Cùng với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đây là 4 doanh nhân đang kiến tạo nên diện mạo kinh tế Việt Nam trong tương lai!
Mỗi người đều có những công ty nằm vào top đầu các ngành quan trọng: Bất động sản, bán lẻ, ô tô, vật liệu xây dựng, thực phẩm, hàng không, ngân hàng. Đây đều là những ngành quan trọng hàng đầu của nền kinh tế.
Vingroup quyết định bắt tay làm ô tô và bước đầu đã nhận được sự ủng hộ. Từ trước đến nay, Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng thường xuyên đóng vai trò người tiên phong trong nhiều lĩnh vực, đóng góp đáng kể vào bức tranh kinh tế Việt Nam hiện tại cũng như tương lai.
Thế nhưng, không chỉ có ông Phạm Nhật Vượng đang đóng vai trò này. Ở các ngành khác, chúng ta cũng có thể kể tên những vị đại gia với những tập đoàn, công ty lớn mạnh, đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế.
Thu gọn danh sách, có thể tạm kể tên 5 vị đại gia nổi bật đó là ông Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Vingroup), ông Trần Bá Dương (chủ tịch Thaco), ông Trần Đình Long (chủ tịch Hoà Phát), ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Masan), và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Tổng Giám đốc Vietjet).
Điểm chung của các đại gia này là họ đều được đào tạo bài bản, có nền tảng gia đình vững chắc. Đồng thời, họ cũng rất rất kiệm lời trên truyền thông, với phương châm 'hành động nhiều hơn phát biểu'.
5 vị đại gia này thành danh trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, có những sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng, và đều tham gia kinh doanh bất động sản hoặc ngân hàng. Tất nhiên, ở những sản phẩm cốt lõi, các công ty của các đại gia này cũng đều đứng đầu ngành.
1. Ông Phạm Nhật Vượng - Vingroup - Bất động sản, đa ngành
Vingroup là tập đoàn kinh doanh tư nhân Việt nam có giá trị vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán (5,8 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 2400 tỷ đồng.
Vingroup, chuyên kinh doanh bất động sản, khách sạn, nay chuyển hướng kinh doanh đa ngành sang các lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử, nông nghiệp, giáo dục, y tế, hạ tầng giao thông và mới đây sang lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện với thương hiệu Vinfast.
Theo bái chí nước ngoài, rất có thể ông Phạm Nhật Vượng sẽ là người Việt đầu tiên sỡ hữu trên 10 tỷ USD và người giàu nhất Đông Nam Á trong những năm tới.
2. Ông Trần Bá Dương - Thaco Trường Hải - Ô tô
Ông Trần Bá Dương, sinh năm 1960, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TPHCM năm 1983, sáng lập Thaco (Công ty ô tô Trường Hải) từ năm 1997, từ năm 2013 là Tổng giám đốc công ty địa ốc Đại Quang Minh.
Hiện Thaco là công ty ô tô hàng đầu Việt nam, chiếm 41.5% thị phần, lãi sau thuế năm 2016 đạt gần 8000 tỷ đồng. Công Ty Đại Quang Minh là chủ đầu tư dự án Sala tại Thủ Thiêm, TPHCM. Vợ ông Trần Bá Dương là bà Viên Diệu Hoa, cũng là thành viên HĐQT Thaco.
Trong tương lai sắp tới, ngành ô tô có thể sự 'nhộn nhịp' hơn khi Vingroup cũng đã tham gia vào thị trường này ở Việt Nam. Tất nhiên, người ta hy vọng về một cái bắt tay giữa ông Phạm Nhật Vượng và ông Trần Bá Dương để đưa giấc mơ thương hiệu ô tô quốc gia trở thành hiện thực sớm hơn.
3. Ông Trần Đình Long - Tập đoàn Hòa Phát - Vật liệu xây dựng
Ông Trần Đình Long, sinh năm 1961, tốt nghiệp Đại học Kinh Tế Hà nội, sáng lập Tập đoàn Hoà Phát (từ 1995). Vợ ông, bà Vũ Thị Hiền, cũng là cổ đông lớn của Hoà Phát, nhưng không giữ chức vụ gì. Hoà Phát là công ty sản xuất thép hàng đầu Việt nam, có tham gia kinh doanh bất động sản, nhưng lợi nhuận của tập đoàn chủ yếu từ sản xuất thép.
Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoà Phát là 6600 tỷ đồng, lớn nhất trong số các công ty tư nhân Việt nam trên sàn chứng khoán. Hiện vốn hoá của Hoà Phát là 2,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của giới đầu tư, Hoà Phát là công ty phát triển vững bền nhất Việt nam, có thể vài năm tới sẽ có lợi nhuận sau thuế hàng năm trên 10.000 tỷ đồng, sau khi dự án thép ở Dung Quất đi vào hoạt động.
4. Ông Nguyễn Đăng Quang - Masan Group - Thực phẩm
Ông Nguyễn Đăng Quang, sinh năm 1963, có bằng tiến sỹ vật lý tại Liên Xô cũ, bắt đầu khởi nghiệp bằng sản xuất mỳ gói xuất sang Nga.
Ông cũng từng tham gia lãnh đạo Techcombank. Tập đoàn Masan do ông làm chủ tịch đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và khai khoáng. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 là gần 2800 tỷ đồng, giá trị vốn hoá của Masan (MSN) trên thị trường chứng khoán là 2,4 tỷ USD.
Hiện MSN chiếm chi phối Vinacafe, sỡ hữu những thương hiệu thực phẩm nổi tiếng như Chinsu, Omachi, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Vĩnh Hảo.. Theo một đánh giá, 98% hộ gia đình Việt dùng ít nhất 1 sản phẩm của Masan. Vợ ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến, cũng là cổ đông lớn, thành viên HĐQT của MSN.
Ông Nguyễn Đăng Quang đồng thời cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của Techcombank - Ngân hàng mà Masan có sở hữu 15%. Techcombank là ngân hàng hàng đầu trong khối các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
5. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Vietjet Air - Hàng không |
Bà là phó Chủ tịch Ngân hàng HDBank, cổ đông sáng lập Sovico (chủ sỡ hữu Furama Resort Đà Nẵng). Hãng hàng không Vietjet tuy thành lập năm 2007, nhưng đến cuối năm 2011 mới bay chuyến đầu tiên.
Nhưng đến nay, Vietjet đã cạnh tranh ngang ngửa với Vietnam Airlines , thậm chí vượt thị phần tại nội địa.
Hiện giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán của Vietjet (VJC) là 1,8 tỷ USD (trong khi Vietnam Airlines có giá trị vốn hoá 1,3 tỷ USD), lợi nhuận năm 2016 là 2500 tỷ đồng. Chồng bà Thảo là ông Nguyễn Thanh Hùng, một doanh nhân nổi tiếng, cũng luôn đồng hành với bà Thảo trong các công việc kinh doanh, đầu tư.
Ngoài hàng không, bà Thảo cũng là một tên tuổi trong giới ngân hàng tại Việt Nam. Bà hiện là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT của HDBank.
Theo: soha