Từ thời cổ, mã đề đã được chứng minh và sử dụng như một vị thuốc tự nhiên vô cùng “quyền năng” giúp con người chữa lành vết thương bằng cơ chế hút thải độc và rất tốt cho đường hô hấp, hệ tiêu hóa.
Mã đề, còn gọi là mã đề thảo, xa tiền, nhà én, su ma... có tên khoa học là Plantago asiatica L. (Plantago major L.var. asiatica Decaissne). Cây thuộc họ mã đề. Sở dĩ có tên là mã đề, ma tiền là vì người ta cho rằng loại cây này mọc ở vết chân ngựa kéo xe.
Tốt cho sức khỏe
Khả năng hút độc, chữa lành vết thương: Bằng cơ chế hút thải hết độc tố ra khỏi cơ thể, loại cây này sẽ giúp xoa dịu các vết bọ cắn và se miệng các vết thương ngoài da hiệu quả.
Khi bị thương, bị mụn, phát ban… hay côn trùng cắn, đốt, chỉ cần hái lá cây mã đề, rửa sạch rồi nhai hoặc nghiền nát và đắp trực tiếp lên bề mặt vết thương, khi đó, nó sẽ rút hết các chất độc ra ngoài, ngăn ngừa nhiễm trùng, chữa lành vết thương và hạn chế sẹo để lại trên da.
Hỗ trợ đường tiêu hóa cực tốt: Hạt mã đề là một vị thuốc hữu ích giúp duy trì một hệ tiêu hóa sạch sẽ bởi khả năng hoạt động giống như chất xơ psyllium, giúp hấp thụ các chất độc hại còn tích tụ.
Để phát huy tác dụng của mã đề, có thể chế biến và sử dụng đều đặn hàng ngày như nấu canh, xào… hoặc hãm trà tươi, trà khô để uống. Ngoài ra, có thể xay nhỏ hạt mã đề, nấu lấy nước uống thay trà trước mỗi bữa ăn sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Tác dụng tuyệt vời với đường hô hấp: Mã đề có tác dụng làm long đờm, giảm đau, ho, viêm mũi, viêm phế quản nhẹ... vì trong mã đề chứa nhiều khoáng chất silica có khả năng tiêu sạch chất nhầy, từ đó làm giảm sự tắc nghẽn bên trong đường hô hấp.
Điều trị bệnh trĩ: Đặc tính làm se của cây mã đề được sử dụng trong việc xoa dịu cảm giác đau và chữa lành bệnh trĩ. Đặc biệt, khi cây mã đề được tinh chế thành thuốc dạng kem hoặc thuốc mỡ thì nó sẽ có tác dụng ngăn ngừa chảy máu do trĩ và bệnh viêm bàng quang.
Bài thuốc từ mã đề
Chữa ho, tiêu đờm: Mã đề 10g, cam thảo 5g, cát cánh 12g, đổ ngập nước, đun sôi 30 phút, chia làm 3 lần uống trong ngày. Thông lợi tiểu: Hạt mã đề 10g, cam thảo 5g, nước 600ml, sắc trong 30 phút, dùng nước sắc uống thay nước trong ngày.
Chữa viêm bàng quang cấp tính: Mã đề 16g, hoàng bá, hoàng liên, phục linh, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12g; trư linh, mộc thông, hoạt thạch, bán hạ chế, mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Chữa trẻ bị sởi gây tiêu chảy: Dùng hạt mã đề, sao qua, sắc uống nếu bí tiểu tiện thì thêm mộc thông có thể dùng hạt mã đề với rau dừa nước lượng như nhau, sắc uống.
Chữa tiêu chảy: Mã đề tươi 1 - 2 nắm, rau má tươi 1 nắm, cỏ nhọ nồi tươi 1 nắm. Sắc đặc, uống ngày một thang.
Chữa sốt xuất huyết: Mã đề tươi 50g, củ sắn dây 30g. Hai thứ trên rửa sạch đun trong 1 lít nước, sắc kỹ còn một nửa, chia làm 2 lần uống vào lúc đói trong ngày. Có thể cho thêm đường, uống liền trong 3 ngày.
Chữa viêm gan siêu vi trùng: Mã đề 20g, nhân trần 40g, chi tử 20g, lá mơ 20g. Tất cả thái nhỏ sấy khô, hãm như chè để uống, ngày uống 100 - 150ml.
Chữa bệnh lỵ: Mã đề tươi 30g, rau sam tươi 30g, đem rửa sạch và đun nước uống hàng ngày như trà xanh.
Chữa sỏi đường tiết niệu: Mã đề 20g, kim tiền thảo 30g, rễ cỏ tranh 20g, sắc chung 3 thứ uống mỗi ngày 1 thang hoặc hãm như nước chè uống nhiều lần trong ngày.
Chữa chảy máu cam: Hái một nắm lá rau mã đề tươi, rửa sạch, giã nát, tẩm thêm ít nước, vắt lấy nước cất uống.
Chữa chốc lở ở trẻ nhỏ: Dùng một nắm rau mã đề tươi, rửa sạch thái nhỏ nấu với 100 - 150g giò sống, cho trẻ ăn liền trong nhiều ngày sẽ khỏi. Nếu trẻ nhỏ ăn canh này thường xuyên phòng được chốc lở.
Chữa rụng tóc: Lá mã đề rửa sạch phơi khô đốt thành than sau đó trộn với dấm ngâm trong 1 tuần rồi bôi lên chỗ bị rụng tóc sẽ rất hiệu quả.
Một số món ăn có chế biến từ mã đề
Cháo mã đề: Mã đề thảo tươi 30 - 60g, gạo tẻ 100g nấu chung thành cháo, cháo chín vớt bỏ bã, thêm hành tươi, gia vị vừa ăn. Dùng cho các trường hợp phù nề, tiêu chảy, viêm đường tiết niệu... Cháo mã đề rất nổi tiếng và được ưa chuộng tại Trung Quốc.
Nước hãm mã đề: Mã đề 9g, pha hãm uống thay chè. Dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Cháo phục linh mã đề: Mã đề 30g, phục linh 30g, gạo 60g. Mã đề gói trong vải màn nấu với gạo tẻ thành cháo, khi cháo được vớt bỏ bã mã đề, thêm bột phục linh, ít đường, khuấy cho tan và sôi đều. Ăn ngày 2 lần, dùng cho các trường hợp viêm tử cung, huyết trắng.
Canh mã đề: Món canh mã đề được chế biến từ lá mã đề, hành, gừng, muối ăn có tác dụng chữa bệnh đái ra máu, đau buốt niệu đạo rất hiệu nghiệm.
Thu Hoài
Theo : langvietonline