Ringgit trở thành đồng tiền mạnh nhất châu Á trong quý II
Đồng ringgit của Malaysia là đồng tiền mạnh nhất châu Á trong quý II/2017, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và sự can thiệp của ngân hàng trung ương nước này đối với hoạt động của các nhà đầu cơ tiền tệ.
Tài sản của Malaysia đang được quan tâm trở lại, do các nhà đầu tư tập trung vào những dấu hiệu khuyến khích của nền kinh tế đang phục hồi thay vì bê bối liên quan tới chính phủ nước này.
Đồng ringgit là đồng tiền mạnh nhất châu Á trong quý này, tăng gấp hai lần so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Trong khi các quỹ đầu tư quốc tế đã mua cổ phiếu Malaysia nhiều nhất cho tới thời điểm hiện tại so với cùng kỳ năm 2013, và nguồn tiền ròng chảy vào thị trường trái phiếu của Malaysia tăng trong tháng 4 và 5.
Malaysia đã bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra quỹ đầu tư quốc gia 1Malaysia Development Bhd (1MDB) liên quan tới Thủ tướng Malaysia Najib Razak, nhưng xuất khẩu quốc gia tăng lên 2 con số đã giúp vực dậy nền kinh tế quốc gia này. Cụ thể, xuất khẩu tăng 5,6% trong quý I/2017, mức tăng nhiều nhất kể từ đầu năm 2015.
“Với các điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện ở Malaysia, triển vọng tổng quan của quốc gia này sẽ trở nên tích cực hơn trong giữa năm 2017, dù lo ngại chính trị và tham nhũng vẫn tồn tại. Chỉ cần vẫn thấy sự cải thiện từ các số liệu vĩ mô với sự ủng hộ của điều kiện toàn cầu và giá năng lượng ổn định, chúng tôi sẽ vẫn giữ lập trường tích cực đối với Malaysia một cách thận trọng”, Hakan Aksoy, nhà quản lý quỹ đầu tư ở công ty quản lý đầu tư Pioneer, nhận định.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 2,48 tỷ USD trị giá cổ phiếu của Malaysia trong năm nay, dòng vốn chảy vào cổ phiếu lớn nhất ở Đông Nam Á. Chỉ số FTSE Bursa Malaysia lên cao nhất trong hai năm vào ngày 16/6 nhờ cổ phiếu ngành công nghệ, ngân hàng và xây dựng tăng điểm.
Theo nhà đầu quản lý quỹ đầu tư Alan Richardson (Hồng Kông), Samsung Asset Management mua cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và xây dựng của Malaysia trong vụ đặt cược chính phủ nước này sẽ tiến hành kích thích nền kinh tế trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Trong khi đó,không động đến cổ phiếu ngành công nghệ và hàng hóa.
Thị trường chứng khoán tăng điểm nhờ đồng ringgit phục hồi, tăng từ mức thấp nhất 19 năm. Sau khi bỏ lỡ sự phục hồi sớm trước đó, ringgit củng cố nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và lo ngại giảm sau khi ngân hàng trung ương Malaysia ngăn chặn các nhà đầu cơ tiền tệ. Ringgit giao dịch ở mức 4,2943 ringgit/USD vào lúc 10h51 (giờ địa phương) ở Kuala Lumpur, tăng 0,1% so với hôm thứ Tư (28/6).
Các nhà đầu tư trái phiếu cũng quay trở lại. Trái phiếu của Malaysia thu hút hơn 16 tỷ ringgit (tương đương 3,7 tỷ USD) trong tháng 4 và 5, sau khi ghi nhận dòng vốn chảy ra nước ngoài trong hai năm. Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm 57 điểm cơ bản xuống 3,89% kể từ khi chạm đỉnh 8 năm vào tháng 11/2016.
Mặc dù vậy, không phải tất cả mọi người đều bị thuyết phục về sự phục hồi của thị trường Malaysia. Công ty Nomura đánh giá thấp cổ phiếu của Malaysia vì nghi ngờ về khả năng duy trì của động lực tăng trưởng kinh tế.
Theo Lyly Cao/Kinh tế & Tiêu dùng