Sau hơn 30 năm tạo dựng nền tảng vững chắc ở thị trường trong nước, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đang vươn mình ra thị trường quốc tế với những công trình ngày một tầm vóc.
“Ông trùm”
xây lắp nội địa
5 lần liên tiếp được bình chọn là “Thương hiệu quốc gia”, đang thi công cùng lúc 77 công trình tại khắp các địa phương trong cả nước, có mặt tại 4 quốc gia, Hòa Bình đang cho thấy những bước đi vững chắc trong tiến trình vươn ra biển lớn hội nhập.
Trong nước, Hòa Bình
đang là doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực xây dựng. Kết thúc quý II/2018, Tập
đoàn liên tục thắng thầu nhiều dự án lớn, trong đó, chỉ tính riêng 5 gói thầu
lớn, tổng giá trị đã lên đến trên 5.000 tỷ đồng. Hòa Bình cũng trở thành đối
tác quan trọng của nhiều chủ đầu tư tiếng tăm như Keppel
Land, Sun Group, Empire Group,
MIK Group…
Đến nay, Hòa Bình đã thực hiện trên 350 công
trình, dự án lớn nhỏ, trong đó, có những dự án có quy mô lên đến hàng trăm ngàn
m2 xây dựng. Các
công trình tiêu biểu như: Khách sạn 5 sao Le Meridien, Khu phức hợp Saigon Centre, Nhà
ga mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay Đà
Nẵng,German House, Estella Heights, Vinhome Landmark 4-5-6, Riviera Point... Nhìn
vào khối lượng công trình đồ sộ mà Hòa Bình đã thực hiện, cùng với thế và lực ở
thời điểm hiện tại mới thấy hết được tầm vóc của một ông lớn trong ngành xây dựng.
Mặc dù triển khai cùng lúc hàng chục dự án quy mô
lớn, nhưng Hòa Bình không chỉ đảm bảo quản lý tốt về chất lượng xây
dựng, an toàn cho các công trình, mà nhiều dự án còn được thực hiện vượt tiến độ
đề ra. Nhiều công trình đều vượt tiến độ như Khu nhà ở cao tầng Jamila (Quận 9) quy mô 4 tòa
tháp cao 25 tầng vượt tiến độ 40 ngày, dự án Riviera Point (Quận 7) cất nóc vượt
tiến độ 3 tháng… góp phần tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư và tạo điều kiện cho
hàng ngàn khách hàng sớm nhận được mái ấm mà họ mong ước.
Đến nay, ngành xây dựng Việt Nam đã dần thu hẹp khoảng cách và tiến ngang tầm với các quốc gia phát triển. Nhiều công trình quy mô lớn, độ khó cao được các doanh nghiệp trong nước đảm nhận, đứng vai tổng thầu. Trong nền tảng chung đó, Hòa Bình chiếm một vị trí quan trọng khi là 1 trong 5 doanh nghiệp hàng đầu.
Và kế hoạch
“ra khơi” táo bạo
Tạo dựng nền tảng tốt với hàng loạt công trình lớn
khắp ba miền, là đối tác quan trọng của nhiều chủ đầu tư. Kế hoạch tiếp theo của
Hòa Bình là vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đây được coi là bước
tìm kiếm thêm động lực tăng trưởng từ thị trường nước ngoài
Không phải đến thời điểm hiện tại, Hòa Bình mới
nghĩ đến chuyện “đem chuông đi đánh xứ người”. Các thị trường như: Malaysia,
Myanmar vốn đã có dấu ấn tiên phong của doanh nghiệp này.
Năm 2011, Hòa Bình đã hợp tác cùng với Tập đoàn
Phát triển địa ốc UOA để phát triển dự án khu dân cư Sri Petaling ở Kuala
Lumpur (Malaysia). Năm 2013, Tập đoàn lại nhận quản lý xây dựng dự án khu phức
hợp nhà ở, trung tâm thương mại và khách sạn GEMS (Myanmar). Triển khai dự án ở
hai quốc gia này đã mang lại cho Hòa Bình nhiều kinh nghiệm và sự tự tin. Đến
nay, Hòa Bình đang lên kế hoạch để thăm dò thị trường và tham gia nhiều hơn các
dự án ngoài biên giới: Lào, Kuwait, Úc, Canada, Nhật, Qatar.
Lý giải về mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế, ông Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn cho biết: “Sự thiếu ổn định của thị trường bất động sản trong nước là một nguy cơ kìm hãm sự phát triển của các công ty xây dựng. Do đó, Hòa Bình coi chiến lược mở rộng thị trường ra nước ngoài, nhất là tại những quốc gia thiếu hụt nghiêm trọng trong ngành xây dựng như Úc, Canada, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất… là một mũi nhọn hàng đầu để tạo thêm dư địa tăng trưởng”.
Để “vươn khơi” thành công, sự chuẩn bị chu đáo của
thủy thủ đoàn và định hướng đúng đắn của người thuyền trưởng là điều không thể
thiếu. Hòa Bình đã có sự chuẩn bị kỹ càng với một hệ thống máy móc,
thiết bị hùng hậu và 6.000 nhân viên, trong đó có cả kiến trúc sư nước ngoài và
Việt Kiều được đào tạo ở nước ngoài.
“Theo đánh giá bằng sự trải nghiệm hơn 30 năm trong nghề của
chúng tôi, ngành xây dựng Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường nước
ngoài nếu chúng ta có một chiến lược phù hợp mang tầm vóc quốc gia”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty cho biết.
Lý giải cho nhận định này, ông Hải cho biết, một
nhà thầu xây dựng Việt Nam hiện tại có lợi thế rất lớn khi ra cạnh tranh ở thị
trường nước ngoài. Đó là khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao
nhưng chi phí rất thấp. Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố
nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế,
giám sát thi công, quản lý dự án và nhiều dịch vụ chuyên ngành liên quan.
“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” - là đơn vị tiên phong, Ban lãnh đạo của Hòa Bình biết rằng, nếu chỉ một mình Hòa Bình vươn ra nước ngoài thì không thể tạo ra một thương hiệu xây dựng của Việt Nam, và không thể tạo ra được một sức mạnh cạnh tranh. Để vươn xa hơn, ông Hải cho rằng, Chính phủ nên phải có chiến lược phát triển ngành xây dựng thành một ngành kinh tế mũi nhọn để cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Đơn vị này cũng đã trình Chính phủ 10 kiến nghị mở rộng đầu tư xây dựng ra nước ngoài. Với vai trò tiên phong của mình, Hòa Bình tin tưởng sẽ tạo động lực cho các ngành hàng phụ trợ khác phát triển. Khi đó, các ngành: sắt thép, xi măng, thiết bị điện, sản xuất cơ khí, nhôm kính… cùng với doanh nghiệp sẽ tạo thành chuỗi cung ứng khép kín.
Lãnh đạo HBC thăm quan công trình xuyên biển tại Nhật
Quy mô thị trường xây dựng của 69 quốc gia nằm trong bảng xếp hạng có cơ hội phát triển đầu tư xây dựng lên đến 8.975 tỷ USD. Và mảnh đất màu mỡ ấy vẫn đang chờ đợi những doanh nghiệp như Hòa Bình khai phá.
Theo taichinhdoanhnghiep