Baccarat: 258 năm nghệ thuật sống của nước Pháp
Có lẽ, bạn đã nhiều lần gặp phải cụm từ “Art de vivre” khi chúng được sử dụng thường xuyên bởi các thương hiệu cao cấp và xa xỉ. Nhưng thật khó để đưa ra một định nghĩa hoặc giải thích cụ thể cho cụm từ này ? và tại sao Baccarat, qua nhiều thế kỷ, đã trở thành biểu tượng Art de Vivre của Pháp ?
Nghệ thuật sống “Art de Vivre”
Nghệ thuật sống của người Pháp (Art de Vivre) là sự kết hợp của một số yếu tố bắt nguồn từ lịch sử và văn hóa của Pháp, và điều đó được cấu thành bởi hương vị, thẩm mỹ, cảm giác chi tiết và yêu cầu trong tất cả các hình thức của nó (văn hóa, xã hội , trí tuệ, lịch sử, ngành nghề thủ công…). Nghệ thuật sống này kết hợp các thành phần khác nhau, không thể tách rời, và dựa trên logic để có thể đưa ra lời giải thích cho hệ tư tưởng sống được bao quanh bởi những khía cạnh khác nhau này. Hơn nữa, nghệ thuật sống của người Pháp, mặc dù là một khái niệm trừu tượng, nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với ngành hàng xa xỉ phẩm. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, sự sang trọng của Pháp được đề cập đến như một khái niệm xuất sắc kết hợp giữa văn hóa, phong cách sống của người Pháp, các tạo tác và nhà ở xa xỉ mang tính lịch sử. Các thương hiệu cao cấp, với khả năng cung cấp trải nghiệm đa chiều, đóng vai trò như một nguồn tài nguyên để làm phong phú thêm nhận thức và trải nghiệm của người tiêu dùng.
Hàng hóa và dịch vụ xa xỉ, chẳng hạn như đồ da, pha lê, quần áo, khách sạn, nước hoa, ẩm thực và lối sống của người Pháp, là những thứ được khao khát và thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Trong hơn vài thập kỷ, Pháp đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về sự sang trọng, đặc biệt là nhờ vào vua Louis XIV, người muốn cải thiện hình ảnh của nước Pháp. Ngày nay, khách du lịch cũng như các nhà đầu tư tìm kiếm những truyền thống và bí quyết hàng thế kỷ này thông qua những câu chuyện gắn liền với lịch sử và văn hóa địa phương. Tuy nhiên, mặc dù nghệ thuật sống của người Pháp là điều khiến các doanh nghiệp xa xỉ của Pháp cạnh tranh ở cấp độ quốc tế, nhưng những khái niệm về nghệ thuật sống này vẫn chưa được định nghĩa trong tài liệu và vẫn còn rất trừu tượng.
Thông thường, phong cách Pháp được cho rằng cấu tạo bởi ba yếu tố không thể tách rời sau: savoir-faire, savoir-être, và savoir-vivre. Từ savoir-faire trong tiếng Pháp thường được dịch tương tự với từ tiếng Anh “know-how”; Nhưng trong thực tế, nó không mang cùng nghĩa.
Trong khi “know-how” biểu thị khả năng cư xử hoặc thể hiện bản thân đúng cách trong môi trường xã hội, thì từ “savoir-faire” trong tiếng Pháp đề cập đến các năng lực mà các cá nhân có được và phát triển thông qua trải nghiệm sống trong các bối cảnh văn hóa khác nhau, và bằng cách giải quyết một số vấn đề thực tế khi thực hiện một nhiệm vụ. Ở Pháp, để trở thành một nghệ nhân, điều cần thiết đầu tiên là nghề đó phải được liệt kê trong bảng xếp hạng chính thức về nghề thủ công do chính quyền địa phương thiết lập.
Yếu tố thứ hai để cấu thành nên nghệ thuật sống “Art de vivre” chính là “Savior-être”. Chúng phản ánh trình độ nhận thức và những giá trị cốt lõi trong thế giới quan của một người. Yếu tố này được nhận biết thông qua những hành động và phản ứng của một người trong các tình huống ngoài xã hội. Trong xã hội Pháp, có những hành động và thái độ mà mỗi cá nhân được kỳ vọng phải thể hiện khi giao tiếp và phản ánh được tầng lớp trong xã hội của họ. Còn trong ngành xa xỉ phẩm, khách hàng không những chỉ tập trung đơn thuần vào việc mua các sản phẩm đến những thương hiệu. Những yếu tố như câu chuyện lịch sử của thương hiệu, những thiết kế kinh điển, và những đóng góp cũng như ảnh hưởng của họ đến dòng chảy lịch sử và xã hội Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn một thương hiệu của họ.
Yếu tố cuối cùng làm cho nghệ thuật sống của người Pháp trở nên độc đáo và góp phần quảng bá sự sang trọng trong các ngành hàng xa xỉ của Pháp trên toàn thế giới chính là savoir-vivre. Trong tiếng Anh, “savior-vivre” dùng để chỉ những gì mà chúng ta định nghĩa là kiến thức về cuộc sống và cách cư xử đúng đắn trong xã hội. Trong văn hóa Pháp, savoir-vivre thiên về việc tận hưởng cuộc sống, dù là thứ nhỏ nhất, và cách mà một người có thể nhận được nhiều hơn từ cuộc sống, chẳng hạn như biết cách dành thời gian để thưởng thức một bữa ăn ngon hoặc tận hưởng một giấc ngủ ngắn.
Người Pháp để tâm vào mọi điều đời thường nhỏ bé mà họ vẫn làm, biến chúng thành nghệ thuật. Mỗi bữa ăn không mang mục đích ăn để sinh tồn mà phải là một bữa tiệc với đầy đủ salad khai vị, món chính, phô mai, tráng miệng và kết thúc bằng cà phê, cùng những nghi thức tinh tế bất phân định người tham dự là quý tộc hay thuộc tầng lớp nào đi chăng nữa. Bữa tiệc sẽ thật sự bắt đầu sau những tiếng chạm ly lách cách. Chỉ khi chủ nhà nói xong lời phát biểu và đặt khăn ăn vào lòng, khách mới được phép làm theo. Bánh mì luôn phải được xé nhỏ trước khi ăn, và sau mỗi món ăn, chúng được dùng để lau dao nĩa… Thoạt nghĩ có thể thấy người Pháp mất quá nhiều thời gian cho những lề thói cảnh vẻ của họ. Nhưng, chính những điều cầu kỳ ấy đã khiến mỗi bữa ăn của người Pháp trở nên giá trị hơn, cảm giác thỏa mãn có thể đi đến tận cùng, và khoảng thời gian họ được dùng bữa bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trở thành những khoảnh khắc tận hưởng quý giá.
“Art de vivre” và nghệ thuật
Bên cạnh đó, nghệ thuật sống Art de vivre còn được phản ánh rõ nét qua niềm đam mê của người Pháp đối với các tác phẩm nghệ thuật. Bắt đầu từ khái niệm “les beaux art” dành riêng cho những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ cái đẹp và gu thẩm mỹ, một trường phái khác so với các tác phẩm nghệ thuật có tính ứng dụng như gốm sứ hoặc kim loại. Khái niệm này đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự liên kết chặt chẽ với tâm hồn và bản ngã trong con người mình. Vào năm 1648, Cardinal Mazarin, bộ trưởng của vua Louis XIII và Louis XIV, đã tạo ra học viện “Académie des Beaux Arts” để đào tạo ra những học viên nghệ thuật ưu tú nhất trong các lĩnh vực như vẽ, sơn màu, điêu khắc, và kiến trúc. Vua Louis XIV đã chọn lựa những học sinh ưu tú nhất để đảm nhiệm phần trang trí tại cung điện Versailles của mình. Ngôi trường chính là cái nôi đã đào tạo nên những cái tên nghệ sĩ lớn tại Pháp như: Gericault, Degas, Delacroix, Moureau,vv…Không chỉ đơn thuần là một xưởng chế tác pha lê, Baccarat còn là nơi đã đưa những tác phẩm nghệ thuật bước ra ngoài đời thực thông qua sự hợp tác với các nghệ sĩ và nhà thiết kế nổi tiếng như: Jaime Hayon, Georges Chevailer, Virgil Abloh, Salvador Dali, Patricia Urquiola…
Sự tinh tế của mùi hương trong nghệ thuật sống Pháp
Đối với phụ nữ Pháp, việc chọn và sử dụng mùi hương cũng chính là các họ thể hiện nghệ thuật sống của mình. Họ dùng những nốt hương để thể hiện những tính cách và nhân dạng của mình. Vì thế, những nốt hương được sử dụng đều có những mối liên hệ chặt chẽ đối với những câu chuyện và ký ức bên trong họ. Vì thế, những nhà chế tác nước hoa thường tập trung vào những câu chuyện trong di sản và đằng sau những thiết kế độc đáo của chai.
Pháp tuy rằng không phải là người tiên phong trong lĩnh vực chế tác nước hoa, nhưng hiện nay, các thương hiệu như LVMH, Chanel, Chistian Dior,vv…chiếm đến 30% doanh số bán toàn cầu. Trong giai đoạn từ năm 1870 đến năm 1907, một trong số các lĩnh vực sản xuất Baccarat mạnh nhất chính là lọ nước hoa với sản lượng hơn 4000 chai mỗi ngày. Với những sự hợp tác cùng các thương hiệu chế tác nước hoa nổi tiếng, Baccarat đã khéo léo tạo nên những thiết kế chai độc đáo nhờ vào kỹ nghệ chế tác pha lê bậc thầy của các nghệ nhân thủ công.
Theo: Doanhnhanplus