Nguyên nhân biến trẻ thành đầu gấu ở trường
Bị người khác bắt nạt hoặc muốn tìm kiếm sự chú ý có thể là nguyên nhân khiến trẻ thích gây sự với bạn bè.
Cảm thấy bất lực trong đời sống riêng
Việc bắt nạt hay hành hung người khác có thể xuất phát từ việc khao khát được thể hiện quyền lực. Những người bị nhắm đến thường do đi đôi giày quá cũ, quá lùn so với bạn bè, quá thông minh so với lứa tuổi, hành động ngớ ngẩn hoặc quá yểu điệu... Nhưng lý do không thật sự quan trọng.
Đứa trẻ đi bắt nạt thích thú khi chinh phục được kẻ khác. Chúng thường bốc đồng, nóng nảy và càng mạnh bạo hơn khi nạn nhân co rúm vì sợ.
Cảm giác chống lại sự bất lực thường xuất phát từ vấn đề nào đó ở nhà. Trẻ có thể gặp phải tình huống quá sức chịu đựng như bố mẹ ly hôn, một thành viên trong nhà nghiện rượu hoặc ma túy.
Bị người khác bắt nạt
Trong nhiều trường hợp, bắt nạt sinh ra bắt nạt. Một đứa trẻ cảm thấy ấm ức khi bị bắt nạt bởi bố mẹ, anh chị hay học sinh khóa trên có thể bị cám dỗ bởi cảm giác bắt nạt người khác. Nghiên cứu cho thấy những người từng trải qua chuyện bắt nạt có gấp đôi khả năng bắt đầu hành động xấu này.
Trong thời đại công nghệ, trẻ bị bắt nạt ở ngoài đời dễ trở thành kẻ đầu têu bắt nạt người khác qua mạng. Khi bị xem là yếu đuối hoặc tự đánh giá thấp bản thân, trẻ sử dụng Internet để thử đổi mới mình thành một người mạnh mẽ hoặc đáng sợ hơn. Chúng có thể tham gia các cuộc trò chuyện hay diễn đàn mở, đe dọa người khác.
Thông thường, bắt nạt qua mạng thường là phần mở rộng của bắt nạt trong thế giới thực. Chẳng hạn, trẻ có thể xâm nhập vào tài khoản mạng xã hội để hiển thị tin đồn tiêu cực về người mình ghét.
Ghen tị hoặc thất vọng
Khi trẻ chọn bắt nạt người luôn giơ tay phát biểu đầu tiên hoặc đạt điểm cao nhất trong các bài kiểm tra, nguyên nhân sâu xa là ghen tị với người kia hoặc cảm thấy thất vọng về bản thân.
Sự thông minh, khả năng tập trung và tính sáng tạo thường đại diện cho các thuộc tính mà kẻ bắt nạt muốn có được. Bằng cách phá hoại các kỹ năng của người khác, kẻ bắt nạt nghĩ mình đang tạo ra sân chơi bình đẳng hơn.
Thiếu sự hiểu biết hoặc thấu cảm
Trong một số trường hợp, một đứa trẻ đi bắt nạt vì có một khía cạnh về nhân cách của người khác mà nó không hiểu hoặc không chấp nhận. Chúng có thể thành kiến với chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng tình dục của bạn bè, thậm chí nghĩ rằng bắt nạt người chúng nghĩ có hành vi sai trái là điều tốt.
Sự thấu cảm này có thể được học từ nhà. Ví dụ, nếu thấy bố có thái độ kỳ thị chủng tộc, trẻ sẽ thể hiện tương tự. Ngoài ra, không ít trẻ gặp vấn đề tâm lý làm giảm khả năng thấu cảm người khác.
Tìm kiếm sự chú ý
Một số kẻ bắt nạt không bao giờ nghĩ mình là kẻ bắt nạt. Chúng chỉ nghĩ tất cả những gì mình làm chỉ là trêu chọc một chút, thậm chí là cố gắng để kết bạn với người mà chúng đang bắt nạt. Những vấn đề xã hội này khiến trẻ gặp rắc rối trong giao tiếp lành mạnh, thay vào đó dùng cách lăng mạ hoặc bạo lực thể xác.
Thực tế, những kẻ bắt nạt kiểu này thường dễ "hoàn lương" nhất, bởi vì chúng cũng dễ cởi mở với khái niệm tử tế. Trẻ có thể bớt bắt nạt người khác, thậm chí đối xử tốt với người chúng từng bắt nạt tùy vào cách được đối xử. Trao cho kẻ bắt nạt sự chú ý tích cực trước khi chúng có cơ hội tìm kiếm sự chú ý tiêu cực, nạn nhân có thể khiến mọi thứ tốt hơn cho cả hai.
Ảnh hưởng của gia đình
Hoàn cảnh gia đình của những kẻ bắt nạt là một yếu tố quan trọng. Thiếu sự hỗ trợ tinh thần, bố mẹ độc đoán, ly hôn, bạo lực gia đình và kết nối kém với bố mẹ là những nguyên nhân tiềm ẩn trong cuộc sống.
Tiến sĩ Nerissa Bauer, chuyên gia Mỹ về vấn đề này cho biết: "Bố mẹ là những hình mẫu có vai trò rất lớn và trẻ sẽ bắt chước hành vi của họ, muốn trở thành người như họ. Chúng có thể tin rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề và áp dụng với bạn bè. Chúng có thể đánh người khác chỉ vì nghĩ rằng đang đi theo con đường của bố".
Điều quan trọng là những người đang chứng kiến bạo lực ở nhà nên nói chuyện để định hướng hành vi cho trẻ. Đôi khi, phụ huynh nên tìm đến phương pháp điều trị tâm lý.
'Phần thưởng' từ hành vi xấu
Nhiều trẻ không cố ý bắt nạt kẻ khác để được phần thưởng. Tuy nhiên, vô tình trẻ phát hiện mình lấy được tiền ăn trưa hoặc đồ đạc của bạn bè sau khi bắt nạt, hoặc được nổi tiếng, chú ý, củng cố quyền lực ở trường. Những phần thưởng không chủ ý này khích lệ hành vi xấu, khiến trẻ ngày càng lún sâu.
Không có khả năng điều chỉnh cảm xúc
Khi nản chí hay tức giận, trẻ có thể phản ứng thái quá. Những phiền toái nhỏ đột nhiên thổi bùng lên cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn, một đứa trẻ vô tội đi xuống hội trường và vô tình va vào kẻ bắt nạt. Dù nhận được lời xin lỗi, kẻ bắt nạt vẫn không giữ được bình tĩnh mà đẩy nạn nhân vào tường để đánh. Đây được xem là cách giải tỏa cảm xúc của chúng.
Theo: vnexpress