Các nước thành viên RCEP quyết tâm đưa hiệp định vào thực thi đầu năm 2022
Các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) tái khẳng định mục tiêu đưa hiệp định thương mại có hiệu lực vào đầu năm tới.
Điều này cũng sẽ mang lại lợi thế cho các quốc gia thành viên so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vì đây sẽ là hiệp định thương mại đa phương duy nhất hiện nay bao gồm Trung Quốc.
"Chúng tôi tái khẳng định cam kết xúc tiến các thủ tục trong nước tương ứng để Hiệp định RCEP có hiệu lực vào đầu tháng 1/2022 theo đúng mục tiêu, nhằm tăng cường thị trường và việc làm cơ hội cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực", tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia diễn ra hôm thứ Tư (27/10) cho biết.
RCEP được ký kết bởi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và tất cả 10 nước ASEAN vào tháng 11/2020. Hiệp định cũng yêu cầu sự phê chuẩn của ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước thành viên khác ngoài ASEAN để có hiệu lực.
Vào ngày 21/10, Lào trở thành quốc gia mới nhất phê chuẩn hiệp định. Các quốc gia Singapore, Brunei, Campuchia, Trung Quốc và Nhật Bản đã chấp thuận trước đó. Điều này có nghĩa là chỉ cần thêm 2 nước ASEAN và 1 nước ngoài ASEAN phê chuẩn nữa sẽ chính thức khởi động hiệp định RCEP.
Trong khi đó, Thái Lan, Philippines, Australia và New Zealand đã giành được sự chấp thuận về mặt lập pháp và đang thực hiện các bước cuối cùng để phê chuẩn.
Tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh cho thấy ASEAN và Australia đang sẵn sàng hoàn tất quá trình trong những tuần tới để hiệp định có hiệu lực thực thi vào đầu tháng 1/2022.
Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một khối thương mại lớn chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội và dân số toàn cầu. Khi hiệp định hiệu lực sẽ loại bỏ thuế quan đối với 90% hàng hóa được giao dịch giữa các nước ký kết trong vòng 20 năm tới.
Đối với các công ty trên khắp thế giới, RCEP có thể trở thành động lực để đầu tư vào các quốc gia thành viên. Khả năng hoạt động xuất khẩu được miễn thuế sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong khi sản xuất ở các nước thành viên có lao động tương đối rẻ hơn sẽ bù đắp được chi phí hậu cần tăng thêm.
Đồng thời, RCEP cũng là hiệp định thương mại đa phương duy nhất bao gồm Trung Quốc. Nhưng điều này có thể sớm thay đổi vì Bắc Kinh đã đệ trình yêu cầu chính thức vào tháng 9 để trở thành thành viên của CPTPP.
Các quy tắc thương mại trong CPTPP tự do hơn nhiều so với các quy tắc trong RCEP, do đó việc phê chuẩn và hoạt động nhanh chóng là rất quan trọng. Nếu Trung Quốc trở thành thành viên của CPTPP, hai hiệp ước có thể bắt đầu giống nhau. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thành công gia nhập CPTPP vẫn là điều không chắc chắn.
"Chúng tôi nhắc lại quyết tâm của mình để đảm bảo rằng RCEP vẫn do ASEAN dẫn dắt và thúc đẩy", tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cho biết. Bên cạnh đó, việc đưa các quốc gia thành viên vào cuộc càng sớm càng tốt có thể xác định liệu RCEP có trở thành khối thương mại thống trị trong khu vực trong tương lai gần hay không.
Theo: Tinnhanhchungkhoan