Đâu là thực phẩm bạn nên và không nên ăn để kỳ kinh nguyệt dễ chịu hơn?
Để giảm triệu chứng mệt mỏi, khó chịu hay đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, nàng nên lưu ý điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mình.
Trong kỳ kinh nguyệt bạn thường gặp phải những triệu chứng khó chịu như đau bụng, đau đầu, buồn nôn, đầy hơi,… Do đó, để cơ thể được nghỉ ngơi đúng cách và hạn chế tình trạng mệt mỏi bạn nên áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Dưới đây sẽ là những gợi ý về chế độ ăn bạn có thể áp dụng để kỳ kinh nguyệt được dễ chịu hơn nhé!
Bổ sung một chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp kỳ kinh nguyệt dễ chịu hơn. Ảnh: Pexels.
NHỮNG THỰC PHẨM NÊN BỔ SUNG TRONG KỲ KINH NGUYỆT
Trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể sẽ cực kỳ nhạy cảm và luôn cảm thấy uể oải do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong giai đoạn này, bạn cần bổ sung đầy đủ nước và các loại dưỡng chất gồm thực phẩm giàu canxi, vitamin, sắt, magie, kali, axit béo Omega-3.
1. TRÁI CÂY
Các loại trái cây nhiều nước như táo, lê, dưa hấu… giúp hạn chế cảm giác thèm đường của phụ nữ trong những ngày đèn đỏ, đồng thời cung cấp đủ chất dinh dưỡng và vi chất thiết yếu. Ăn trái cây ngọt giúp cơ thể được nạp đủ lượng đường mà không cần nhiều đường tinh luyện. Ngoài ra, các loại hoa quả như chuối, kiwi, bơ hay dứa còn chứa các dưỡng chất giúp bạn giảm đau bụng.
Trái cây giúp hạn chế cảm giác thèm đường của phụ nữ trong những ngày đèn đỏ. Ảnh: Pexels.
2. RAU LÁ XANH
Trong kỳ hành kinh, cơ thể mất đi một lượng máu khá lớn dẫn đến thiếu sắt, do đó có thể gây nên tình trạng mệt mỏi và chóng mặt. Các loại rau, đặc biệt là rau màu xanh đậm, chứa rất nhiều chất sắt, chất xơ và vitamin giúp bạn bổ sung nhanh lượng máu cho cơ thể và hỗ trợ hệ tiêu hóa tốt hơn. Một số loại rau lá xanh cần có trong bữa ăn hàng ngày gồm cải bó xôi, cải xoăn, rau chân vịt, súp lơ xanh, rau bina…
3. GỪNG
Một cốc trà gừng giúp cải thiện một số triệu chứng của kỳ kinh nguyệt. Gừng có tác dụng chống viêm nên có thể làm dịu các cơ bị đau nhức trong ngày đèn đỏ. Đồng thời, gừng còn làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn ói. Tuy nhiên, bạn cần chú ý không nên tiêu thụ quá nhiều gừng vì trên 4g gừng/ngày có thể gây ra chứng ợ nóng và đau bụng.
4. CÁ
Cá cung cấp sắt, kiểm soát được tình trạng giảm nồng độ sắt trong thời kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, Omega-3 trong cá cũng làm giảm cường độ của cơn đau đồng thời còn có khả năng cải thiện tâm trạng.
Cá rất giàu chất sắt, protein và axit béo Omega-3. Ảnh: Pexels.
5. THỊT GÀ
Thịt gà là thực phẩm giàu chất sắt và protein mà nàng nên thêm vào chế độ ăn uống của mình. Ăn các thực phẩm giàu protein sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng quát, giúp cải thiện chứng no lâu trong kỳ kinh nguyệt và làm giảm cảm giác thèm ăn.
6. CÁC LOẠI ĐẬU
Các loại đậu và đậu phụ đều là thực phẩm giàu protein. Vì vậy, đây là thực phẩm có thể thay thế thịt rất tốt cho những người ăn chay. Đậu cũng rất giàu chất sắt – chất bổ sung tuyệt vời cho phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt khi lượng sắt bị giảm xuống thấp.
7. SỮA CHUA
Nhiều phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men trong hoặc sau kỳ kinh nguyệt. Với những người thường bị nhiễm trùng nấm men, các thực phẩm giàu probiotic như sữa chua sẽ rất tốt vì chúng giúp nuôi dưỡng vi khuẩn tốt trong âm đạo, chống lại tình trạng nhiễm trùng. Đồng thời, sữa chua còn rất giàu magie và các dưỡng chất thiết yếu khác như canxi.
Sữa chua giàu probiotic giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng. Ảnh: Pexels.
8. TRÀ HOA CÚC
Một đánh giá được công bố trên Tạp chí Dược học Hoa Kỳ cho thấy, hoa cúc không chỉ giúp bạn dễ ngủ mà còn có đặc tính chống viêm và chống co thắt, làm giảm bớt những cơn đau bụng kinh. Hoa cúc có khả năng ức chế sản xuất oxit nitric, một phân tử tín hiệu đóng vai trò quan trọng trong sinh lý bệnh của chứng viêm, liên quan đến đau bụng kinh.
NHỮNG THỰC PHẨM CẦN TRÁNH TRONG KỲ KINH NGUYỆT
Bên cạnh những chất dinh dưỡng giúp cải thiện sức khỏe trong ngày hành kinh bạn cần ghi nhớ các thực phẩm không nên ăn trong thời gian này. Mặc dù tất cả thực phẩm đều có thể sử dụng ở mức độ vừa phải nhưng bạn cũng nên tránh một số loại có thể khiến các triệu chứng của chu kỳ kinh nguyệt trầm trọng hơn.
1. MUỐI
Việc tiêu thụ nhiều muối sẽ dẫn đến giữ nước và có thể gây đầy hơi. Để giảm đầy hơi trong thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ nên giảm lượng muối trong thức ăn và tránh những thức ăn chế biến sẵn có chứa nhiều natri.
2. ĐƯỜNG
Trong thời kỳ đèn đỏ, bạn có thể ăn đường với mức độ vừa phải. Chú ý không nên ăn quá nhiều đường vì có thể làm tâm trạng xấu đi. Nếu cảm thấy tâm trạng thất thường, chán nản hoặc lo lắng trong chu kỳ kinh nguyệt thì nên theo dõi lượng đường nạp vào cơ thể để có sự điều chỉnh phù hợp.
Ăn quá nhiều đồ ngọt sẽ khiến tâm trạng xấu đi. Ảnh: Pexels.
3. CÀ PHÊ
Caffeine có thể gây giữ nước và đầy hơi, khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó chịu. Cà phê cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Những người thường bị tiêu chảy trong kỳ kinh nguyệt không nên uống cà phê. Tuy nhiên, việc không dùng cà phê cũng có thể gây đau đầu. Vì vậy, bạn không nên cắt bỏ hoàn toàn cà phê nếu đã có thói quen uống hằng ngày.
4. RƯỢU
Rượu có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến cơ thể, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của những ngày đèn đỏ. Rượu khiến cơ thể bị mất nước gây nên tình trạng đau đầu, đầy hơi đồng thời cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy và buồn nôn.
5. THỊT ĐỎ
Trong thời kỳ kinh nguyệt, cơ thể phụ nữ sản xuất ra chất prostaglandin – giúp tử cung co lại, cho kinh nguyệt đều đặn. Tuy nhiên, lượng prostaglandin cao có thể gây ra chuột rút. Trong thịt đỏ lại chứa nhiều prostaglandin nên cần hạn chế ăn trong những ngày đèn đỏ.
Nguồn: ELLE