Bảo mật trong giao dịch ngân hàng: 'Chuông' rung mãi không thôi
Liên tiếp xảy ra các vụ việc khách hàng mất tiền, dưới nhiều hình thức, từ kẻ gian lừa đảo, mất thông tin cho tới sơ hở của khách hàng... Cho dù 'hồi chuông' cảnh tỉnh đã rung liên hồi song cơ quan hữu quan, ngân hàng vẫn loay hoay chưa có giải pháp triệt để.
Lỗi vì ai?
Mới đây nhất là việc nhiều chủ tài khoản Ngân hàng Agribank phản ánh tài khoản bị rút tiền trong đêm dù không thực hiện giao dịch, có tài khoản bị rút mất hàng chục triệu đồng trong vài phút. Kết quả xác minh sơ bộ ban đầu cho rằng, có khả năng trong quá trình sử dụng, thẻ của khách hàng đã bị đánh cắp thông tin dữ liệu tại ATM.
Trước đó, tại không ít ngân hàng thương mại, nhiều khách hàng đã lên tiếng tố cáo về việc tiền trong tài khoản tiết kiệm bỗng dưng “không cánh mà bay”. “Đình đám” nhất phải kể đến Ngân hàng Eximbank với số tiền tiết kiệm của một khách hàng VIP “bốc hơi” lên tới 245 tỷ đồng, vụ việc này đến nay vẫn chưa tìm được cách giải quyết hợp lý cho đôi bên.
Những vụ mất tiền diễn ra liên tục và có nguy cơ còn tiếp diễn khiến nhiều ý kiến tỏ ý lo ngại về sự an toàn cũng như cơ chế về bảo mật an toàn tiền gửi và thông tin khách hàng. Nhất là khi các chuyên gia còn cho rằng, pháp luật và cơ chế tại các ngân hàng chưa thực sự bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, khi vay tiền ngân hàng luôn có hợp đồng chặt chẽ, nhưng khi gửi tiền, khách hàng chỉ nhận được sổ tiết kiệm đơn giản, không có điều khoản bảo vệ quyền lợi.
Nhiều đại diện ngân hàng đã thừa nhận nguyên nhân đến từ quy trình quản trị hệ thống, công nghệ thông tin của ngân hàng có những sai sót nhất định, nên nếu lỗi thuộc về ngân hàng thì ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho khách hàng.
Theo chuyên gia tài chính– ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, những vụ mất tiền như trên có thể sẽ chưa dừng lại khi hệ thống ngân hàng còn nhiều lỗ hổng về: Quản lý hệ thống của cơ quan nhà nước; hoạt động nội bộ ngân hàng có những quy định chưa chặt chẽ; nghiệp vụ ngân hàng, đạo đức kinh doanh của cán bộ nhân viên ngân hàng chưa chuẩn mực. Cùng với đó, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh vào sự bất cẩn, thiếu kiến thức, tin tưởng tuyệt đối vào ngân hàng của chính khách hàng khi giao dịch nên mới để xảy ra những vụ việc mất tiền như trên.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng khi nhận tiền là phải công khai, minh bạch quy trình, đến hạn trả đủ lãi và gốc cho người gửi. Đặc biệt, tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về lỗi vi phạm để lợi dụng dẫn đến mất tiền của khách hàng.
Người dùng nên cẩn trọng và đọc kỹ khuyến cáo của ngân hàng để tránh lộ lọt thông tin khi giao dịch.
Tự chủ từ khách hàng
Như vậy, nguyên nhân của những vụ việc nêu trên có thể đến từ hai phía, nhưng với nghiệp vụ và trách nhiệm của mình, các ngân hàng cũng phải có dịch vụ hoặc khuyến cáo để bảo vệ khách hàng trước những vụ việc mất tiền như trên. Ngay sau khi hàng loạt vụ mất tiền trong tài khoản tiết kiệm xảy ra, nhiều ngân hàng đã cung cấp dịch vụ truy soát số dư sổ tiết kiệm bằng các hình thức online, qua điện thoại.
Đối với việc lộ lọt thông tin qua thẻ ATM, các ngân hàng cũng đã đưa ra khuyến cáo cho khách hàng về những hình thức mà kẻ gian có thể lợi dụng để lấy thông tin khách hàng. Cụ thể là khi giao dịch thẻ trên máy ATM, người dùng nên quan sát thật kỹ: Khe đọc thẻ; Khu vực phía trên - đối diện với bàn phím; vị trí phía trên màn hình ATM; bên trong thiết bị che bàn phím hoặc bàn phím ATM bởi đây là những vị trí có nguy cơ bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ. Hơn nữa, người dùng nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư tự động qua tin nhắn và nên thường xuyên kiểm tra tin nhắn để kịp thời và chủ động phát hiện giao dịch bất thường.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực để cải thiện hoạt động, nâng cao năng lực bảo vệ, bảo mật thông tin cho khách hàng. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Ngân hàng Eximbank, HĐQT Ngân hàng Eximbank cho biết, ngân hàng đã rà soát và cải tiến một số quy định nội bộ để tăng cường công tác quản trị rủi ro hệ thống, đặc biệt là khách hàng có thể kiểm tra tiền gửi qua internet banking, mobile banking, SMS; xác thực việc ủy quyền bằng vân tay, luân chuyển cán bộ nội bộ…
Ngoài ra, để tăng cường bảo mật và an toàn hệ thống hơn nữa, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN cần cải thiện những lỗ hổng về luật pháp để các ngân hàng tuân thủ và thắt chặt hơn các quy định trong hoạt động nội bộ. Đơn cử, NHNN đang để trống quy định về việc để nhân viên ngân hàng đến giao dịch tại tư gia, điều này sẽ tạo cơ sở cho kẻ gian lợi dụng và lấy tiền tiết kiệm của khách hàng; trong khi tại Mỹ, nhân viên ngân hàng không được phép giao dịch tiền mặt với khách hàng ngoài ngân hàng, chỉ được phép nhận séc của khách hàng. Mặt khác, khách hành cũng cần nâng cao sự thận trọng, tránh sự “cả tin”, không giao dịch khi thấy có dấu hiệu bất thường, nên đến giao dịch tại tại trụ sở ngân hàng, trong giờ làm việc để tránh bị lợi dụng.
Có thể thấy, nhưng vụ việc mất tiền đã và đang gây “nhức nhối” trong cộng đồng nên rất cần cả hệ thống ngân hàng rốt ráo vào cuộc để xử lý, nhằm lấy lại niềm tin khách hàng, đảm bảo an toàn hệ thống, cũng như đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn ngân hàng quốc tế trên con đường hội nhập.
Theo baomoi