Bộ Tài chính yêu cầu giám sát việc tăng vốn ảo và làm giá cổ phiếu
Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, đặc biệt là việc làm giá cổ phiếu và tăng vốn ảo.
Đây là nội dung chỉ thị vừa được Bộ Tài chính đưa ra liên quan việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Theo đó, Bộ này yêu cầu Uỷ ban chứng khoán và các sở giao dịch giám sát chặt các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến và giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc phát hành tăng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết cũng cần được giám sát chặt và kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường.
Uỷ ban chứng khoán cũng được giao phối hợp các đơn vị để xác minh và chỉ ra những dấu hiệu bất thường (nếu có) trong hoạt động của các công ty chứng khoán.
Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu tìm hiểu việc có hay không một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng, cấu kết với công ty chứng khoán để thao túng, làm giá cổ phiếu cũng như tư vấn, lách luật phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho cá nhân không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Thời gian tới, theo Bộ Tài chính cần có bộ tiêu chí cảnh báo và tăng cường áp dụng công nghệ để cảnh báo sớm hoạt động bất thường của các tài khoản giao dịch, các nhóm các tài khoản có dấu hiệu liên kết, cùng thời điểm liên tục mua vào bán ra tạo thanh khoản ảo, đẩy giá trục lợi...
Việc kiểm soát này theo nhà quản lý là cần thiết nhằm đảm bảo việc tăng vốn thực chất, hạn chế tối đa tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt hiện tượng chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông chi phối lợi dụng vai trò điều hành doanh nghiệp để rút lại khoản tiền đi vay khi góp vốn...
Chỉ thị trên được đưa ra trong bối cảnh cơ quan điều tra vừa khởi tố bổ sung với ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch FLC và ba người khác về hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.
Ở thời điểm thành lập, năm 2011, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 1,5 tỷ đồng. Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo. Tuy nhiên, chỉ trong chưa tới hai năm sau đó, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, vốn điều lệ của FLC Faros tăng hơn 3.000 lần.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra các bên liên quan việc nâng khống vốn này. Khi có kết luận điều tra sẽ xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, kể cả những tập thể, cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước.
Liên quan tới cổ phiếu HAI, FLC bị tạm đình chỉ giao dịch từ 9/9 do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin, Thứ trưởng Tài chính cho hay, các cổ phiếu này chỉ được giao dịch trở lại khi khắc phục được vi phạm và có nguyện vọng.
Cụ thể, FLC hiện chưa có báo cáo kiểm toán 2021, báo cáo tài chính 6 tháng 2022 theo quy định; tổ chức đại hội cổ đông theo quy định. Tương tự, cổ phiếu ROS bị huỷ niêm yết do doanh nghiệp sở hữu không có báo cáo kiểm toán, không tổ chức đại hội cổ đông.
Về quyền lợi của nhà đầu tư sở hữu 2 cổ phiếu này, Thứ trưởng Tài chính nói "đương nhiên bị ảnh hưởng vì muốn bán không bán được trên thị trường".
Nhưng ông Chi cho rằng, với trách nhiệm là cổ đông của các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải có ý kiến, có quyết sách ở đại hội cổ đông, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những thiếu sót, vi phạm sớm nhất để đưa những cổ phiếu này được niêm yết và giao dịch trở lại trên thị trường chứng khoán. Khi đó, quyền lợi của các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ trở lại và được bảo đảm.
Sau thông tin sẽ bị đình chỉ giao dịch vào cuối tuần này, phiên giao dịch hôm nay ghi nhận trạng thái "trắng bảng bên mua" với toàn bộ cổ phiếu nhóm FLC, với khối lượng dư bán giá sàn đều ở mức hàng triệu cổ phiếu. Chốt phiên, thị giá FLC về dưới 3.500 đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Theo: vnexpress