"How-come adidas?" Từ kẻ vô danh trở thành gã khổng lồ 40 tỉ đô
Mọi sự thành công lớn đều bắt đầu từ những sự nỗ lực không ngừng.
Câu chuyện về người sáng lập tập đoàn adidas hiện nay trị giá 40,4 tỉ đô ắt hẳn sẽ truyền cho chúng ta động lực cũng như cảm hứng để vươn tới những ước mơ.
Khởi nguồn của adidas và triết lí kinh doanh của Adi Dassler
Adolf “Adi” Dassler vốn xuất thân từ một gia đình bình dân, cha làm thợ giày, mẹ trông tiệm giặt ủi. Vì kinh tế gia đình khó khăn nên Adi Dassler đã được cha mình hướng theo nghiệp làm giày. Adi Dassler thời trai trẻ rất thích chơi thể thao như đá banh hay chạy bộ, vì thế, đam mê trở thành một nguồn động lực, thôi thúc ông làm ra chiếc giày đầu tiên của mình vào năm 20 tuổi với những nguyên vật liệu thô sơ từ cha mình.
Adi Dassler cũng có mối quan hệ khắng khít với các vận động viên. Ông dành phần lớn thời gian để trò chuyện cùng các vận động viên để tìm hiểu về những thứ mà họ cần, dành hàng tiếng đồng hồ để xem các trận đấu mỗi tuần.
Có lần, ông xem một trận đá banh và quan sát ra rằng 1 đôi giày đá banh khi ấy nặng 500gram và có thể nặng gấp đôi trọng lượng khi đá dưới thời tiết xấu như trời mưa, bùn đất. 90 phút đá banh, chân của vận động viên thường tiếp xúc trung bình với banh là 90 giây. Vậy là sau đó, ông mày mò, hiệu chỉnh lại tất cả các vật liệu, khiến trọng lượng tổng giảm xuống 1/3 trọng lượng (350gr) và thiết kế lại các miếng lót và mũi giày để cầu thủ có thể chạy tốt và nhẹ nhàng hơn.
Triết lí kinh doanh của adidas là “Tất cả những điều tốt nhất dành cho các vận động viên” (Only the best for the athlete) cũng chính từ nét tính cách tỉ mỉ ấy của ông mà hình thành nên.
Nó cũng phần nào giải thích cho câu chuyện sau khi chia tách xưởng giày chung này của hai anh em Dassler, người anh Rudolf lập nên Puma với mô hình kinh doanh theo hướng lợi nhuận hóa (a more sales-oriented business model), trong khi Adi Dassler tập trung vào việc phát triển sản phẩm (product-centric).
Nếu để ý kĩ một chút thì, những người sáng lập có xuất phát điểm từ việc tạo ra sản phẩm như Adi Dassler thường sẽ có thiên hướng tiếp cận khách hàng một cách khá “thô”, gần gũi và chân thực (authentic).
Thô ở đây nghĩa là họ chỉ muốn chú tâm phát triển sản phẩm sao cho nó trở nên tốt hơn, bền hơn mà cũng ít khi chú tâm đến việc tiếp thị hay bán hàng. Đây có thể là một rủi ro lớn với việc kinh doanh, tuy nhiên, vì Adi Dassler hiểu rất rõ những gì mà những vận động viên cần ở một đôi giày nên sản phẩm của ông luôn được chào đón.
“Điểm bùng phát” của adidas tại Olympics 1936
Dù adidas đã làm mưa gió ở thị trường nội địa ở Đức, tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn mà Adolf Adi Dassler vẫn luôn đau đáu nghĩ về đó chính là “làm sao có thể mang những sản phẩm do chính tay ông làm với dòng chữ Made in Germany đến với thế giới, vượt ra ngoài rào cản biên giới của nước mình.”
Đây không chỉ là vấn đề về kinh doanh, về việc mở rộng thị trường của adidas mà còn là sự khao khát cống hiến cho nền công nghiệp thể thao hiện đại với tinh thần “Tất cả những gì tốt nhất dành cho vận động viên” (Only the best for the athlete) mà ông Adolf Adi Dassler theo đuổi.
Vào giai đoạn ấy, các kì Olympics được xem như đấu trường của nền thể thao toàn cầu, vì thế, xuất hiện trong cuộc tranh tài này ắt hẳn phải là niềm tự hào vô tận. Tuy nhiên, dưới chế độ cai trị Đức Quốc Xã của Hitler, việc cân nhắc xem Mỹ có đủ quyền hạn để tham gia vào trận tranh tài mang tầm đẳng cấp thế giới này hay không vẫn còn vấp phải nhiều sự bất đồng từ giới chính trị.
Kết quả là, với những nỗ lực “vận động hành lang” của giới chức trách, Đức Quốc Xã đã đồng ý cho phép đội tuyền US Olympics chính thức tham gia trong kì thế vận hội năm Olympics 1936.
Chiến binh không thể nào ra mặt trận chiến đấu mà thiếu đi vũ khí. Với đua xe F1, không chỉ là động cơ mạnh, hệ thống cơ học của ô tô mà điểm nhỏ nhưng tạo nên sự khác biệt lớn đó chính là lốp xe. Độ dày, to nhỏ, lốp gai hay không góp phần rất quan trọng trong việc định hướng, tạo nên những khúc cua hoàn hảo ở những mặt đường khác nhau. Đó cũng chính là lí do tại sao rất nhiều hãng lốp xe danh tiếng đều lấy các cuộc đua thể thức F1 là nơi để thực hiện các quảng cáo tài trợ hàng triệu đô để minh chứng cho khả năng của sản phẩm mình.
Và đối với điền kinh (track and field), tương tự như đua xe F1, người chiến binh chính là cả thân thể của vận động viên trong khi đôi giày chạy chính là thứ vũ khí uy quyền nhất. Hai trong số các yếu tố quan trọng nhất của một đôi giày điền kinh đó chính là độ bám và khả năng gia tốc. Là người huấn luyện của siêu sao tốc độ Jesse Owens, ông Larry Synder đã đề xuất vài đôi giày được sản xuất từ Anh và vài đôi của Adi Dassler. Điểm đặc biệt của đôi giày adidas do Adi Dassler thiết kế đó chính là gồm 6 chiếc đinh dài (6 long spikes) giúp nó có độ bám chắc chắn hơn.
Sau khi thử đến đôi thứ ba, Jesse Owens đã nói với vị huấn luyện viên của mình rằng “Tôi muốn có tất cả chúng hay không là gì cả”(I want those shoes or none at all).
Chính câu nói đã trở thành chiếc vé thông hành của hãng thể thao adidas vươn đến tầm thế giới với bảng thành tích cá nhân đáng kinh ngạc của Jess Owens, đi vào biên niên sử 4 chiếc huy vàng ở 4 hạng mục (100m, 200m, nhảy xa và chạy chuyền gậy 4x100m).
Có thể nói rằng, nếu không phải là Jess Owens, không phải là giải vàng thế giới Olympics 1936, mà là một ai khác thì có thể câu chuyện adidas của ngày hôm nay sẽ khác đi rất nhiều. Tuy nhiên, chính sự tìm tòi và lòng quyết tâm của Adi Dassler đã biến điều không thể thành có thể, đã đưa những đôi giày được thiết kế ở một miền quê trở thành một biểu tượng không chỉ của một dân tộc mà đã tạo nền móng lịch sử của ngành công nghiệp thể thao hiện đại.
Cũng chính từ đây, Adi Dassler được xem như là người đầu tiên ứng dụng việc sử dụng hình ảnh của những vận động viên tên tuổi để kết hợp với sản phẩm của doanh nghiệp tạo nên sức cộng hưởng mạnh mẽ đến các chiến dịch marketing – tiếp thị hiện đại như ngày nay.
Khi con thuyền vươn ra biển lớn và bị chệch khỏi lộ trình
adidas đánh dấu cột mộc đã sản xuất 30 loại giày dành cho 7 môn thể thao riêng biệt vào năm 1937 với gần 100 nhân công. Đang trên đà tăng trưởng thần tốc, Adi Dassler phải tạm dừng việc kinh doanh vìThế Chiến Thế giới thứ 2 bùng nổ.
Năm 1948 Adi Dassler đã không gục ngã và quyết gây dựng lại cơ đồ với con số 47 nhân công. Adi Dassler chính thức đăng kí thương hiệu “adidas” vào ngày 18 tháng 8 năm 1949.
Không thể phủ nhận rằng, nếu Adi Dassler có tài năng hơn người về việc thiết kế những đôi giày tân tiến thì người con trai của ông là Horst Dassler là bậc thầy về mặt tiếp thị và cũng như “cảm quan” về thị trường. Sau cái chết của Adi Dassler vào năm 1978, Horst tiếp tục chèo lái con thuyền tiếp tục vượt sóng. Tuy nhiên, 9 năm sau, Horst Dassler cũng đã qua đời ở tuổi 51.
Khi quy mô công ty đạt đến một độ lớn nhất định, sự mất mát to lớn của những người đã sáng lập nên hãng thể thao danh tiếng đã để lại một cú sốc không nhỏ đối với thế giới mà còn với những nhân viên đang làm việc tại tập đoàn này nói chung. Bắt đầu xuất hiện những lơi lỏng về triết lí kinh doanh trong nội bộ adidas, những đường lối phát triển sản phầm một cách dàn trải, niềm tin của nhân viên vào lãnh đạo không còn mặn mà, báo hiệu cho một thời kì chuyển mình sắp đến.
Theo: Brandsvietnam