhưng đừng đính kèm CV trong email đầu tiên của mình. “Nắm lấy cơ hội để mở cánh cửa và xây dựng một mối quan hệ với họ trước. Bạn nên thật sự cho họ thấy bạn muốn học hỏi từ họ và biết thêm về công ty”.
Và đừng quên khai thác những mối quan hệ sẵn có của bạn để có thêm nhiều cơ hội tiềm năng.
“Tạo ra mối quan hệ thân thiết với những người bạn đã biết. Nếu không có những lần trò chuyện trước đó, bạn có thể khám phá những sở thích và đam mê khác của họ”, Maggie Mistal, một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, chia sẻ.
Với những người bạn quen nhưng lại không gặp trong một thời gian dài, Cenedella khuyên bạn có thể mời họ một buổi cà phê, ăn sáng hoặc ăn trưa để gặp gỡ và hỏi họ xem bạn có thể nhờ họ làm người tham khảo trong CV của mình hay không. “Bây giờ bạn đã có người đứng về phía mình”, CEO Ladders nói.
Đầu tư hơn vào thương hiệu cá nhân
Đây là lúc để xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn chuyên nghiệp hơn qua mạng xã hội. LinkedIn là một kênh quan trọng mà các nhà tuyển dụng thường sử dụng, vì vậy hãy chắc chắn hồ sơ trên LinkedIn của bạn được cập nhật hoàn chỉnh và đầy đủ thông tin. Việc viết bài và bình luận dưới những bài đăng khác trên LinkedIn cũng sẽ giúp ích.
Chăm chút cho tài khoản LinkedIn có thể giúp bạn dễ tìm việc hơn. Ảnh: BI. |
“Mọi người sẽ nhìn vào những thứ xuất hiện trên bảng tin của họ. Và khi bạn đăng bài và tương tác thường xuyên, họ sẽ thấy bạn xuất hiện liên tục và nếu bạn tiếp cận, họ sẽ biết bạn là ai”, huấn luyện viên nghề nghiệp April Klimkiewicz chia sẻ.
Đừng quên tìm việc luôn mất nhiều thời gian
Bạn không thể nào tìm được công việc phù hợp chỉ sau một đêm. Một khảo sát vào tháng 10/2018 chỉ ra quá trình tìm việc trung bình có thể kéo dài tới 5 tháng.
Tuy nhiên, đừng nên bỏ qua cơ hội đầu tiên khi nó xuất hiện. Khi phỏng vấn với một nhà tuyển dụng tiềm năng, hãy chủ động hỏi những câu hỏi để chắc chắn liệu bạn nơi đó có phù hợp với bạn không.
“Bạn sẽ không muốn nhảy việc từ một nơi đã gắn bó suốt một thời gian dài để rồi chuyển sang một công ty mới không tốt. Hãy tìm việc một cách chậm rãi”, bà Weiner đưa ra lời khuyên.
Theo: Zing