GS Đại học Harvard đưa khuyến nghị để người Việt 'giàu trước khi già'
Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển; tạo cơ chế minh bạch và một môi trường ổn định cho các nhà đầu tư dài hạn và đầu tư phát triển nguồn nhân lực... là những khuyến nghị mà GS Jay Rosengard (Đại học Harvard) đưa ra có thể giúp Việt Nam phát triển hơn, đạt thu nhập cao hơn trước khi dân số già hoá.
Chiều 26/6, GS Jay Rosengard (Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard), học giả sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 đã trả lời báo chí về quan điểm của ông đối với việc tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam
GS Jay Rosengard đã nhận xét và so sánh “những con hổ” của kinh tế châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đã bứt phá trong tăng trưởng kinh tế và trở thành những nước phát triển có thu nhập cao, trong khi nhiều nước khác ở khu v vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippines thì vẫn chỉ là “những con mèo nhỏ” khi đang loay hoay tìm cách trở thành nước có thu nhập cao hơn.
Việt Nam cần làm gì để có thể trở nên phát triển hơn, đạt thu nhập cao hơn trước khi dân số già hoá? Giáo sư đưa ra 3 khuyến nghị. Một là tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như đường xá, cảng biển, viễn thông, điện lực, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Hai là cần cải thiện cơ chế quản trị và quản lý của Chính phủ, tạo ra một cơ chế minh bạch và một môi trường ổn định và bền vững cho các nhà đầu tư dài hạn. Ba là cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực, không chỉ đầu tư vào giáo dục đại học mà còn cần đầu tư vào giáo dục nghề, và giáo dục tại tất cả các bậc học, theo đó hệ thống giáo dục cần đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Cùng đó, Giáo sư Jay Rosengard nhấn mạnh một trong những vấn đề của Việt Nam là làm sao để tăng năng suất lao động. Vấn đề nhiều nước như Thái Lan hay Malaysia đang gặp phải đó là khi giá nhân công tăng lên trong khi năng suất không đổi dẫn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế bị suy giảm. Do vậy, bài toán mà Việt Nam cần giải quyết đó là làm sao để tăng năng suất lao động hiệu quả để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Giáo sư Jay Rosengard Ảnh: KH
Về vấn đề “bẫy thu nhập trung bình” và liệu Việt Nam đã rơi vào bẫy chưa, và giải pháp nào để thoát bẫy thu nhập trung bình? Giáo sư Jay Rosengard nhấn mạnh ông không tin tưởng vào khái niệm “bẫy thu nhập trung bình”, bởi “bẫy” là một thứ mà chúng ta hoàn toàn bị động, không thể kiểm soát được.
“Vấn đề làm như thế nào để có thể đưa một nước từ một nước thu nhập trung bình thấp lên những nấc cao hơn, câu trả lời, nằm ở những vấn đề giản đơn hơn, ví dụ như bằng cách sử dụng hiệu quả hơn các nguồn đầu tư công, giải quyết các vấn đề tham nhũng, quản lý yếu kém, các vấn đề về hành chính… theo đó, tạo một môi trường thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư, đặc biệt là khu vực tư nhân phát triển.”, ông khẳng định.
Ngày mai, 27/6, Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, phát triển bền vững” sẽ diễn ra vào sáng 27/6 tại Hà Nội. GS Jay Rosengard, sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, phát triển bền vững” sẽ diễn ra vào sáng 27/6 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Ban kinh tế Trung Ương.Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước và những học giả chuyên sâu các lĩnh vực nước ngoài sẽ tham dự.Tại diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017; đi sâu vào phân tích các điểm nghẽn trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam trung và dài hạn; đồng thời đưa ra các giải pháp, chính sách và kiến nghị. Những vấn đề được tập trung “mổ xẻ” nổi bật có: làm sao để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, vấn đề các doanh nghiệp FDI gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam… Cùng đó, Diễn đàn tổ chức hai hội thảo chuyên đề về “Phát triển nông nghiệp Việt Nam” và “Chiến lược ngành công nghiệp dược tầm nhìn 2035”.Theo : TPO