Cuộc chiến thương mại giữa Donald Trump và Trung Quốc sẽ ra sao?
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm gì với một Trung Quốc mà ông gọi là 'kẻ gian lận thương mại'?
Việc ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đã khiến thị trường tài chính thế giới và Trung Quốc chao đảo. Ngay sau khi ông được tuyên bố trúng cử, tỉ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn ở mức 6.80 nhân dân tệ đổi 1 đô la – mức thấp nhất kể từ năm 2010.
Phản ứng này của thị trường không gây nhiều ngạc nhiên cho giới phân tích, bởi ông Trump và các cố vấn của ông từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc chuyên sử dụng các mánh khóe và thủ đoạn nhằm thực hiện gian lận thương mại và lũng đoạn thị trường tiền tệ toàn cầu. Ông Trump cũng thẳng thừng tuyên bố sẽ áp thuế tự vệ đối với hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không có những biểu hiện tích cực hơn về vấn đề này
Dẫn lời ông Peter Navarro – cố vấn cao cấp của ông Trump: “Điều chúng ta học được từ WTO và NAFTA là bạn phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt đối với sức khỏe và an toàn cho người lao động”. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có được lợi thế không công bằng khi không coi trọng các tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn lao động, tích cực sử dụng lao động nô lệ, tù khổ sai để giữ cho chi phí lao động cạnh tranh so với các nước khác. Chính quyền Bắc Kinh cũng nhận nhiều chỉ trích với cáo buộc trợ giá hàng xuất khẩu và thao túng tiền tệ.
Tổng thống Trump khả năng sẽ có những chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc (Ảnh: Flickr)
Cũng theo ông Navarro, nếu Trung Quốc không dừng lại những gì đang làm, Hoa Kỳ sẽ áp đặt thuế tự vệ trên các sản phẩm của Trung Quốc. Công cụ tài khóa này sẽ hạn chế hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ giúp giảm thâm hụt thương mại và hạ nhiệt nhu cầu sử dụng đồng nhân dân tệ.
“Khi Donald Trump nói đến thuế, đó không phải là màn chơi cuối cùng. Mục tiêu là dùng thuế làm công cụ đàm phán để ngăn chặn gian lận. Nhưng nếu gian lận không dừng lại, chúng ta sẽ áp thuế tự vệ” – ông nói.
Ông Trump có thể làm gì?
Ông Victor Sperandeo, chủ tịch và CEO của Alpha Financial Technologies LLC, cho rằng chính phủ của ông Trump có thể sử dụng một số chính sách thương mại cứng rắn ở một mức độ nhất định. Theo đó, các chính sách này “sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc nhiều hơn Hoa Kỳ. Nếu chúng ta mua 500 tỷ đô la, họ cũng phải mua 500 tỷ đô la” –ông nói trong một email.
Một số ý kiến khác lại cho rằng ông Trump sẽ không thể thực hiện các chính sách bảo hộ khắt khe, bởi vì Đảng Cộng hòa (vốn có truyền thống ủng hộ thương mại) cũng sẽ phải nhượng bộ.
“Tăng lượng lớn thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc không phải là một việc đơn giản. Thay vào đó điểm cần tập trung là tình trạng trộm cắp sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ, một điều mà phần lớn thành viên hai đảng khả năng đều nhất trí là một vấn đề nghiêm trọng” – theo ông Mark DeWeaver tác giả cuốn “Animal Spirits With Chinese Characteristics.”
Trung Quốc có không ít biện pháp để đáp trả chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump (Ảnh: Flickr)
Ông Jim Nolt, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học New York cũng bày tỏ sự lo ngại rằng ngay cả khi chính quyền của ông Trump có thể vượt qua các rào cản để thực thi các chính sách cứng rắn của mình, Bắc Kinh cũng có trong tay không ít các biện pháp để trả đũa lại, khiến kinh tế Mỹ phải chịu nhiều tổn thất.
“Chẳng hạn, Trung Quốc có thể tiến hành các động thái mang tính chiến lược nhằm chống lại các nhà xuất khẩu của Hoa Kỳ có trụ sở đặt tại các bang hoặc hạt bầu cử chủ chốt của Đảng Cộng hòa.”, ông nói.
Chính quyền Bắc Kinh cũng có thể gây khó khăn cho các công ty của Mỹ hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc như đã từng làm trong quá khứ dưới hình thức chống độc quyền hoặc các cuộc điều tra bất lợi khác.
Với những tình tiết phức tạp kể trên, chính phủ của ông Trump sẽ phải ít nhiều nhượng bộ một số thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc để chính sách thương mại của mình có thể hoạt động được.
Sự suy thoái không chủ đích và chính sách đồng nội tệ yếu
Trong khi vấn đề trợ cấp xuất khẩu, bóc lột lao động, vi phạm các tiêu chuẩn môi trường ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nặng như thép và năng lượng mặt trời, vấn đề thao túng tiền tệ đã không còn đủ minh bạch như cách đây 10 năm.
Cho đến năm 2005, Trung Quốc neo đồng nội tệ với đồng đô la ở mức 8,27 nhân dân tệ dù kim ngạch xuất khẩu và dòng vốn đầu tư lớn hoàn toàn cho phép nước này áp dụng một mức tỷ giá cao hơn nhiều. Để giữ ổn định tỷ giá, Trung Quốc đã mua khoảng 4 nghìn tỷ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ nhằm tạo nhu cầu giả đối với đồng đô la.
Sau những áp lực từ phía Hoa Kỳ, Trung Quốc thực hiện điều chỉnh tăng tỉ giá đồng nhân dân tệ lên mức 6,05 nhân dân tệ đổi 1 đô la vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, sau thời điểm đó, nước này đã không còn thực sự kiểm soát tốt vấn đề tỉ giá.
Hệ thống kinh tế nhiều hạn chế với một loạt các vấn đề cùng với hệ quả từ các chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã dẫn đến một dòng vốn khổng lồ, ước tính 1,2 nghìn tỉ đô la chảy khỏi nước này. Con số này vượt xa giá trị thặng dư thương mại và khiến áp lực giảm giá lên đồng nhân dân tệ trở lên mạnh mẽ.
Một nhà máy sản xuất ô tô tại Trung Quốc (Ảnh: Flickr)
Nhưng thay vì nắm bắt cơ hội này để làm trượt giá đồng nội tệ, tạo ra lợi thế cho các nhà sản xuất trong nước thúc đẩy xuất khẩu, Trung Quốc đã bán ra 1 tỷ đô la từ kho dự trữ ngoại hối của mình để giữ đồng nhân dân tệ ở mức tương đối ổn định và do đó tạo ra một ấn tượng ổn định giả tạo. Vì vậy, có thể nói, với bất cứ lý do gì, Trung Quốc đã thao túng giá trị thực của đồng nội tệ trong vòng ít nhất vài năm qua.
Chính sách này của Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục sau cuộc bầu cử Mỹ, khi mà trái phiếu chính phủ Mỹ được bán ra ồ ạt. Giá đã giảm, và sản lượng tăng ở mức độ cao tương quan với sự gia tăng của đồng đô la so với đồng nhân dân tệ.
Có lẽ người Trung Quốc muốn chờ đợi xem ông Trump làm gì trước khi cho phép đồng nhân dân tệ thả nổi hoàn toàn. Hoặc họ muốn thể hiện quyền lực của mình, để nói cho ngài tổng thống Mỹ mới đắc cử rằng, họ có thể điều chỉnh kho dự trữ ngoại hối của mình theo hướng bất lợi cho Hoa Kỳ nếu Washington có các động thái làm họ phật ý.
Tuy nhiên, theo ông Christopher Whalen – người đứng đầu cơ quan nghiên cứu và xếp hạng trái phiếu Kroll ở New York cho biết.
“Đừng hi vọng Trung Quốc sẽ từ bỏ trái phiếu chính phủ Mỹ. Đó là một quan niệm sai lầm phổ biến. Đồng đô la là đồng tiền duy nhất đủ khả năng đảm bảo được cho kho dự trữ của họ”.
Không rõ ông Donald Trump sẽ có những đối sách gì để bảo vệ quyền lợi cũng như khẳng định vị thế của Hoa Kỳ trước Trung Quốc. Nhưng với kinh nghiệm thương trường và tính cách khó đoán của mình, vị tân tổng thống hoàn toàn có khả năng tạo ra những bất ngờ lớn. Chúng ta hãy cùng đợi xem, mọi sự mới chỉ bắt đầu.
Theo: Valentin Schmid, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh