Việc bắt chó thả rông được quy định rất rõ trong các văn bản pháp luật nên không thể viện lý do không biết để vật nuôi của mình gây ảnh hưởng xấu đến người khác
Ra đường là... vào thùng
Khi Đội BCTR bắt một chú chó lông xù trên đường Nguyễn Nhữ Lãm thì gia chủ chạy ào ra, sửng sốt khi chứng kiến cảnh chó cưng của mình nằm gọn trong thùng xe. Bà Nguyễn Thị Lan (chủ con chó bị bắt) cho biết chó cưng của mình rất hiền, suốt ngày nằm ở trong nhà không đi ra ngoài, chỉ có buổi sáng đi dạo trước cửa nhà. Hoảng hốt chạy theo lấy lại chó, bà được nhân viên thú y hướng dẫn đến nơi nuôi giữ chó để đóng phạt và nhận lại thú cưng.
Một con chó khác đi lang thang trên vỉa hè đường Nguyễn Lê Phan cũng bị bắt ngay trong sáng cùng ngày. Đội BCTR đi qua một số tuyến đường khác như Nguyễn Sơn, Lũy Bán Bích, Vườn Lài… nhưng nhiều con chó rất tinh khôn, vừa nhác thấy người lạ đến gần liền chạy thoát thân.
Đội BCTR với sự hỗ trợ của cán bộ trật tự đô thị và công an phường cũng đã bắt chó thả rông theo đề nghị của UBND phường Linh Xuân, quận Thủ Đức. Bà Lý Thị Tâm sau khi biết chó của mình bị bắt mới hớt hải đến trụ sở UBND phường Linh Xuân tìm. Con chó đang nằm trong thùng xe thấy chủ liền vẫy đuôi vui mừng. Bà Lan giải thích dẫn con chó tên Bo đi chợ và để nó nằm trên vỉa hè thì bị bắt. Mặc dù vậy, bà Lan cũng không được nhận lại mà phải lên trụ sở Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật làm thủ tục nhận lại thú cưng.
Bị chủ chó hành hung
Ông Phạm Minh Trí, Trạm trưởng Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật, cho biết việc BCTR không phải mới mà đã thực hiện hàng chục năm qua. Sau năm 1975, TP đã BCTR để phòng bệnh dại và đến nay vẫn làm thường xuyên. Nhờ đó, TP đã có 12 quận an toàn dại; ở 12 quận, huyện còn lại cũng có đến 73 xã, phường an toàn dại. Theo ông Trí, người dân đã có ý thức tiêm phòng dại cho chó, mèo nên nhiều địa phương tỉ lệ tiêm phòng dại lên đến 95%-98%.
Hiện nay, chi cục thực hiện việc BCTR theo đề nghị phối hợp của các quận, huyện. Khi có văn bản đề nghị, chi cục sẽ lên lịch với các xã, phường để BCTR. "Việc để chó thả rông rất nguy hiểm, nếu chó mắc bệnh dại và cắn chó khác hoặc người sẽ lây bệnh dại. Chưa kể, để chó thả rông ngoài đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường" - ông Trí nhận định.
Chó thả rông bị bắt được giữ trong vòng 72 giờ để chờ chủ đến nhận
Những năm trước, số lượng chó bị bắt nhiều nhưng hiện nay thì ít hơn do ý thức người dân được nâng cao cũng như việc bắt chó gặp nhiều khó khăn hơn. Kinh nghiệm của lực lượng thú y khi đi bắt chó phải đi đường lớn, bắt một lượt chứ không quay lại để tránh bị chủ nhà, người dân xung quanh hành hung. Trước đây, việc hành hung xảy ra nhiều, sau đó chi cục phối hợp với chính quyền địa phương và công an thì ít bị đánh hơn. Có trường hợp khi BCTR, một phụ nữ đã leo lên xe theo về đến tận trụ sở rồi đập phá chốt bảo vệ, cầm dao rượt nhân viên nơi đây chạy vòng vòng.
Chó bị bắt giữ sẽ được đưa về trại ở số 252 Lý Chính Thắng (phường 9, quận 3) và lưu giữ trong vòng 72 giờ. Sau thời gian trên, chó được xác định là chó vô chủ thì đem đi tiêu hủy. Bên cạnh đó, một số trường học như Trường ĐH Nông Lâm, Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TP đến liên hệ xin về để phục vụ công tác nghiên cứu.
Theo thống kê, khoảng 70% số lượng chó thả rông bị bắt được chủ đến nhận. Cụ thể, năm 2015, lực lượng thú y bắt 108 con chó thì có 64 trường hợp được chủ nhận lại. Năm 2016, có 26/37 chó thả rông được chủ nhận lại. Trong 9 tháng đầu năm 2017, cũng có 40 trường hợp chủ đến nhận lại thú cưng trong số 58 chó thả rông bị bắt giữ.
Khó xử phạt
Luật sư Lê Trọng Thêm, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết quy định về rọ mõm cho chó khi đưa ra đường lần đầu tiên được quy định tại Thông tư 48/2009/TT-BNNPTNT và hiện được quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT. Nghị định 90/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-9, lần đầu tiên áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với việc không đeo rọ mõm cho chó, với mức phạt từ 600.000-800.000 đồng.
Theo Nghị định 90, chủ tịch UBND xã là người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm chó khi đưa ra nơi công cộng. Tuy nhiên, với lực lượng có hạn, trong khi được giao thẩm quyền quản lý và xử phạt rất nhiều lĩnh vực, các đơn vị hành chính cấp xã, phường khó có thể xử lý hết các vi phạm liên quan đến quản lý chó và không rọ mõm chó khi đưa ra nơi công cộng. Bên cạnh đó, riêng việc xác định danh tính chủ sở hữu đối với chó thả rông đã rất khó khăn. Mặt khác, nếu chủ chó thả rông bất hợp tác thì cũng khó lập biên bản vi phạm hành chính.
Anh NGUYỄN ĐÌNH VƯƠNG (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM):
Bị cho cắn, phải chuyển nhà
Ngay dịp Tết nguyên đán vừa rồi, con gái tôi đi ra đường bị chó của hàng xóm cắn. Con chó này đã được tiêm phòng nhưng nó lại "giao lưu" với đàn chó trong xóm nên tôi rất bất an. Tôi đưa con tới Viện Pasteur tiêm phòng. Tiêm xong mũi thứ nhất, bác sĩ dặn phải theo dõi con chó xem có bị chết không, may sao nó không chết. Đến khi tiêm mũi thứ 2, "thủ phạm" cắn con mình vẫn còn sống nên không phải tiêm mũi thứ 3. Con gái tôi vốn đã gầy, sau khi tiêm phòng sức khỏe càng kém. Sau vài tháng bồi dưỡng tối đa, cháu mới lấy lại sức. Đáng lo ngại là sau sự cố trên, nhiều chủ nuôi khác vẫn không đưa chó đi tiêm phòng và cứ thả ra đường phóng uế. Thấy nguy hiểm cho con và quá mất vệ sinh, tôi phải chuyển nhà đi nơi khác.
Ông TẠ NGỌC SƠN, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi chó giống Việt Nam:
Có trách nhiệm với chó nuôi
Hầu hết các nước đều quy định về việc bắt chó thả rông nhằm giữ an toàn cho cộng đồng, phòng chống bệnh dại... Vì vậy, bản thân mỗi chúng ta khi xác định nuôi chó thì phải tìm hiểu trước các vấn đề có thể xảy ra. Ngoài việc chăm sóc, nuôi dạy chó thật tốt, người nuôi chó phải có trách nhiệm với cộng đồng. Khi dẫn chó ra nơi công cộng, người nuôi luôn chú ý kiểm soát hành vi của chó thông qua dây dắt hoặc rọ mõm. Đối với những giống chó to lớn có đặc tính tấn công hoặc người nuôi biết chó của mình có hung dữ thì tốt nhất cần rọ mõm lại để bảo đảm an toàn cho mọi người xung quanh. Trước khi dắt ra ngoài đường đi dạo, người nuôi cần cho chó đi vệ sinh hoặc chuẩn bị sẵn bao, giấy vệ sinh khi ra ngoài.
Tại các nước, quy định và luật về nuôi chó của họ rất rõ ràng, ý thức của người nuôi cao nên rất hiếm thấy chó được thả rông ngoài đường. Khi dắt chó ra ngoài, luôn xích dây, khi vận chuyển thì bỏ trong lồng chuyên dụng.
Nuôi chó không chỉ để giữ nhà mà còn là nguồn vui, một ngành nghề mới đang phát triển ở Việt Nam. Đối với các quy định xử phạt người nuôi không rọ mõm chó khi đưa ra nơi công cộng, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người nuôi biết trước khi thực hiện. Về lâu dài, Cục Thú y nên kết hợp với Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (thành viên Hiệp hội chó giống thế giới) là nơi quản lý số lượng chó nhiều nhất để định hướng, triển khai các quy định mới, đồng thời hướng dẫn chăm sóc chó cho người nuôi.
Theo: baomoi