Giá vàng hôm nay tăng cực nhẹ, chuyên gia dự báo điều tích cực
Giá vàng sáng 17/3 hồi phục trở lại và trong nước duy trì trên 68 triệu đồng/lượng.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/3, giá vàng trong nước được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào 67 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 1,4 triệu đồng/lượng.
So với mở cửa phiên giao dịch ngày 16/3, giá vàng tại DOJI giữ nguyên chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết, giá vàng mua vào 67,4 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68,6 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 1,2 triệu đồng/lượng.
So với mở cửa phiên giao dịch ngày 16/3, giá vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng thế giới đầu ngày tăng nhẹ lên 1.928 USD/ounce, tương đương 53,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Kim loại quý đã giảm tới 1,2% xuống 1.894,70 USD/ounce trong đầu phiên 16/3 nhưng đã hồi phục sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố tăng lãi suất đầu tiên trong hơn 3 năm nhằm đối phó với lạm phát ngày càng cao tại Mỹ.
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) thuộc Fed đã quyết định tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên mức 0,25% - 0,5%. Đây là đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 12/2018.
Song song đó, FOMC dự báo sẽ nâng lãi suất trong 6 cuộc họp còn lại của năm 2022, với mục tiêu lãi suất chạm mức 1,9% vào cuối năm. Thậm chí, có 7 quan chức dự báo sẽ có 1 đợt nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong 6 lần nâng lãi suất còn lại trong năm nay. Sau đó, FOMC dự báo sẽ có thêm 3 đợt nâng lãi suất trong năm 2023 và không đợt nào trong năm 2024.
Giá vàng hôm nay tăng mạnh còn do đồng USD bất ngờ suy yếu bất chấp Fed vừa quyết định tăng lãi suất.
Ngoài ra, giá vàng ngày 17/3 tăng mạnh còn do diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19. Tính đến ngày 15/3, các ca nhiễm mới được ghi nhận ở 21 tỉnh, thành của Trung Quốc, trong đó có thủ đô Bắc Kinh và các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến. Tỉnh Cát Lâm hiện là điểm nóng bùng phát. Trong ngày 15/3, riêng Cát Lâm chiếm hơn 4.000 ca trong tổng số hơn 5.100 ca toàn quốc. Giới chức y tế ở đây cảnh báo, Cát Lâm vẫn chưa qua đỉnh dịch.
Trong bối cảnh các yếu tố rủi ro và triển vọng kinh tế không như kỳ vọng, đặc biệt là các vấn đề xung quanh cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tâm lý nhà đầu tư đã chịu tác động tiêu cực, qua đó thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào kim loại quý.
Theo: Giadinh