Phải chăng những thay đổi mới của Facebook sẽ đặt dấu chấm hết cho các tờ báo?
Facebook đang chuẩn bị thực hiện một sự thay đổi lớn chưa từng có trong năm 2018, đó là thay đổi cách phân phối nội dung hướng tới người dùng nhiều hơn. Tuy nhiên điều này cũng khiến nhiều người lo ngại, liệu đây có phải 'dấu chấm hết' cho các tờ báo, đơn vị quảng cáo?
Trong vài ngày tới, người dùng Facebook sẽ ít thấy các bài đăng từ các nhà xuất bản, doanh nghiệp và những người nổi tiếng mà họ đang theo dõi. Thay vào đó, Facebook sẽ hiển thị nhiều hơn các nội dung từ bạn bè, gia đình và người thân.
Đây cũng chính là mục tiêu từ lâu của ông trùm Mark Zuckerberg và 2018 sẽ là năm thực hiện điều đó một cách quyết liệt và mạnh mẽ nhất.
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp và những gì mà người dùng và doanh nghiệp, các đơn vị xuất bản tin tức, các tờ báo đang hoài nghi về quyết định của Facebook trong lúc này.
Tại sao Facebook phải làm như vậy?
CEO Facebook, Mark Zuckerberg đang thực hiện những bước đi quan trọng nhằm giải quyết các tiêu cực mà Facebook đã và đang gây ra cho xã hội và tâm lý người dùng. Mark Zuckerberg từng phủ nhận nạn tin giả gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhưng bây giờ có lẽ, Mark đã nghĩ mọi thứ theo hướng khác.
Giờ đây mục tiêu của ông chủ Facebook là quyết tâm "sửa chữa" căn nhà của hàng tỷ người dùng trở nên đàng hoàng hơn trong năm 2018. Chính Mark cũng thừa nhận, Facebook đang tạo ra quá nhiều lỗi lầm trong việc thực thi các chính sách, đồng thời bất lực trong việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng mạng xã hội.
Facebook cũng phải đối mặt với áp lực từ các nhà quản lý tại Mỹ và nhiều quốc gia khác. Ngày càng có nhiều nhà khoa học, nhà lập pháp, thậm chí là những nhà quản lý, đầu tư ái ngại về những tác động nguy hiểm của mạng xã hội tới người dùng như trầm cảm, cô lập, bị tấn công trực tuyến và nghiện điện thoại.
Như vậy, Facebook đã lựa chọn cách tự thay đổi chính mình trước khi bị "hỏi thăm" và hơn hết không muốn mọi chuyện sẽ đi quá xa.
Chiến lược mới của Facebook sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh thu của công ty?
Có nhiều người đặt câu hỏi, liệu việc đột ngột chuyển hướng sang ưu tiên các nội dung từ người dùng và hạn chế quảng cáo có phải là hành động "tự mua dây buộc mình" của Facebook?
Câu hỏi trên hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ, sau khi Mark vừa công bố thông tin chấn động, giá cổ phiếu của Facebook đã giảm gần 6% vào sáng thứ Sáu (5/1).
Các nhà đầu tư cho rằng, động thái của ông chủ Facebook có thể khiến người dùng ít quan tâm hơn tới quảng cáo và dịch vụ. Dành ít thời gian hơn cũng đồng nghĩa Facebook sẽ nhận được ít hơn hợp đồng quảng cáo. Ngay cả chính khối tài sản của Mark Zuckerberg cũng đã bị mất 3,3 tỷ USD chỉ ngay sau khi anh đăng thông báo trên trang cá nhân.
Facebook đã làm rất tốt về mặt tài chính trước khi có quyết định gây bất ngờ. Giá trị cổ phiếu của Facebook đã chạm mức cao nhất trong lịch sử hồi đầu tháng Một với 522 tỷ USD, vượt kỳ vọng của nhiều nhà phân tích phố Wall.
Có thể nói, Facebook đã chuyển hướng tập trung sang "lấy người dùng làm trọng tâm". Nhưng Facebook chẳng thể làm trọn vai của người đứng giữa. Sự thay đổi khiến nhiều thương hiệu, nhà quảng cáo cảm thấy tiếc nuối vì mất đi cơ hội kinh doanh nhanh chóng và thuận tiện hơn bao giờ hết.
Mark Zuckerberg từng cảnh báo sớm về sự thay đổi trên từ cuối năm ngoái. Chính Mark cũng thừa nhận, những thay đổi ban đầu có thể tác động nhất định tới lợi nhuận của hãng trong thời gian tới.
Nhưng chắc chắn rằng, ông chủ Facebook không dại đánh một ván bài liều lĩnh đến vậy. Mark tin rằng, tác động sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn nhưng nếu người dùng cảm thấy tin yêu hơn vào mạng xã hội tỷ dân, những lợi ích về dài hạn sau này sẽ là điều khó có thể đong đếm được.
Đây có phải là dấu chấm hết cho các thương hiệu và nhà xuất bản trên Facebook?
Facebook đã có câu trả lời cho người dùng nhưng lại vô tình tạo ra sự hoài nghi cho nhiều thương hiệu, tờ báo và các đơn vị quảng cáo khi đưa ra quyết định trên. Liệu rằng, đây có phải là dấu chấm hết cho họ?
Trên lý thuyết, việc ưu tiên các nội dung của bạn bè và người thân trên News Feed sẽ khiến lượng bài viết, quảng cáo bị giảm đi đáng kể, qua đó ảnh hưởng tới doanh thu của các đơn vị này.
Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, đây thực chất là một chiêu trò của Facebook nhằm kích thích các công ty, thương hiệu trả nhiều tiền hơn cho quảng cáo để vẫn có thể xuất hiện trên News Feed của người dùng.
Michael Stelzner, CEO của công ty tiếp thị mạng xã hội Social Media Examiner khẳng định: "Rõ ràng Facebook đang ngày càng lộ ra là một công ty kinh doanh nhiều hơn". Stelzner cũng khẳng định, Facebook đã có nhiều thay đổi về thuật toán News Feed trong quá khứ nhưng lần này là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Có thực sự mọi người sẽ dành ít thời gian hơn cho Facebook sau khi thuật toán thay đổi?
Phải thừa nhận rằng, việc thanh lọc nội dung News Feed và ưu tiên các bài đăng từ bạn bè, người thân có thể làm giảm phần nào lượng người dùng truy cập Facebook. Và đây chắc chắn là một câu chuyện đáng phải suy ngẫm với Mark và ban điều hành mạng xã hội tỷ dân.
Nhưng chắc chắn, Facebook luôn có những kế hoạch dự trù và những quân át chủ bài khác giúp lôi kéo sự quan tâm của người dùng bên cạnh các bài đăng quảng cáo, thương hiệu.
Có thể lấy ví dụ như nội dung video hay gần đây nhất là kế hoạch mua bản quyền phát sóng trực tiếp nhiều giải đấu bóng đá, bóng chày, bóng rổ thu hút hàng vạn người theo dõi. Do đó, để cho rằng sự thay đổi trên sẽ khiến nhiều người ít vào Facebook hơn là điều khó có thể nói trước.
Vậy cuối cùng những thay đổi này sẽ khiến mọi người vui hơn hay buồn đi?
Facebook đặt niềm tin rất lớn vào người dùng. Mạng xã hội tỷ dân tin tưởng, người dùng có thể dễ dàng thích nghi được với những thay đổi.
Nỗ lực ưu tiên nội dung hướng về người dùng cũng là cách Facebook giúp hàn gắn và làm sâu sắc thêm những mối quan hệ trong xã hội giữa người trong cùng một nước hay bạn bè trên khắp thế giới, ngay cả khi họ không thể ở gần nhau.
Nhưng một số nghiên cứu chỉ ra, Facebook có thể khiến người dùng cảm thấy bị cô lập, khó thích ứng với môi trường sống hay xuất hiện cảm giác sợ bị xa lánh, mọi người không quan tâm bằng cách like hoặc thả tim. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, thanh thiếu niên là nhóm đối tượng đặc biệt dễ mắc "trầm cảm" nhất khi dùng Facebook. Bởi họ thường áp đặt những lượt thích, bình luận là thước đo cho mối quan hệ bạn bè.
Tuy vậy, nhiều nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, cách mọi người phản ứng với Facebook phụ thuộc khá nhiều vào tính cách của họ. Nếu bạn là tuýp người hay lo lắng hoặc không hài lòng với cuộc sống thì có lẽ, việc thường xuyên xem những hình ảnh vui vẻ và hạnh phúc của người dùng khác sẽ khiến bạn trở nên tự ti, cảm thấy bị cô lập và mất lòng tin hơn vào cuộc sống.
Trái ngược lại nếu bạn là một người lạc quan và tỉnh táo, bạn sẽ thấy rằng, việc nở một nụ cười khi xem ảnh một ai đó hạnh phúc chẳng phải là một điều vui hơn việc đem bản thân ra so sánh hơn hay sao? Đó cũng chính là cách bạn có thể tự hài lòng với cuộc sống và những thứ đang có.
Một bài viết gần đây đăng tải trên tạp chí Perspectives on Psychological Science đưa ra kết luận, những người cô đơn sử dụng Facebook và các mạng xã hội như một cách để "khỏa lấp" những khoảng trống trong mối quan hệ xã hội của họ. Điều này vô tình khiến chính họ trở thành những người bị cô lập.
Ở chiều hướng tích cực, Facebook được khẳng định là sợi dây kết nối tuyệt vời, giúp làm sâu sắc hơn mối quan hệ xã hội, tình bạn và giải tỏa cảm giác cô đơn cho nhiều người.
Những bước đi của Facebook là có định hướng và rõ ràng. Dù có hay không những tác động liên quan đến truyền thông, báo chí và các đơn vị quảng cáo, thương hiệu thì có lẽ, mạng xã hội này đã phần nào "ghi điểm" trước mắt người dùng. Còn câu chuyện có thể dung hòa được lợi ích giữa hai bên thì lại là một bài toán lâu dài mà Mark Zuckerberg và các cộng sự phải tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.
Tất nhiên như đã nhắc từ đầu, những thay đổi sắp tới sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới những bên cung cấp tin tức, nội dung quảng cáo,…
Theo baomoi