Thị trường có trên 30 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa 1 tỷ USD
Nếu như 5 năm trước, trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chỉ có doanh nghiệp (DN) niêm yết có vốn hóa hơn 1 tỷ USD thì đến đầu năm 2018, TTCK Việt Nam sẽ có khoảng 30 DN niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Không những thúc đẩy cổ phần hóa, Chính phủ còn tháo gỡ các rào cản và tăng cường cải cách trong cơ chế cổ phần hóa và đẩy nhanh việc niêm yết các DN có quy mô vốn hóa lớn, đồng thời với việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước - tạo thêm nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cơ hội trong một nền kinh tế tăng trưởng nhanh
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới, được thúc đẩy bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Cơ cấu dân số trẻ, trình độ văn hóa cao, cũng như chi phí lao động có kỹ năng ở Việt Nam trung bình chỉ bằng 1/3 ở Trung Quốc đã giúp Việt Nam trở thành địa điểm chính thu hút vốn đầu tư trực tiếp của châu Á. Hiện nay, FDI đóng góp 25% cho nền kinh tế và Việt Nam cũng đã và đang theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế thúc đẩy bởi xuất khẩu.
Trong hơn 1 thập kỷ qua, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các nước. Đến thời điểm này điện thoại thông minh, hàng điện tử và máy tính là những mặt hàng hiện chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu của Việt Nam so với chỉ 6% so với 6 năm trước đây.
Từ năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều nỗ lực tạo sự ổn định cho nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng dài hạn và ổn định. Kết quả là tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống mức một con số từ mức đỉnh 28% vào năm 2008. Dự trữ ngoại hối tăng và đạt mức cao nhất 39,2 tỷ USD. Việt Nam đã duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong 5 năm qua.
Tăng trưởng kinh tế hiện nay là 5,7% với cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á, trong 3 năm gần đây, tổng mức đầu tư công và tư cho cơ sở hạ tầng đạt trung bình 5,7% GDP.
Đây là mức chi cho cơ sở hạ tầng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Để so sánh, Indonesia và Philipinnes có tỷ lệ chi thấp hơn 3% trong khi tỷ lệ này ở Bangladesh và Malaysia dưới 2%.
Liên quan đến dòng chảy vốn vào TTCK, tháng 6 vừa qua, MSCI đã nâng tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam trong MSCI frontier 100 index từ 8,09% lên tới 12,63%.
Các cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Một trong những việc được đẩy mạnh là thúc đẩy tính minh bạch và quản trị của DN, cũng như của TTCK.
Đây là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư tổ chức khi cân nhắc đầu tư. Đối với các DN đại chúng, việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ giúp các nhà đầu tư chuyên nghiệp có cơ sở so sánh tốt hơn giữa DN trong nước và DN quốc tế, từ đó, có thể đưa ra những quyết định đầu tư hợp lý.
Thực tế, đầu tư vào thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng, đặc biệt khi mức định giá của thị trường vẫn còn thấp hơn so với các thị trường lân cận và tỷ ROE cũng như lợi tức cao. Những lĩnh vực nhiều tiềm năng có thể xem xét đầu tư trong thời gian tới là tiêu dùng, bán lẻ, cơ sở hạ tầng, cảng vận, công nghệ, công nghiệp, dược và tiện ích.
Theo: tinnhanhchungkhoan