Nằm trong top những series về lừa đảo đang được Netflix khai thác khá thành công, Inventing Anna đánh bật các “đối thủ” sừng sỏ khác như The Tinder Swindler, The Good Liar, The Inventor: Out for Blood in Silicon Valley bằng một công thức kinh điển: sự tò mò về thế giới người giàu, tính giải trí hấp dẫn (phong cách và thời trang, xu hướng giới trẻ Z) và đỉnh cao của mánh lừa đảo khi bạn không xu dính túi nhưng vẫn có thể suýt vay được 22 triệu đô từ những con cáo già tài chính phố Walls.
ĐỈNH CAO LỪA LỌC – GIẢ MÀ NHƯ THẬT
Inventing Anna gồm 10 tập và mở đầu mỗi tập luôn bắt đầu bằng thông báo nho nhỏ: “Câu chuyện này hoàn toàn có thật trừ tất cả những phần hoàn toàn được bịa đặt” như một cảnh báo dành cho khán giả về cô nàng Anna, nhân vật chính trong phim bộ phim kết hợp tài liệu và kịch.
Đừng để bị mê hoặc bởi cô gái này – Anna Delvey, con gái của một nhà quý tộc người Đức với quỹ ủy thác khổng lồ, với chất giọng lai châu Âu kỳ lạ, với gu thời trang tuyệt hảo, với sự tinh tế trong từng chi tiết mà chỉ có thể kế thừa từ những gia đình danh gia vọng tộc lâu đời – một dạng đẳng cấp thực sự. Chưa kể, Anna Delvey còn thông minh và tham vọng khi quyết lập một di sản nghệ thuật mang tên mình tại trung tâm New York bằng một khoản vay khổng lồ sắp được thông qua.
Đó là câu chuyện hoàn toàn có thật trừ một chi tiết nhỏ, Anna Delvey tên thật là Anna Sorokin, một cô nàng ưa thích thời trang, có khả năng nhái giọng, có khả năng đọc vị người khác và nói dối thành thần. Cô không sinh ra trong một gia đình quý tộc mà sống với bố mẹ nhập cư vào Đức. Cô không một xu dính túi nhưng lại có đầy những lời nói dối thuyết phục để bạn bè, người quen sẵn sàng chi trả cho lối sống phóng túng của mình. Dẫu vậy, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra khi những nạn nhân kiện cô ra tòa. Dù bị truy tố với khá nhiều tội danh liên quan đến chiếm dụng và lừa tiền nhưng Anna Sorokin chỉ bị kết án 8 tội danh năm 2019, trong đó, tội danh nặng nề nhất là chiếm đoạt hơn 200.000 USD tín dụng, tiêu dùng, dịch vụ…
Giống như cô nhà báo đang cố gắng cứu vãn sự nghiệp cầm bút của mình đã thành công với câu chuyện về Anna, Netflix cũng nhìn thấy yếu tố hấp dẫn tạo thành một bộ phim ăn khách của nhân vật đời thực Anna Sorokin. Kịch bản của nhà sản xuất Shonda Rhimes, người nổi tiếng với series drama ăn khách Bridgerton, Grey’s Anatomy; diễn xuất của Anna Chlumsky trong vai nhà báo Vivian Kent và đặc biệt là ngôi sao trẻ đang lên Julia Garner (vai Anna Sorokin) đã khiến khán giả không thể rời mắt khỏi mỗi tập phim. Anna Sorokin cũng được hưởng lợi từ bộ phim với thù lao 320.000 USD của Netflix. Phim càng tăng thêm sự tò mò của khán giả khi Netflix khai thác một phần cuộc sống và nỗi sợ của người giàu.
NỖI SỢ CỦA GIỚI NHÀ GIÀU
Không đi sâu vào miêu tả chi tiết như giới thượng lưu Mỹ thủ đoạn cao của series Succession (HBO) hay ma mãnh và hiếu thắng như Billions (Netflix), giới nhà giàu trong Inventing Anna khá dễ thương, hòa đồng, thậm chí có phần cả tin. Họ bị thu phục nhanh chóng trước sự biến hóa của Anna. Có lúc cô là một nhà am hiểu nghệ thuật sâu sắc, có lúc là một cô con gái nhà giàu ngông cuồng, quyết liệt, có lúc lại hóa thành một doanh nhân khởi nghiệp nhiệt huyết… Và không nơi nào để cô thể hiện khả năng tốt hơn những bữa tiệc “network”.
Trong phim, những buổi tiệc tùng của giới thượng lưu Mỹ được tổ chức chủ yếu nhằm mục đích “network”, gây quỹ. Khi bạn được một người uy tín trong network giới thiệu, bạn sẽ được tự động dán mác “đáng tin cậy” và gia nhập nhóm hội mà không cần xác thực thông tin. Không ai nghi ngờ cô tiểu thư đến từ châu Âu với gu sành điệu, luôn có một người bạn giàu có danh tiếng hộ tống trong những bữa tiệc đó.
Nhân vật giả tưởng Nola Radford (Kate Burton), bà trùm giàu có và chủ tiệc của vô số buổi gây quỹ, đã đưa Anna chạm vào những mắt xích quan trọng trong hành trình lừa đảo của mình. Một câu hỏi được đặt ra là khi bà triệu phú này phát hiện cô nàng lấy đi của mình cả trăm ngàn đô la trong thẻ tín dụng, tại sao bà không trình báo và sớm ngăn cản Anna tiến sâu vào con đường lừa đảo? Câu trả lời nằm ở nỗi sợ được đề cập đến trong phim: người giàu không sợ mất tiền, họ sợ mất mặt.
Và thực sự ngay cả khi mất tiền, người giàu có thể đòi lại được không? Câu trả lời được bộ phim giải đáp khiến khán giả ngỡ ngàng vì nhận ra mình chưa bao giờ hiểu sâu sát về thế giới tài chính của giới siêu giàu. Nhưng Anna thì hiểu rõ hơn cả, cộng thêm màn đọc vị và lôi kéo con người khôn khéo, cô nàng đã thực hiện được một cú lừa để đời ở New York.
VĂN HÓA “FAKE IT TILL YOU MAKE IT” (GIẢ VỜ BẠN LÀM ĐƯỢC CHO ĐẾN KHI NÓ THÀNH THẬT)
Là sự kết hợp của một bộ phim tài liệu thông thường với những nhân vật giả tưởng (không phải lúc nào những nạn nhân giàu có cũng muốn xuất hiện trên TV), Inventing Anna mang đến một góc nhìn hoàn hảo về lối sống của người trẻ muốn nổi tiếng sớm. Mạng xã hội chính là nơi họ thể hiện tham vọng và bạn chỉ cần như Anna, bắt chước cho đến khi nó thành hiện thực.
Mỗi tấm ảnh đăng trên Instagram của Anna luôn được chỉnh sửa chu đáo, như con người thực đó là cô vậy. Chi tiết thú vị đầu phim chính là lúc cô nhà báo lớn tuổi tìm hiểu về nhân thân của Anna, cô tìm thấy mọi thứ ở Instagram. Bức ảnh nói xem bạn ở đâu, bạn là ai, các mối quan hệ của bạn ra sao… Cô nàng Anna và bạn bè lặn lội đến Maroc chỉ để chụp ảnh đúng khách sạn nơi gia đình Kim Kardashian ở cũng là một hình thức sống ảo đến khi nó thành hiện thực.
Nguồn : ELLE