CBRE công bố tiêu điểm quý 4/2018 thị trường bất động sản Tp.HCM
Vào ngày 8/1/2019, CBRE đã có buổi công bố tiêu điểm quý 4/2018 thị trường bất động sản Tp.HCM
Thị trường Căn hộ bán
Thị trường căn hộ bán trong năm 2018 ghi nhận những điều chỉnh liên tục
trong việc triển khai dự án của chủ đầu tư với số căn chào bán duy trì ở mức
cao gần bằng năm 2017. Trong Quý 4/2018 thị trường đón nhận thêm 8.112 căn hộ,
tăng 28% theo quý, đưa tổng nguồn cung cả năm đạt 30.792 căn và và tổng nguồn
cung lũy kế từ năm 1999 đạt 260.247 căn. Nhìn chung, cơ cấu và loại sản phẩm đa
dạng giúp cho khả năng hấp thụ của thị trường vẫn tốt trong khi giá bán trung
bình tăng.
Xét về vị trí, phía Nam đứng đầu về lượng nguồn cung trong năm 2018 (53%)
nhờ các dự án trung và cao cấp tại các Quận 7, 8 và Bình Chánh. Khu Đông chiếm
29% chủ yếu tại khu vực Quận 2.
Tình hình tiêu thụ trong quý 4 và cả năm 2018 khá khả quan tại các phân
khúc. Tổng lượng căn bán được trong năm 2018 đạt 31.083 căn, cao hơn tổng nguồn
cung chào bán mới cả năm mặc dù giảm 12% so với năm trước. Lượng giảm đáng kể
này một phần do ảnh hưởng từ vụ cháy chung cư vào cuối Quý 1. Lượng tiêu thụ
trung bình của các dự án mới chào bán đạt 75%. Tỷ lệ tiêu thụ cao đạt 90% đến
100% được ghi nhận tại một số dự án của các chủ đầu tư uy tín và vị trí tốt như
Empire City, Midtown, Metropole,... Xét về phân khúc, phân khúc trung cấp chiếm
54% số căn bán được trong năm 2018.
Giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp trong Quý 4/2018 ghi nhận ở mức
1.709 USD/m2, tăng 6% so với quý trước và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức
tăng đáng kể này, so với năm ngoái, là do nguồn cung phân khúc hạng sang tăng
trong Quý 4/2018 đồng thời mức giá của các dự án này cao hơn hẳn mặt bằng giá
hiện tại. Phân khúc hạng sang ghi nhận mức giá của một vài dự án lên tới
7.000-8.000 USD/m2 hoặc hơn.
Dự đoán trong năm 2019, sản phẩm trung cấp tiếp tục chiếm đa số nhờ các dự án quy mô lớn như VinCity GRANDPARK (~44.000 căn, Q9), Akari City (~3.400 căn, Q. Bình Tân) và Safira Khang Điền (~1.500 căn, Q9). Về khu vực, phía Đông sẽ là điểm nóng của thị trường trong năm tới đặc biệt là khu vực Quận 9. Giá bán trong năm 2019 được kỳ vọng sẽ tăng trung bình là 3%, trong đó phân khúc cao cấp và hạng sang tăng 5%, phân khúc bình dân và trung cấp được dự báo có mức tăng thấp hơn là 1%.
Thị trường Biệt thự & Nhà phố xây sẵn
Trong năm 2018, thị trường nhà phố và biệt thự xây sẵn tại TP.HCM ghi nhận
những biến động lớn liên quan đến cả nguồn cung, giá bán và loại hình sản phẩm.
Trong đó, đáng chú ý là sự sụt giảm đáng kể của nguồn cung mới trong bối cảnh
diễn ra các cơn sốt đất cục bộ tại một số quận của TP.HCM và các khu vực lân
cận đã đẩy mức giá giao dịch của loại hình sản phẩm bất động sản gắn liền với
đất tăng cao. Cùng với đó, nhà phố thương mại phát triển mạnh mẽ và nhận được
sự quan tâm lớn của người mua.
Khu Đông bao gồm Quận 2 và 9 vẫn đang tiếp
tục dẫn đầu thị trường về mức tăng trưởng nguồn cung mới khi mà hai quận này đã
đưa ra thị trường 998 căn trong năm 2018, chiếm 79,8% tổng nguồn cung toàn
thành phố.
Do sự thiếu hụt
về nguồn cung mới, giá bán sản phẩm ở thị trường thứ cấp và sơ cấp, đặc biệt là
với sản phẩm nhà phố thương mại có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Ở thị trường
sơ cấp, giá bán biệt thự xây sẵn trung bình của thị trường đạt 4.153 USD/m2
đất, tăng 47% so với năm ngoái. Sản phẩm nhà phố xây sẵn cũng cho thấy một xu
hướng tăng giá tương tự với mức tăng 65% trong năm 2018 so với năm 2017. Tuy
nhiên, sự tăng trưởng ấn tượng nhất là sản phẩm nhà phố thương mại xây sẵn. Nếu
năm 2017, giá bán sơ cấp trung bình toàn thị trường của nhà phố nhà phố thương
mại đạt 2.400 USD/m2 đất thì tính đến hết năm 2018, giá bán của sản phẩm này
trên thị trường đã đạt đến 5.264 USD/m2 đất, tăng 2,2 lần so với năm 2017.
Nhìn chung, tâm điểm phát triển nguồn cung mới cho thị trường nhà phố và biệt thự xây sẵn của TP. HCM đang nằm tại các khu vực vùng ven và ráp gianh giữa TP. HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Xu thế này sẽ tiếp tục được củng cố trong các năm tới trong bối cảnh khan hiếm về quỹ đất sạch trong phạm vi TP. HCM. Mặt khác, giá chào bán của các dự án tại các khu vực nêu trên đang rẻ hơn khá nhiều so với khu vực nội thành TP. HCM cộng với nguồn cung dồi dào lẫn hình thức sản phẩm đa dạng sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư ngày càng cao hơn.
Thị trường Văn Phòng và
Không gian làm việc linh hoạt
Trong năm 2018, TP.HCM chỉ tiếp nhận thêm
một nguồn cung Hạng B duy nhất với tổng diện tích cho thuê ngoài là 3.600 m2.
Thị trường văn phòng được kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong năm 2019 với tổng diện
tích được chào thuê dự kiến là 151.855 m2 từ 9 tòa nhà: Friendship Tower, Lim 3
Tower (Hạng A), Crescent Hub, OneHub Saigon, Etown 5, Opal Office Tower, Thaco
Building, DHA Tower và tòa Viettel Complex giai đoạn 2 (Hạng B).
Sự khan hiếm nguồn cung trong năm 2018 liên
tục làm tăng giá thuê cho cả hai Hạng A và B. Giá thuê Hạng A trong năm qua
được ghi nhận ở mức 43,48 USD và Hạng B là 23,42 USD, tăng lần lượt 15,8% và
10,8% so với năm 2017. Việc tăng giá văn phòng, đặc biệt ở phân khúc Hạng A,
làm tăng tỷ lệ trống của hạng này lên 5,1% trong Quý 4/2018 so với 3,7% trong Quý
3 do các khách thuê trả lại bớt mặt bằng hoặc chuyển sang các văn phòng Hạng B
hoặc thậm chí là các không gian làm việc linh hoạt để giảm bớt chi phí thuê văn
phòng. Vì lý do đó, tỷ lệ trống Hạng B ở Quý 4/2018 giảm xuống còn 1,8% từ 2%
trong qúy trước.
Bên cạnh đó, sự nổi lên của các không gian
làm việc linh hoạt đang dần thay đổi cơ cấu khách thuê của khối văn phòng
truyền thống. Những không gian làm việc linh hoạt đang và sẽ tiếp tục dẫn đầu
nguồn cầu thuê văn phòng trong thời gian sắp tới. Theo các giao dịch được thu
thập bởi CBRE trong năm 2018 thì các giao dịch từ không gian làm việc linh hoạt
chiếm tỷ lệ cao nhất với 22% trong tổng số tổng các khách hàng đã giao dịch.
Sự gia tăng nhanh chóng của nguồn cung tại
thị trường này đã giúp giải quyết được các vấn đề về “nơi làm việc” của rất
nhiều công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, người làm nghề tự do hay
thậm chí là các công ty lớn và những tập đoàn. Tính đến năm 2018, tổng nguồn
cung theo diện tích sàn của không gian làm việc linh hoạt đã lên đến hơn 37.000
m2, tăng 109% so với năm 2017. Mức tăng trưởng ấn tượng này được góp phần chủ
yếu bởi sự mở rộng của các đơn vị vận hành đang hiện hữu như Toong, Up,
Dreamplex, Regus, và một công ty mới từ Mỹ gia nhập vào thị trường vào tháng 12
năm qua.
Sự bùng nổ mạnh mẽ của không gian làm việc
linh hoạt cũng tỷ lệ thuận với tình hình hoạt động của mô hình này. Trong
Q4/2018, tỷ lệ lấp đầy trung bình của không gian làm việc chung tại TP.HCM đạt xấp
xỉ 80%, theo một khảo sát của CBRE. Nguồn cung không gian làm việc linh hoạt dự
kiến sẽ tiếp tăng lên trong năm 2019.
Trong 3 năm
tới, với tổng nguồn cung mặt bằng văn phòng mới dự kiến lên đến hơn 360.000 m2
từ 15 tòa nhà, thị trường văn phòng sẽ có những bước đi chậm hơn trong việc
tăng giá thuê cho cả hai hạng A và B mặc dù giá Hạng A vẫn sẽ giữ ở mức cao. Nếu
các chủ nhà Hạng A không có sự điều chỉnh hoặc linh hoạt hơn trong giá thuê thì
sức hấp thụ của các tòa nhà Hạng A trong khu vực trung tâm được dự báo sẽ giảm
đi hơn so với các tòa nhà Hạng A ngoài khu vực hoặc các tòa nhà Hạng B trên thị
trường.
Thị trường Bán lẻ
Trong Quý 4/2018 thị trường bán lẻ TP.HCM
chào đón thêm 01 nguồn cung mới tại Quận 2 với 26.000m2 diện tích cho thuê từ
dự án Trung tâm thương mại Estella Place. Tính chung cho năm 2018, toàn thị
trường có 5 dự án mới với 134.412 m2, nâng nguồn cung bán lẻ hiện hữu tại TP.
HCM đạt gần 1 triệu m2 diện tích cho thuê. Tổng nguồn cung nói trên vẫn còn khá
khiêm tốn so với các thị trường khác trong khu vực, như thị trường Bangkok với
~7 triệu m2 và thị trường Singapore với ~ 9 triệu m2.
Giá thuê trung bình cho tầng trệt và tầng một của các cửa hàng có diện tích từ 80-250 m2 tại khu trung tâm không thay đổi so với năm 2017 và giữ ở mức 128 USD/m2/tháng trong khi giá thuê ngoài khu trung tâm giảm nhẹ 2,6% so với năm trước, còn 36 USD/m2/tháng. Tuy quy mô thị trường bán lẻ vẫn còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực, thị trường Việt Nam đã và đang được các thương hiệu quốc tế để mắt tới. Đặc biệt, với đà lan tỏa toàn cầu của các thương hiệu Châu Á, 5 thương hiệu mới gia nhập thị trường TP.HCM trong Quý vừa qua đều là các thương hiệu Châu Á: TP Tea (Đài Loan), Presotea (Đài Loan), La Chapelle (Hongkong), Parfois (Thổ Nhĩ Kỳ), HLA (Trung Quốc).
Các xu hướng bán lẻ nổi bật trong năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tích cực đến thị trường trong năm 2019 như sự trỗi dậy của thương mại điện tử, hình thức bán lẻ đa kênh và đà lan tỏa toàn cầu của các thương hiệu Châu Á.
Mặt bằng bán lẻ Khu Trung tâm Q4/2018 ghi nhận tỷ lệ trống tăng lên mức 3%, tăng 1 điểm phần trăm (đpt) so với cùng kỳ năm trước và không đổi so với Quý 3/2018. Trong khi đó, tỷ lệ trống ở khu ngoài Trung tâm ghi nhận là 9%, giảm 2,8 đpt so với cùng kỳ năm trước và giảm 5,4 đpt so với Quý 3/2018. Nguyên nhân chính do tỷ lệ lấp đầy được cải thiện tại các dự án khu ngoài trung tâm mới mở trong năm 2018.
Về nguồn cung tương lai, 9 trên
16 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2019-2020 với tổng diện tích cho thuê là
308,479 m2 nằm ở khu vực ngoài/rìa Trung tâm. Gần một nửa trong 16 dự án này sẽ
hoàn thành trong năm 2019 với các dự án mới nổi bật như Giga Mall (Quận Thủ Đức
– 32.000 m2), Sala Shopping Centre (Quận 2 – 60,000 m2), Aeon Celadon giai đoạn
2 (Quận Tân Phú – 36.000 m2), Crescent Mall giai đoạn 2 (Quận 7 – 18.000 m2) và
Central Premium Mall (Bình Thạnh – 59.000 m2). Union Square cũng sẽ khai trương
lại sau thời gian nâng cấp. Vì vậy, CBRE Việt Nam dự báo tỷ lệ trống sẽ tăng
nhiều trong ba năm tới, đặc biệt là khu vực ngoài trung tâm.