Quỹ Singapore mua cổ phần Vietcombank
Quỹ đầu tư của Singapore, GIC Pte Ltd, hôm thứ Hai nói sẽ mua 7,73% cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng có mức vốn hóa cao nhất Việt Nam.
Theo thỏa thuận ghi nhớ được ký kết hôm 29/8 giữa hai bên tại Diễn đàn Doanh nghiệp Singapore-Việt Nam, GIC sẽ mua gần 306 triệu trong tổng số gần 360 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ mới của Vietcombank như một phần trong thương vụ không được tiết lộ tổng giá trị.
Tuy nhiên, một số nguồn tin nói rằng số tiền trong giao dịch này là vào khoảng 400 triệu đô la Mỹ, theo Wall Street Journal.
Tin tức nói thỏa thuận được trông đợi sẽ hoàn tất vào quý tư năm nay.
"Khoản đầu tư này cho thấy sự tin tưởng của chúng tôi đối với tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam," Amit Kunal, giám đốc phụ trách mảng đầu tư trực tiếp của GIC tại Đông Nam Á trong lĩnh vực cổ phần tư nhân và cơ sở hạ tầng, nói.
Hiện GIC quản lý khoảng 344 tỷ đô la, theo Viện Quỹ đầu tư Quốc gia (Sovereign Wealth Fund Institute), và là quỹ quản lý đầu tư quốc gia lớn thứ tám trên thế giới.
Quỹ này hồi tháng trước cảnh báo về tình hình môi trường đầu tư khó khăn, lâu nay đã tìm kiếm cơ hội tại các thị trường đang nổi, theo Wall Street Journal.
Hồi đầu năm nay, GIC đã đồng ý đầu tư 387 triệu đô la vào PT Trans Retails, một nhà bán lẻ và là hãng điều hành chuỗi siêu thị ở Indonesia.
Hồi 2013, cùng với tập đoàn tài chính Ayala Corp của Philippines, quỹ chi 680 triệu đô la để mua gần 10% cổ phần tại Ngân hàng Philippines Islands, là đơn vị tài chính chuyên cho vay lớn thứ ba của Philippines.
Giới đầu tư nước ngoài quan tâm
Với thương vụ mới, Vietcombank nay có thêm một nhà đầu tư nước ngoài nữa, bên cạnh Ngân hàng Nhật Bản Mizuho vốn đã nắm 15% cổ phần.
Hồi 2011, việc đầu tư hơn 567 triệu đô la Mỹ vào Vietcombank là khiến Mizuho trở thành nhà đầu tư nước ngoài chi nhiều tiền nhất tính đến tới thời điểm đó trong hoạt động mua bán-sáp nhập tại Việt Nam.
Quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong mỗi ngân hàng Việt Nam được giới hạn ở mức tối đa là 30%, và thỏa thuận giữa GIC với Vietcombank sẽ cần được giới chức phê chuẩn trước khi có giá trị thực hiện.
Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức trong chuyến thăm chính thức ba ngày của Chủ tịch nước Việt Nam tới Singapore, 28-30/8/2016; lễ ký kết giữa GIC với Vietcombank được thực hiện sự chứng kiến của Chủ tịch Trần Đại Quang và Bộ trưởng Công Thương Singapore Iswanran.
Thỏa thuận mới giữa Vietcombank và GIC cho thấy sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng, Wall Street Journal nói.
Hồi cuối năm ngoái, tập đoàn Singha của Thái Lan đã đạt thỏa thuận chi 1,1 tỷ đô la mua cổ phần của một số công ty con thuộc tập đoàn Masan của Việt Nam.
Trong tháng Bảy vừa rồi, chính phủ Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về quyền sở hữu của nước ngoài tại Vinamilk, vốn đã áp dụng từ lâu nay, một quyết định mà Wall Street Journal đánh giá là sẽ càng làm tăng sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài.
Nguồn: BBC