Ông Joe Biden sẽ thay đổi những chính sách nào của ông Trump?
Khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021 tới, ông Joe Biden được dự đoán sẽ nhanh chóng đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Song chương trình nghị sự thương mại “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump sẽ vẫn an toàn.
Ê-kíp chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden gần đây đã dành nhiều thời gian, công sức để tạo nền tảng pháp lý, chuẩn bị đưa ra những sắc lệnh hành pháp mạnh mẽ, dứt khoát nhằm "bẻ lái" chính sách của ông Trump trong nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, nhập cư, vũ khí hạt nhân, người chuyển giới… Nhưng trong danh sách này không có vấn đề thương mại.
Ông Biden có thể loại bỏ một số biện pháp thương mại nổi bật của chính quyền tiền nhiệm như việc áp thuế đối với cả Trung Quốc và các đồng minh, chỉ bằng một chữ ký. Nhưng thay vì làm điều đó, chính quyền mới sẽ chấp nhận theo đuổi di sản thương mại mà ông Donald Trump để lại, cụ thể là nghị trình thương mại “Nước Mỹ trên hết”. Động cơ chủ yếu xuất phát từ các tính toán chính trị, cùng với đó là sự dịch chuyển về tư tưởng trong nội bộ đảng Dân chủ về tự do thương mại.
Khác với nhiều lĩnh vực chính sách mà những người cấp tiến trong đảng Dân chủ đang đòi tổng thống đắc cử phá bỏ mọi tàn tích của “kỉ nguyên Donald Trump”, ông Biden không chịu sức ép từ nhóm tự do dân sự cho tới thiên tả trong đảng đòi phải thay đổi chính sách thương mại. Thực chất, nhiều thành phần thiên tả trong đảng Dân chủ còn ngờ vực tự do thương mại.
Hơn nữa, nếu thay đổi mạnh nghị trình thương mại của ông Donald Trump, nhất là chính sách thương mại cứng rắn chống Trung Quốc, ông Biden sẽ phải hứng chịu chỉ trích từ vùng “Vành đai Mặt Trời”, nơi tập trung nhiều bang chiến địa mà ông có được chiến thắng sít sao trước đối thủ. Nó sẽ làm hại danh tiếng của ông dưới góc độ là một “chiến binh đấu tranh cho công nhân lao động”, gây hại cho liên minh dân chủ mong manh từng giúp ông vào Nhà Trắng.
Việc chính quyền Tổng thống Trump quay lại chủ nghĩa bảo hộ phản ánh thay đổi nội bộ trong chính giới Mỹ, mà ở đó nhiều người Dân chủ chuyển sang hoài nghi thương mại toàn cầu. Sau gần ba thập kỉ cam kết theo đuổi các ý tưởng tự do kinh tế, nhấn mạnh lợi ích của tự do thương mại, đảng Dân chủ ngày càng ngờ vực xu hướng này.
Họ quan ngại ngày một nhiều về gia tăng bất bình đẳng, tích tụ quyền lực của các công ty, tập đoàn. Cách tiếp cận “kiểu Trump” về thương mại báo hiệu một kỉ nguyên mới về chính sách của Mỹ và nó sẽ còn tồn tại dưới thời ông Biden.
Dù phá cách trong nhiều vấn đề, nhưng ông Trump trên thực tế lại thúc đẩy chương trình nghị sự thương mại mang đặc trưng của đảng Cộng hòa. Tạo gạch nối đồng nhất với chính quyền George W. Bush, ông Trump đã thực hiện cắt giảm thuế, giảm thủ tục quy định kinh doanh, giảm ưu tiên cho chống biến đổi khí hậu và theo đuổi cách tiếp cận đơn phương về đối ngoại.
Chính sách chống nhập cư của ông Trump cũng không phải là quá khác biệt, bởi nhiều chính quyền Cộng hòa gần đây nhất cũng theo đuổi xây tường biên giới, trục xuất ồ ạt người nhập cư bất hợp pháp.
Riêng về thương mại, ông Trump đã khởi động tiến trình hoàn toàn mới, dựa trên ba trụ cột: Ngừng tham gia các hiệp định thương mại mới, như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP); chặn bổ nhiệm các thẩm phán chủ chốt tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm vô hiệu hóa quá trình ra phán quyết xử lý tranh chấp có dính đến Mỹ; cuối cùng là đơn phương áp đặt thuế đối với đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ dựa trên các sắc lệnh hành pháp.
Dư sức để loại bỏ ba trụ cột này, nhưng dường như ông Biden không có mong muốn thực hiện điều đó. Tổng thống đắc cử Mỹ khẳng định sẽ không sớm bỏ thuế trừng phạt chống Trung Quốc. Và dù cam kết xây dựng lại các quan hệ liên minh, nhưng đến giờ ông Joe Biden vẫn chưa đưa ra tuyên bố về rút lại thuế trừng phạt đánh vào mặt hàng nhôm, thép mà ông Trump đã triển khai, nhằm vào cả đồng minh, đối tác của Mỹ, với lý do “an ninh quốc gia”. Còn về theo đuổi các hiệp định thương mại mới, ông Biden chỉ nói một câu đơn giản: Đây không phải là ưu tiên của chính quyền mới.
Tại sao ông Biden lại phải thủ thế? Về chính trị, việc rút lại các chính sách thương mại của Tổng thống Trump khiến chính quyền mới mất nhiều hơn được, không như trong các lĩnh vực khác. Đơn cử, nếu đảo ngược nghị trình về nhập cư, biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm, ông Biden sẽ có được lợi ích chính trị, do nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ nhóm thiên tả trong đảng Dân chủ.
Số cấp tiến này cũng mong đợi chính quyền của ông Joe Biden sẽ thực thi cam kết trong những chủ đề họ quan tâm nhiều nhất, mà ở đó không có vấn đề thương mại. Thậm chí, số cấp tiến đảng Dân chủ đồng cảm với chính sách thương mại của ông Trump, dù chưa hẳn là phương pháp tiến hành. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders từng lên tiếng chỉ trích các hiệp định tự do thương mại là “thỏa thuận thảm họa” làm hại người lao động Mỹ, chỉ làm giàu cho các tập đoàn.
Về yếu tố nội bộ, chính sách áp thuế đối với mặt hàng sắt, thép nhập khẩu của chính quyền Trump được các bang Michigan, Wisconsin, Pennsylvania vùng Trung Tây ủng hộ. Đây cũng chính là những bang chiến địa giúp ông Trump vượt lên trong cuộc đua năm 2016, nhưng cũng lại dồn phiếu cho ông Biden tại kỳ bầu cử năm nay để tạo ra “Bức tường màu xanh”. Gỡ bỏ biện pháp trừng phạt sẽ gây nguy hiểm cho thế đứng chính trị của ông Biden và đảng Dân chủ.
Tương tự, chống Trung Quốc đang là xu hướng chiếm ưu thế trong lưỡng đảng tại Quốc hội, cũng là tâm lý phổ biến trong cử tri Mỹ. Ông Biden sẽ không dỡ thuế trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trừ khi Mỹ nắm chắc trong tay khả năng ép Bắc Kinh phải chấp nhận mức nhượng bộ cực lớn. Bằng không, dỡ thuế sẽ tạo cớ để các đối thủ của ông Biden công kích, cho rằng cá nhân ông và đảng Dân chủ mở đường, tạo ưu thế cho đối thủ kinh tế, địa chính trị hàng đầu của Mỹ.
Hệ tư tưởng cũng là một nhân tố khiến Biden không thể phá hủy hoàn toàn nghị trình thương mại của ông Donald Trump. Không chỉ thoái lui tự do thương mại, những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đối với chính sách kinh tế trong đảng Dân chủ giờ còn chuyển hướng ưu tiên cho xử lý những thách thức kinh tế khác. Số này cho rằng, cần phải nâng cấp an sinh xã hội rồi mới xem xét tham gia bất kỳ thỏa thuận thương mại lớn nào.
Việc ông Joe Biden đề cử bà Janet Yellen vào vị trí Bộ trưởng Tài chính, chức vụ kinh tế quan trọng nhất trong nội các, là biểu hiện rõ nét cho sự dịch chuyển này. Bà Yellen được tiếng là người ủng hộ nhiệt thành lợi ích người lao động. Việc Bộ trưởng Tài chính đề cử xem bất bình đẳng gia tăng là vấn đề nan giải trong kinh tế Mỹ cho thấy, chính sách tự do thương mại sẽ khó có chỗ đứng trong chính quyền mới.
Theo baotintuc