Mùa báo cáo quý III khởi động bùng nổ, giới đầu tư tự tin xuống tiền
Phố Wall tăng vọt vào thứ Năm (13/10) sau khi nhận được báo cáo quý III khả quan của loạt ngân hàng lớn, trong khi dữ liệu về thị trường lao động và lạm phát xoa dịu bớt lo ngại.
Citigroup, Bank of America Corp và Morgan Stanley dẫn đầu đà tăng trên phố Wall sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III vượt kỳ vọng nhờ đà phục hồi kinh tế sau đại dịch. Cổ phiếu Bank of America, Morgan Stanley và Citigroup lần lượt tăng 4.5%, 2,5% và 0,8%. Tất cả 8 công ty thuộc S&P 500 công bố báo cáo vào ngày thứ Năm đều cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận tốt và vượt dự báo.
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu suy yếu trong phiên thúc đẩy nhóm cổ phiếu công nghệ. Microsoft, Apple và Alphabet đều tăng ít nhất 2%, tạo ra sự hỗ trợ cho thị trường.
Tất cả 11 ngành của chỉ số S&P 500 đều tăng, trong đó nhóm vật liệu và công nghệ vượt xa các nhóm khác.
Thị trường cũng hoan nghênh báo cáo thất nghiệp hàng tuần lạc quan. Theo Bộ Lao động Mỹ, số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là 293.000 người, lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới mốc 300.000 sau khi đại dịch bùng phát.
Mặt khác, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 tăng thấp hơn so với kỳ vọng, góp phần hỗ trợ tâm lý thị trường. PPI tháng 9 của Mỹ tăng 0,5% trong tháng 9 sau khi tăng 0,7% trong tháng 8. PPI đã tăng 8,3% từ đầu năm đến nay.
Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đều tăng mạnh và đóng cửa trong sắc xanh. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đều đang tăng.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Dow Jones tăng 534,75 điểm (+1,56%), lên 34.912,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 74,46 điểm (+1,71%), lên 4438,26 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 251,79 điểm (+1,73%), lên 14.823,43 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng vào thứ Năm, chạm mức cao nhất trong hơn hai tuần khi các nhà đầu tư tự tin, sự phục hồi kinh tế ổn định sau đại dịch sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý III bất chấp các dấu hiệu lạm phát gia tăng.
Theo dữ liệu của Refinitiv, lợi nhuận quý III của các công ty STOXX 600 sẽ tăng 46,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 65,89 điểm (+0,92%), lên 7.207,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 213,34 điểm (+1,40%), lên 15.462,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 87,83 điểm (+1,33%), lên 6.685,21 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, dẫn đầu bởi các cổ phiếu công nghệ lớn với nhà sản xuất thiết bị chip Tokyo Electron là động lực lớn nhất.
Chứng khoán Trung Quốc giảm khi lạm phát tại cổng nhà máy của Trung Quốc trong tháng 9 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 26 năm. Nguyên nhân thúc đẩy là do khủng hoảng năng lượng trên toàn quốc và giá than tăng chóng mặt. Lạm phát tiêu dùng vẫn không thay đổi.
Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng khi đà bứt phá mạnh mẽ của các công ty công nghệ đã vượt qua nỗi lo về lạm phát gia tăng ở Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 410,65 điểm (+1,46%), lên 28.550,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,48 điểm (-0,09%), xuống 3.558,28 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 44,23 điểm (+1,50%), lên 2.988,64 điểm.
Giá vàng đêm qua tiếp tục tăng, tiến sát mức hỗ trợ quan trọng 1.800 USD/ounce trong bối cảnh lợi suất trái phiếu giảm, đồng USD suy yếu.
Kết thúc phiên 14/10, giá vàng giao ngay tăng 3,30 USD (+0,18%), lên 1.796,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,20 USD (+0,18%), lên 1.797,90 USD/ounce.
Giá dầu quay lại với đà tăng vào thứ năm sau khi Ả Rập Xê-út bác bỏ lời kêu gọi cung cấp thêm sản lượng cho OPEC+ và cho rằng, thoả thuận cắt giảm sản lượng của nhóm đang bảo vệ thị trường dầu khỏi những biến động mạnh về giá như trên thị trường khí đốt tự nhiên và than.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng nửa triệu thùng mỗi ngày khi ngành điện và các ngành công nghiệp nặng chuyển đổi sử dụng từ các nguồn năng lượng đắt tiền hiện nay là than và khí đốt sang dầu.
Trong báo cáo hàng tháng của, IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2022 lên 210.000 thùng/ngày và hiện dự kiến tổng nhu cầu dầu vào năm 2022 sẽ đạt 99,6 triệu thùng/ngày, cao hơn một chút so với mức trước đại dịch.
Mặt khác, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 6 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn mức tăng 702.000 thùng mà các nhà phân tích dự kiến. Sản lượng cũng tăng cao hơn, đạt 11,4 triệu thùng/ngày.
Kết thúc phiên 14/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,87 USD (+1,1%), lên 81,31 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,82 USD (+1%), lên 84 USD/thùng.
Theo: Tinnhanhchungkhoan