Khám phá dáng hình của đất qua hơn 80 tác phẩm gốm yakishime Nhật Bản
Ngày 4/4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) diễn ra Lễ khai mạc triển lãm "Yakishime - Dáng hình của Đất". Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 80 tác phẩm được các nghệ sĩ gốm Nhật Bản chế tác bằng phương pháp yakishime - một kỹ thuật làm gốm nung, đồ gốm không tráng men ở nhiệt độ cao.
Triển lãm do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại khai mạc triển lãm, bà Kamitani Naoko, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, triển lãm nhằm giới thiệu đến phương pháp làm gốm có lịch sử phát triển lâu đời và độc đáo tại Nhật Bản cho đến ngày nay. Và gốm cũng là một nét văn hóa chung của Việt Nam và Nhật Bản.
Bà Kamitani Naoko hy vọng đây sẽ là cơ hội để người Việt Nam được tiếp xúc gần gũi hơn với văn hóa Nhật Bản, đồng thời thông qua triển lãm, khách tham quan có thể cảm nhận được những sự đồng cảm và cộng hưởng trong văn hóa Nhật Bản.
Các đại biểu đi tham quan triển lãm (Ảnh: Hạnh Trần). |
Theo đó, Triển lãm tập trung vào yakishime - một kỹ thuật làm gốm nung, đồ gốm không tráng men ở nhiệt độ cao. Tuy là một trong những phương pháp sản xuất gốm cơ bản nhất, yakishime đã phát triển theo những hướng đặc biệt ở Nhật Bản.
Đồ gốm yakishime sớm nhất có niên đại từ thế kỷ thứ IV hoặc thứ V. Tuy nhiên, phải đến khoảng thế kỷ XII đến thế kỷ XVII, kỹ thuật này mới có chỗ đứng vững chắc và được sử dụng trong một công đoạn sản xuất quan trọng tại các trung tâm gốm lớn ở Nhật Bản, bao gồm Bizen, Shigaraki và Tokoname.
Bộ trà cụ trên chiếu của người Nhật được giới thiệu tại triển lãm (Ảnh: Hạnh Trần) |
Triển lãm "Yakishime - Dáng hình của Đất" trưng bày hơn 80 tác phẩm, được chia làm 3 phần: dụng cụ dùng trong trà đạo - một nét văn hóa đã có ảnh hưởng quan trọng đến văn hóa truyền thống Nhật Bản; dụng cụ ăn uống - một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày ở Nhật Bản; và các tác phẩm gốm phi thực dụng được sáng tạo bởi các nghệ nhân gốm đương đại bằng phương pháp làm gốm Yakishime.
Triển lãm thu hút các du khách nước ngoài tham quan (Ảnh: Hạnh Trần). |
Ông Doi Katsuma - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Triển lãm lưu động “Yakishime - Dáng hình của đất” là sự kiện quy mô lớn đầu tiên của Trung tâm trong năm 2023, đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam. Triển lãm sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Huế. Ông hy vọng rằng, thông qua phương pháp làm gốm yakishime, công chúng có thể chiêm ngưỡng và biết nhiều hơn văn hóa Nhật Bản.
Họa sĩ Lê Ngọc Hân ngắm nhìn một trong những tác phẩm ông ấn tượng tại Triển lãm (Ảnh: Hạnh Trần). |
Đến tham quan triển lãm, họa sĩ Lê Ngọc Hân, giảng viên tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chia sẻ, gốm Nhật Bản giản dị nhưng hàm chứa sức truyền cảm về văn hóa rất lớn. Những tác phẩm tại buổi triển lãm hôm nay có sức cuốn hút và ông cảm nhận được phần nào về tính sáng tạo trong nghệ thuật gốm Nhật Bản.
Nguồn: thoidai