Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo đảm quyền lợi người gửi tiền trong mọi trường hợp
Với vai trò là tổ chức duy nhất tại Việt Nam thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi
Với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động như Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã khẳng định nhiều lần trong thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng được Nhà nước cam kết bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền trong mọi trường hợp
Nhấn mạnh về mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và đặc biệt là đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Với vai trò ngân hàng Trung ương cũng như là vai trò của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, khi xây dựng, hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Trong các công cụ và giải pháp nhằm đạt mục tiêu trên, chính sách bảo hiểm tiền gửi là một cam kết công khai của tổ chức bảo hiểm tiền gửi về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập từ năm 1999, là tổ chức tài chính công, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng. Hiện nay, có 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trong đó 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Các tổ chức này đều được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi và Bản sao Chứng nhận theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi định kỳ nộp phí cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo số dư tiền gửi được bảo hiểm.
Tính đến tháng 10/2022, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thu phí đạt 78% kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng thực hiện miễn nộp phí cho một số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định.
Toàn bộ phí bảo hiểm tiền gửi do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nộp cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Quỹ dự phòng nghiệp vụ còn được sử dụng để cho vay đặc biệt khi tham gia kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017.
Khi chưa phát sinh nghĩa vụ chi trả, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi nhằm gia tăng năng lực tài chính, đồng thời đảm bảo thanh khoản và bảo toàn vốn. Đến hết ngày 30/9/2022, tổng nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, tăng 12,89% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là nguồn lực tài chính quan trọng giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn sẵn sàng khả năng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết cũng như có thể tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đến 30/9, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 228/280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đạt 81,43% so với kế hoạch; hoàn thành kiểm tra đối với 48/53 Quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc được Ngân hàng Nhà nước năm 2022, đạt 90,5% so với kế hoạch. Kết quả kiểm tra được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo cáo Ngân hàng Nhà nước nhằm kịp thời theo dõi, đánh giá diễn biến, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, qua đó chấn chỉnh các vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, 100% các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được giám sát từ xa thông qua thông tin báo cáo từ các tổ chức nói trên, đồng thời từ dữ liệu chia sẻ của Ngân hàng Nhà nước.
Thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chưa phát sinh các khoản vay đặc biệt từ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, cũng như chưa phát sinh nghĩa vụ chi trả theo quy định. Tuy nhiên, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn theo dõi sát sao các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đồng thời đảm bảo năng lực tài chính, nguồn nhân lực và nguồn lực kỹ thuật để có thể nhanh chóng ứng phó trong mọi trường hợp phát sinh.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng thực hiện tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, đa dạng hóa các kênh truyền thông có độ bao phủ lớn như phối hợp với đài truyền hình, đài phát thanh, các báo, tạp chí hay thông qua website Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Bản tin bảo hiểm tiền gửi, góp phần nâng cao hiểu biết của công chúng về chính sách bảo hiểm tiền gửi và hình ảnh tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Chủ tịch Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Phạm Bảo Lâm khẳng định, tổ chức này sẽ giữ vững tinh thần khẩn trương, quyết tâm triển khai đồng bộ các hoạt động nghiệp vụ, mục tiêu chính sách, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, không ngừng đổi mới nhằm phát huy tối đa vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.