Có tới hơn 94% tên miền tiếng Việt không có website
Theo số liệu thống kê mới được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) công bố trong Báo cáo tài nguyên Internet năm 2017, tỷ lệ tên miền tiếng Việt có website hiện nay chỉ chiếm chưa đến 2% và có tới hơn 94% tên miền tiếng Việt không có website.
Báo cáo tài nguyên Internet năm 2017 - ấn phẩm cung cấp bức tranh tổng thể về kết quả tăng trưởng, phát triển tài nguyên Internet của Việt Nam trong năm được VNNIC công bố phát hành tại sự kiện Internet Day và lễ kỷ niệm 20 Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu diễn ra trung tuần tháng 11 vừa qua.
Báo cáo tài nguyên Internet năm nay cũng cho thấy, cùng với việc thay đổi biểu phí tên miền tiếng Việt, năm 2017 mô hình quản lý tên miền tiếng Việt đã được điều chỉnh. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2017, theo quy định tại Thông tư 208 ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính, tên miền tiếng Việt chính thức được thu phí sử dụng với lệ phí đăng ký là 0 đồng, phí duy trì được quy định ở mức tối thiểu (20.000 đồng/năm) nhằm đảm bảo bù đắp chi phí quản lý, không nhằm mục đích thương mại. Mức phí các dịch vụ giá trị gia tăng khác liên quan đến tên miền tiếng Việt sẽ do Nhà đăng ký và khách hàng thoả thuận theo cơ chế thị trường cạnh tranh.
Cũng trong năm nay, VNNIC đã hoàn thiện và vận hành hệ thống tiếp nhận đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt áp dụng chuẩn giao thức EPP theo mô hình Cơ quan quản lý - Nhà đăng ký. Theo đó, thay vì đăng ký và duy trì trực tiếp với VNNIC như trước đây, chủ thể đăng ký tên miền tiếng Việt sẽ được đăng ký và duy trì tại hệ thống các Nhà đăng ký tương tự tên miền không dấu “.VN”. Hiện tại, có 6 Nhà đăng ký đã triển khai cung cấp dịch vụ tên miền tiếng Việt gồm: iNET, GMO-Z.com Runsystem, P.A Việt Nam, DOT VN, Nhân Hoà và ESC.
Theo nhận định của VNNIC, việc vận hành hệ thống tiếp nhận đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt áp dụng theo mô hình cơ quan quản lý - Nhà đăng ký tạo môi trường cạnh tranh trong quá trình cung cấp dịch vụ tên miền tiếng Việt giữa các Nhà đăng ký, đòi hỏi các Nhà đăng ký phải hoàn thiện hệ thống kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ của mình để có thể thực hiện các tác nghiệp về tên miền tiếng Việt.
Về tình hình phát triển tên miền tiếng Việt, VNNIC cho biết, năm 2017 đã chứng kiến bước chuyển dịch lớn của tên miền tiếng Việt trong việc thay đổi biểu phí, áp dụng các chính sách, mô hình quản lý tương tự như mô hình của tên miền “.vn” không dấu. Bên cạnh đó, tên miền tiếng Việt cũng được cung cấp các giá trị gia tăng (dịch vụ khoá tên miền, chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền không thông qua đấu giá, tiêu chuẩn an toàn mở rộng DNSSEC), nâng giá trị lên tương đương với tên miền không dấu “.VN”. “Việc này đã tác động không nhỏ đến tình hình sử dụng tên miền Tiếng Việt tại Việt Nam trong năm nay”, VNNIC đánh giá.
Tính đến cuối tháng 10/2017, số lượng đăng ký mới tên miền tiếng Việt đạt 6.770 tên miền, cho thấy việc đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt đã đi vào thực chất; đồng thời thể hiện được hiệu quả của thông tin thuần Việt trên môi trường Internet trong nước. Số lượng tên miền tiếng Việt đã đăng ký mà không đưa vào sử dụng trước đây đã dần được thanh lọc, đưa về trạng thái tự do để tránh lãng phí tài nguyên Internet quốc gia.
Tên miền tiếng Việt đăng ký mới phân bổ theo Nhà đăng ký, tính đến ngày 31/10/2017
Theo thống kê, trong gần 6.800 tên miền tiếng Việt được đăng ký mới trong 10 tháng đầu năm 2017, số lượng tên miền được đăng ký qua 3 Nhà đăng ký iNet, Nhân Hòa và PA Việt Nam nhiều hơn cả, chiếm tới hơn 75%.
Tuy nhiên, cũng theo số liệu thống kê mới được VNNIC công bố trong Báo cáo tài nguyên Internet năm nay, hiện tại, tỷ lệ tên miền tiếng Việt có website vẫn rất thấp, chỉ chiếm 1,89% tổng số tên miền tiếng Việt; 2,51% tên miền tiếng Việt đang xây dựng website; hơn 1% tên miền được trỏ sang các website đã có sẵn sử dụng tên miền không dấu; và có tới 94,59% tên miền tiếng Việt không có website.
Tỷ lệ tên miền tiếng Việt có website tính đến cuối tháng 10/2017
Việc triển khai đưa tiếng Việt vào ứng dụng trong hệ thống tên miền đã được VNNIC bắt đầu nghiên cứu từ năm 2001 nhằm góp phần thúc đẩy thông tin thuần Việt trên mạng Internet. Tiếp đó, trong giai đoạn 2004 - 2006 tên miền tiếng Việt được VNNIC cung cấp thử nghiệm và từ tháng 3/2007 được cung cấp lần đầu ra cộng đồng theo phương thức kèm theo tên miền không dấu “.VN”. Từ ngày 24/4/2011 đến hết 31/12/2016, tên miền tiếng Việt được cung cấp tự do, miễn phí.
Với việc thay đổi biểu phí và điều chỉnh mô hình quản lý tên miền tiếng Việt, năm 2017 được đánh giá là dấu mốc mở đầu giai đoạn phát triển mới, giai đoạn đi vào phát triển bền vững của tên miền tiếng Việt.
Được biết, để tiếp tục thúc đẩy phát triển tên miền tiếng Việt, trong thời gian tới, VNNIC sẽ tăng cường thông tin nhằm cải thiện nhận thức của cộng đồng về các lợi ích khi sử dụng tên miền tiếng tiếng Việt; chú trọng triển khai các dịch vụ hỗ trợ tên miền tiếng Việt thông qua hoạt động chăm sóc khách hàng của các Nhà đăng ký; đồng thời phối hợp với các Nhà đăng ký tên miền để triển khai đa dạng các dịch vụ cho tên miền tiếng Việt.
Theo: ictnews