Tạo hành lang pháp lý cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành soạn thảo Nghị định quy định chi tiết về vấn đề này để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân nhỏ/nhà đầu tư thiên thần cùng nhau góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Thiếu khung pháp lý về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Để có thể khởi nghiệp thành công, thì vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ một start-up nào. Tuy nhiên, với bản chất rủi ro lớn của các start-up, thì các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn ngân hàng hầu như không thể.
Vì vậy, các start-up Việt Nam thường huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức chuyên đầu tư vào khởi nghiệp, thậm chí đầu tư vào các cá nhân/nhóm cá nhân chưa thành lập doanh nghiệp mà mới chỉ đang phát triển sản phẩm dịch vụ.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư này lại có nhược điểm là không lớn, hạn chế sự phát triển của các start-up. Vì vậy, nhu cầu huy động vốn qua các kênh, như: công ty đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm là vô cùng cấp thiết để cung cấp nguồn lực nuôi dưỡng thành công các ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Nhu cầu vốn của các start-up rất lớn |
Theo ghi nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, chưa xác nhận địa vị pháp lý, mô hình tổ chức, hoạt động, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan.
Dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư muốn thành lập một công ty chuyên đi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng khó vì chưa được quy định ở văn bản nào. Do đó, từ giữa năm 2014 đến nay, chỉ có một số nhà đầu tư thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, như: Seedcom và FPT Ventures.
Bên cạnh đó, cũng qua khảo sát thực tiễn, hiện có nhiều nhà đầu tư tư nhân/đầu tư thiên thần có nhu cầu góp vốn hình thành quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khung pháp lý quy định thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán theo Luật Chứng khoán.
Trong khi đó, để thành lập một quỹ đầu tư theo mô hình quỹ đầu tư chứng khoán, thì phải đáp ứng các điều kiện thành lập rất cao. Chính vì vậy chưa tạo điều kiện để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân nhỏ/nhà đầu tư thiên thần cùng nhau góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Sẽ có nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo
Trước nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu cụ thể hóa Điều 18, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành soạn thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị định ban hành nhằm xác định địa vị pháp lý của các công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo mà hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng đặt ra nguyên tắc chung cho các bên liên quan bao gồm: nhà đầu tư là cá nhân và tổ chức; các công ty khởi nghiệp sáng tạo trong hoạt động đầu tư; khuyến khích, định hướng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác với các hoạt động đầu tư khác, hạn chế các khả năng trục lợi, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, giúp nhà đầu tư muốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo không bị lợi dụng
Ngoài ra, còn có nhiệm vụ khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua khuyến khích thành lập các công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo chính là khuyến khích đầu tư tạo ra giá trị thương phẩm, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.
Theo dự thảo Nghị định gồm có 6 chương: Chương I: Quy định chung; Chương II: Quy định các nội dung về công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Chương III: Quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Chương IV: Quy định cơ chế đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước; Chương V: Quy định về quản lý nhà nước đối với đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Chương VI: Quy định về nội dung tổ chức thực hiện nghị định./.