Nguyễn Tiến Đức – Giám đốc bệnh viện 8x dùng năng lực đánh tan quan điểm về tuổi tác
Nhịp sống sôi nổi và biển đổi nhanh chóng trong thời 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ “8X, 9X, 2K” cống hiến trí tuệ, sự năng động và tuổi trẻ để thay đổi nền kinh tế của nước nhà. Đầu năm 2020, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng một nhân vật trẻ khá đặc biệt. Nguyễn Tiến Đức là thế hệ cuối 8X (30 tuổi) nhưng hiện đang là Giám Đốc vận hành của một bệnh viện chuyên khoa lớn tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.
PV: Xin chào anh Nguyễn Tiến Đức. Khác với những ngành nghề đang thu hút giới trẻ, thì Y tế được xem là “khó nhằn” và kém hấp dẫn. Thế nhưng, được biết anh đang đảm nhận vị trí Giám đốc vận hành một bệnh viện khi chỉ mới ở độ tuổi 30. Anh có gặp nhiều câu hỏi về tuổi tác hoặc gặp khó khăn trong công tác quản lý bệnh viện hay không?
Có rất nhiều người hỏi tôi như vậy (cười). Câu trả lời là “tất nhiên là có rồi!” Trước đến giờ mọi người luôn cho rằng, quản lý một bệnh viện phải là bác sĩ và hơi lớn tuổi một chút, như vậy sẽ dễ quản lý hơn. Khi tôi bắt đầu tiếp nhận công việc quản lý bệnh viện, tôi thật sự cũng từng gặp khó khăn. Ngay ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ mới, vào thang máy với cái áo trắng tinh là được một bạn điều dưỡng hỏi ngay “Anh là nhân viên mới hả, anh làm khoa phòng nào vậy?” Không ai nghĩ tôi là “Giám đốc bệnh viện” cả. Một phần tôi cũng ít tuổi, nên có khá nhiều bác sĩ lớn tuổi hoặc nhân viên có thâm niên hay ngờ vực và tỏ ra khó hợp tác với tôi trong giai đoạn đầu. Nhưng thật ra tôi thấy mình cũng “già trước tuổi” lắm rồi mà! ☺
PV: Vậy anh Tiến Đức đã làm gì để vượt qua những rào cản về tuổi tác và hoàn thành nhiệm vụ ở vai trò khó khăn như vậy
Thật ra, việc này cũng không phải là quá khó khăn. Vì quan trọng là mình cần hiểu “góc nhìn của mỗi người là khác nhau”. Chẳng ai dễ dàng tin một người lạ, lại còn ít tuổi hơn mình, rồi còn làm quản lý công việc của mình. Vì vậy, việc đầu tiên là tôi cố gắng để mọi người hiểu, tôi xuất hiện ở tổ chức này để cùng mọi người mang lại những điều tốt hơn cho bệnh nhân, cho bệnh viện và cho chính nhân viên y tế ở bệnh viện mình. Sau đó, tôi phải chứng minh bằng hành động thiết thực và có hiệu quả để mọi người tin vào năng lực của mình, và tin là mình có cố gắng cho lợi ích của tập thể. Điều đó sẽ giúp cho tôi và mọi người có tiếng nói chung, dễ hòa nhập với nhau hơn. Từ đó, công việc sẽ đỡ nhọc nhằn.
PV: Vậy trong công tác quản lý bệnh viện, anh nghĩ công việc của bộ phận nào là anh cảm thấy khó khăn nhất
Tôi cho là quản trị nhân sự. Vì thực ra, ngành y tế khác rất nhiều với các ngành khác. Ngành y tế nói chung thường sẽ có nguồn nhân lực tri thức cao chiếm tỷ lệ nhiều nhất so với các ngành nghề khác, vì vậy mà quản trị nguồn nhân lực của bệnh viện thật sự khó khăn. Từ việc đảm bảo ổn định nguồn nhân lực hiện có, giảm tỷ lệ nhảy việc, đến việc đào tạo nâng cao tay nghề chuyên môn cho nhân viên khối y khoa, và phát triển nhân tài ngay từ thời sinh viên... Mọi việc không đơn giản hơn so với các ngành khác tôi từng làm việc. Tôi cho rằng quản trị nhân lực là một trong những mảng “hao tổn sức khỏe” của người quản lý nhất.
Anh Tiến Đức đang đào tạo kiến thức Marketing và Quản trị cho các bạn trẻ
PV: Nói về Marketing
của bệnh viện tôi xin phép hỏi anh Tiến Đức: nhiều người cho rằng bệnh viện thì
không cần làm Marketing, anh nghĩ sao về điều này?
Theo quan điểm cá nhân tôi: “Marketing là một hình thức gieo
tạo niềm tin cho khách hàng” và doanh nghiệp nào cũng cần điều đó cả.
Bệnh viện có làm Marketing thì giúp cho khách hàng dễ dàng biết được thông tin
dịch vụ kỹ thuật điều trị của bệnh viện để mà lựa chọn. Marketing bệnh viện
cũng là cầu nối đưa các thắc mắc của khách hàng đến bệnh viện để được bệnh viện
giải đáp, hoặc Marketing còn là các chương trình thiện nguyện mà các y bác sĩ
có thể thăm khám miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa,
Marketing còn là một hoạt động kiến tạo văn hóa doanh nghiệp, hay chính xác hơn
là văn hóa giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế thông qua các hoạt động truyền
thông nội bộ. Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng ý bệnh viện cần làm Marketing.
Nói chung, tôi vẫn rất ủng hộ những tư tưởng mới để mang lại sức bật cho các bệnh viện nói riêng hoặc doanh nghiệp nói chung. Tôi tin là chúng ta thay đổi để phù hợp với sự biến chuyển nhanh của xã hội đó được gọi là sự thay đổi tích cực.
PV: Vậy anh Đức có
nghĩ rằng thế hệ trẻ 8X, 9X, 2K đang đóng góp tích cực trong sự chuyển mình lớn
của xã hội không?
Ồ, điều đó là tất nhiên. Chúng ta vẫn luôn trân trọng giá trị của
thế hệ đi trước. Nhưng tôi vẫn tin rằng mọi người đều thấy, các bạn trẻ ngày nay
cũng rất bản lĩnh, dám dấn thân vào đam mê, điển hình là dám làm khởi nghiệp
(start-up) từ lúc còn trẻ. Đôi khi còn chưa có quá nhiều kinh nghiệm để rào hết
rủi ro thất bại, nhưng quan trọng là các bạn dám làm.
Hoặc các bạn trẻ dám đeo đuổi sở trưởng tới khi nào thành công mới thôi. Tôi thấy vậy là đã quá hạnh phúc, vì các bạn đã sống theo cách các bạn chọn, cháy ngọn lửa các bạn tự thắp lên. Không gần thì xa, thế hệ trẻ sẽ thay đổi khá nhiều về cục diện kinh tế và xã hội ở đất nước mình. Tôi tin là như vậy!
PV: Vâng cám ơn anh Đức đã chia sẻ. Ắt hẳn thời gian đầu năm cũng là thời gian anh khá bận rộn để chuẩn bị cho mọi hoạt động của bệnh viện trong năm mới, chúng tôi xin cám ơn anh đã dành thời gian để cùng trò chuyện. Kính chúc anh nhiều sức khỏe và mọi việc nhiều thành công trong năm mới!
Nguồn: TCDN