Luật bố già — Học quản trị từ các ông trùm
Có một nhóm các tổ chức được tổ chức vô cùng hiệu quả và nhạy bén, nhưng lại rất hiếm khi lộ dạng trước công chúng và truyền thông: Các tổ chức mafia.
Là doanh nhân, chúng ta thường lấy ý tưởng quản trị kinh doanh từ các tổ chức hiệu quả trên thế giới. Tuy nhiên, có thể bạn không biết, có một nhóm các tổ chức được tổ chức vô cùng hiệu quả và nhạy bén, nhưng lại rất hiếm khi lộ dạng trước công chúng và truyền thông: Các tổ chức mafia.
Nếu có tài liệu gì nói về các tổ chức này, thì cũng chỉ thường được viết và phổ biến bởi các nhà văn, những người chưa bao giờ trực tiếp tham gia vào tổ chức. Tuy nhiên, gần đây, một cựu thành viên gia tộc mafia Gambino đã hoàn lương quyết tâm đưa những kinh nghiệm quản trị quý báu từ các tổ chức này áp dụng vào hoạt động kinh doanh lương thiện...
Bất kỳ dân băng đảng nào cũng có một nơi chốn thường lui tới để xả láng. Đôi khi, ông trùm sẽ đứng bên ngoài hay đi dạo vòng quanh với những tay có liên quan trong giới tội phạm. Nhưng thường thì ông ta sẽ chơi bài bên trong.
Dù hầu hết câu lạc bộ đều có những cánh cửa thép rắn chắc với một lỗ nhìn nhỏ xíu, nhưng tất cả thường để ngỏ hoàn toàn cho các thành viên trong tổ chức. Đó là nơi bất kỳ “nhân viên” nào cũng có thể đến gặp sếp bàn chuyện làm ăn.
Nếu ông trùm luôn sẵn sàng “tiếp nhân viên,” bạn hẳn sẽ thắc mắc làm thế nào ông ta có thể hoàn thành công việc.
Đầu tiên, ông trùm sẽ loại bỏ những ai phí phạm thời gian của mình. Những tay lấc cấc mang đến những vấn đề bá láp sẽ mất quyền được đến thăm trùm bất cứ lúc nào. Bọn này sẽ bị loại bởi những gã to con đứng bên ngoài. Trong bối cảnh làm ăn, có thể hiểu những gã này đóng vai trò như thư ký. Nhưng bất kỳ ai không nằm trong danh sách phiền toái sẽ luôn được phép vào văn phòng.
Một vị sếp luôn đóng cửa với nhân viên sẽ chẳng khác nào tự trói tay mình lại. Khi có kẻ kiểm soát toàn bộ thông tin được truyền đến ta, người đó sẽ kiểm soát ta. Ví dụ, chỉ cho phép 3 người vào văn phòng của ta đồng nghĩa với việc tự giam mình trong buồng giam của 3 người “quản giáo” đó—một điều không bao giờ nên làm.
Chính sách mở-cửa sẽ cho bạn một cái nhìn toàn cảnh trong văn phòng. Bất kỳ mọi lời thì thầm nào cũng sẽ đến tai bạn, và đó là cách tốt nhất để kiểm soát nhân viên mọi lúc mọi nơi.
Đó chính là một trong rất nhiều bài học quản trị nhân viên của các ông trùm mafia, được tác giả Louis Ferrante - cựu thành viên gia tộc mafia Gambino, đã từng “đọc sách” 8 năm trong nhà tù liên bang - trình bày vô cùng trực quan sinh động với nhiều ví dụ thực tế trong quyển sách Luật bố già.
Qua ngòi bút của Ferrante, thế giới mafia với vẻ ngoài đầy bạo lực lại lộ ra những nguyên tắc quản lý và kinh doanh rất đáng trân trọng: làm ăn phải giữ chữ tín, làm việc phải có nguyên tắc và tới nơi tới chốn, sống khiêm tốn, không gây thù chuốc oán vô cớ, và tôn trọng mọi người.
Phương pháp quản trị của dân băng đảng không xuất phát từ lý thuyết sách vở, mà từ kinh nghiệm xương máu. Mỗi sai lầm không chỉ trả giá bằng tiền bạc, mà còn bằng mạng sống.
Như câu chuyện ở trên, thật trớ trêu khi ông trùm một gia tộc tội phạm khét tiếng đôi khi lại còn dễ tiếp cận hơn các sếp trong công ty của chúng ta. Trong khi các ông trùm đóng cửa với người ngoài và mở cửa với người trong gia tộc, nhiều vị quản lí cấp cao lại mở cửa với người ngoài và đóng cửa với người trong nội bộ chính công ty mình.
Tại sao các vị quản lí kinh doanh lại làm như vậy, không ai rõ. Có thể để duy trì sự tôn nghiêm về cấp bậc, cũng có thể vì họ không còn khả năng xử lí quá nhiều công việc.
Thế nhưng, dù gì đi nữa, một khi các vị quản lí đã đóng cửa phòng, họ cũng là đang đóng đi cơ hội thấu hiểu công ty của chính mình.
Hãy như các ông trùm. Hãy luôn mở cửa. Đừng khiến nhân viên cảm thấy văn phòng giám đốc chẳng khác gì phòng cách li.
Sau 8 năm trong tù để loại bỏ hết những phần bạo lực và phi pháp, tác giả Louis Ferrante đã có thể kết hợp các nguyên tắc tích cực của giới mafia với đạo đức, trở thành nhà sáng lập công ty tư vấn tổ chức doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn hợp pháp, đồng thời tham gia các hoạt động giúp tù nhân hoàn lương.
Góc nhìn quản trị tổ chức theo kiểu mafia “chính đạo” của Ferrante đã thu hút rất nhiều doanh nhân. Năm 2014, Ferrante được mời thuyết trình về các tư tưởng này ở Diễn đàn CEO Lãnh đạo Toàn cầu do tỉ phú Leonard Lauder chủ trì.
Không xét về mặt đạo đức và pháp luật, chỉ xét về mặt hiệu suất quản lí, các tổ chức mafia được tổ chức quy củ, nghiêm ngặt, và hiệu quả.
Quyển sách Luật bố già là một trong những cơ hội hiếm hoi để các chủ doanh nghiệp và nhà quản lí có thể có cái nhìn khách quan và chính xác về mặt tốt của các tổ chức đen, để có ý tưởng áp dụng hiệu quả vào chính tổ chức của mình.
Theo: Enternews