Đầu tư vào công nghệ, doanh nghiệp có doanh thu cao gấp 9 lần
Những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đầu tư 30% ngân sách cho công nghệ có doanh thu tăng gấp 9 lần so với những công ty chi dưới 10% hoặc không chi.
Đây là chia sẻ của Tiến sĩ (TS) Huỳnh Huy Hòa – Phó giám đốc Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng tại hội thảo “Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới và năng động trong khu vực APEC” diễn ra ngày 11/09 ở TP.HCM.
Hội thảo do chính phủ Canada và phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động trước diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017 do VCCI chủ trì vào ngày 12/9.
Tăng trưởng nhiều lần khi sử dụng công nghệ
Phát biểu tại hội nghị, TS Huỳnh Huy Hòa, Phó giám đốc Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, đã đưa ra các số liệu chứng minh mức độ hiệu quả của công nghệ đối với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Theo TS Hòa, các Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), khởi nghiệp ứng dụng internet và công nghệ trong quá trình hoạt động có tốc độ tăng trưởng cao gấp 2,1 lần so với các doanh nghiệp không dùng.
“Những MSMEs chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ có doanh thu tăng gấp 9 lần khi so với những công ty chi dưới 10% hoặc không chi”, ông Hòa nhấn mạnh.
Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử của thế giới và Việt Nam cũng phát triển với tốc độ chóng mặt. Thị trường thương mại điện tử toàn cầu B2C được dự báo sẽ tăng từ 230 tỷ USD lên 1000 tỷ USD vào năm 2020.
“Bên cạnh đó, khả năng sống sót trong năm đầu tiên của công ty ứng dụng thị trường thương mại điện tử là 70%, gần gấp đôi khi so với con số 40% của các doanh nghiệp truyền thống”.
Nhận xét về các doanh nhân của Việt Nam, ông Hòa cho rằng số nữ doanh nhân đang tăng lên so với những năm trước đây. Hiện cứ 10 doanh nhân thì có 4 người là nữ. Ngoài ra thì số doanh nhân qua đào tạo Đại học và Cao đăng cũng chiếm phần lớn tới 80%.
Nhiều yếu tố đang kìm hãm doanh nghiệp phát triển
Khi nói về yếu tố ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp, ông Hòa nhận định: khả năng tiếp cận tài chính hoặc vốn, thủ tục và quy định của chính phủ, tình trạng khó thuê và giữ người lao động đang kìm hãm các MSMEs.
TS Hòa (góc phải) đang trình bày nghiên cứu trong hội nghị.
Bàn về các giải pháp có thể thực hiện, TS Hòa cho rằng nhà nước có thể cải thiện khả năng tiếp cận tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn giản hóa và đồng bộ hóa các quy định và thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, chính phủ có thể ban hành các chính sách hỗ trợ các MSMEs thực hiện các thủ tục, quy định cần thiết.
“Đặc biệt, phần lớn các ứng viên tham gia khảo sát là các doanh nhân ở Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội – những nơi có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lại trả lời rằng họ chưa bao giờ qua các lớp giáo dục/ đào tạo phát triển nghề nghiệp. Trong số đó, hơn 1/5 ứng viên cho rằng mình chưa được tiếp cận bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào”, Phó giám đốc viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng chia sẻ.
Trong thời đại Fintech đang lên ngôi, đáng ngạc nhiên là chỉ có 5% ứng viên từng sử dụng các dịch vụ liên quan đến “công nghệ tài chính”.
Cũng trong hội thảo, các chuyên gia cho biết: có 110 triệu MSMEs trong khu vực APEC, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, cứ 4 trong 5 việc làm mới được tạo ra là nhờ các doanh nghiệp trên.
Ở Việt Nam, MSMEs đóng góp hơn 40% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm. Mặc dù có hơn 73% lao động là nữ, tuy nhiên khoảng cách trả lương giữa nam và nữ ngày càng mở rộng. Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, nữ thanh niên và thu hẹp khoảng cách về giới không chỉ là một vấn đề về nhân quyền mà còn là một yêu cầu kinh tế để phục hồi sự tăng trưởng.
Theo: baomoi