Các đại gia bán lẻ đón sóng thay đổi chi tiêu của khách hàng
Thị trường bán lẻ của Việt Nam trong những tháng đầu năm đã và đang thay đổi rất nhanh với sự gia tăng mở rộng các của hàng bán lẻ tiện ích đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khi tăng chi tiêu những thứ liên quan đến thực phẩm.
Đại dịch làm thay đổi cách chi tiêu của người tiêu dùng
Ở giai đoạn dịch Covid-19 người tiêu dùng đã bắt đầu cắt giảm một số chi tiêu, cụ thể như các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài hay xa xỉ phẩm và chuyển sang tập trung vào những nhu cầu thiết yếu hơn bao gồm thực phẩm tươi sống và những mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cần thiết để sử dụng trong mùa cách ly.
Voice Pick, một công ty khảo sát trực tuyến, nhận định trong "Báo cáo ảnh hưởng của Covid-19 đến thói quen tiêu dùng" rằng, điều lo lắng nhất của người tiêu dùng là công việc của họ bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến thu nhập hàng tháng. Nếu Covid-19 có nguy cơ kéo dài, họ càng lo lắng hơn. Báo cáo thực hiện vào tháng 4/2020 với 680 mẫu, độ tuổi 18-55.
Trong khảo sát này, chỉ ngành hàng tiêu dùng nhanh liên quan đến thực phẩm được người tiêu dùng tăng chi tiêu, trong khi tất cả ngành hàng khác đều giảm. Thắt chặt chi tiêu đáng kể là chăm sóc sắc đẹp, thời trang - phụ kiện. "Điều này được giải thích bởi dịch bệnh và lệnh cách ly xã hội ảnh hưởng đến thu nhập của người tiêu dùng, khiến họ giảm chi tiêu đáng kể và ưu tiên những nhu cầu cơ bản trước", báo cáo viết.
Nielsen cũng cho biết, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng giảm chi tiêu tiền nhàn rỗi trong quý đầu năm. Khảo sát của họ ghi nhận gần 70% người tiêu dùng ưu tiên cho các khoản tiết kiệm. "Covid-19 làm gián đoạn cuộc sống và thay đổi thái độ, hành vi của người tiêu dùng một cách chóng mặt", bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam nói.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2020 đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, diễn biến bất ngờ của đại dịch Covid-19 đã có những thay đổi trong việc mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam cũng như những yêu cầu mới của thị trường.
Theo đó, nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị nấu ăn như đồ đông lạnh, đồ hộp, mì gói các loại và dầu ăn; các sản phẩm bổ sung dưỡng chất và giúp nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt dành cho nhóm người già và trẻ em có chiều hướng tăng. Người tiêu dùng cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền tại nhà như: mì và các sản phẩm ăn liền, xúc xích, đồ ăn nhẹ, nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp.
Mặt khác, Dịch Covid-19 cũng đưa người tiêu dùng đến gần hơn những trải nghiệm mới. Mua sắm trực tuyến và tại siêu thị mini, cửa hành tiện ích đã ghi nhận lượng người mua gia tăng mạnh
Các đại gia bán lẻ nhanh chóng mở rộng các của hàng tiện ích
Những sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng mùa dịch đã mang lại cơ hội cho nhiều nhà bán lẻ khác nhau. Các nhà bán lẻ truyền thống bao gồm Big C, Bách Hóa Xanh và Mega Market đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong khoảng thời gian trước khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Đối với bán lẻ trực tuyến, các trang thương mại điện tử, bao gồm cả mạng xã hội cũng cho thấy sự gia tăng về lượng giao dịch hàng hóa.
Báo cáo về thị trường bán lẻ 2020 của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy, hệ thống CoopMart là đơn vị dẫn đầu thị trường với 128 siêu thị trên cả nước tính tới tháng 3.2020. Bên cạnh đó, Vincom lại chiếm áp đảo về số trung tâm thương mại trên cả nước với 77 điểm, bỏ xa các đối thủ khác như LotteMart hay Aeon Mall. Tính chung hệ thống trung tâm thương mại cũng tăng 11% so với cách đây 2 năm.
Đặc biệt, sự bùng nổ về số lượng điểm bán Vinmart+ đưa hệ thống này đến hết tháng 3.2020 có 2.870 cửa hàng trên toàn quốc. Điều này giúp tổng số cửa hàng tiện lợi trên cả nước tăng trưởng nóng 60% chỉ sau 3 tháng đầu năm 2020. Bách Hóa Xanh là chuỗi đứng thứ hai về số lượng cửa hàng tiện lợi với 1.214 điểm.
Cũng có sự tăng trưởng trong quý đầu năm nay là số cửa hàng các chuỗi cà phê lớn tại Việt Nam, tăng 17% trong 3 tháng đầu năm, chủ yếu nằm ở TP.HCM và các khu vực lân cận. Những thương hiệu được nhắc đến theo số lượng cửa hàng nhiều nhất từ trên xuống gồm Highland với 311 cửa hàng, The Coffee House có 152 cửa hàng hay Trung Nguyên có 93 cửa hàng…
“Chúng tôi nhìn thấy rõ sự cạnh tranh khốc liệt khi một số nhãn hàng đang tăng số lượng cửa hàng của mình thì số khác phải đối mặt với việc tái cấu trúc”, báo cáo từ Q&Me nhận định.
Theo: Baodautu