Tính khiêm tốn của giới siêu giàu Việt khiến địa ốc 5 sao èo uột
Nhu cầu mua bất động sản hạng sang tại Việt Nam tăng trưởng chậm không phải vì thiếu người giàu và siêu giàu mà vì nhóm khách này không thích khoa trương.
Chia sẻ tại tọa đàm “Nhận diện Xu hướng và Tiềm năng phát triển Bất động sản hàng hiệu” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng nay (11-10), nhiều chuyên gia có cùng quan điểm nhu cầu mua bất động sản (BĐS) hàng hiệu tại Việt Nam vẫn tăng trưởng chậm.
Lý do không phải do Việt Nam thiếu người giàu mà do giới siêu giàu Việt không muốn khoa trương.
Nhận định về tiềm năng của BĐS phân khúc siêu sang, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết: "Trên thế giới, loại sản phẩm BĐS hàng hiệu, gắn với các dịch vụ tiện ích chuẩn 5 sao đã có từ rất lâu.
Tại thị trường Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, mô hình BĐS hàng hiệu cũng đã xuất hiện trên một thập kỷ.
Thực tế là trong hai năm vừa qua khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nhưng nhu cầu BĐS kén khách này vẫn hiện hữu và không bị ảnh hưởng quá nhiều".
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển & Kinh doanh cho biết thêm: "Trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.
Đồng thời, nhóm người giàu và người cực giàu trong nước cũng tăng tương ứng. Nói như vậy để thấy rằng BĐS hàng hiệu tại Việt Nam chưa mạnh không phải do người dân không có tiền mà chủ yếu do chưa thể thay đổi thói quen”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam cho rằng người Việt có tính khiêm tốn cao nên không muốn khoa trương.
“Nhu cầu là rất lớn nhưng nhiều người ngại mua do tính khiêm tốn cao. Chỉ khi nào người dân Việt vượt qua được sự e dè, không sợ người khác nói mình giàu thì lúc ấy BĐS hàng hiệu sẽ phát triển mạnh mẽ” - ông Bảo nhìn nhận.
Điều đó cho thấy cơ hội để phát triển mảng BĐS hạng sang tại Việt Nam rõ ràng là vẫn còn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo bà Dung để phát triển BĐS hàng hiệu vẫn còn nhiều khó khăn. Thứ nhất, do đây là mô hình mới nên cần làm thế nào để giới thiệu tới người mua hay nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam. Làm cách nào để phân khúc này trở thành xu hướng bền vững?
Thứ hai, khó khăn mà các quốc gia khác đã trải qua là phát triển sản phẩm thế nào để thực sự mang nghĩa đẳng cấp theo đúng định nghĩa mô hình đưa ra.
Giới đầu tư, đối tượng mà thị trường này đang nhắm tới là người giàu, siêu giàu. Họ có yêu cầu cao, khắt khe về chất lượng, quy cách sản phẩm, đòi hỏi đội ngũ phát triển sản phẩm, thiết kế, xây dựng, đầu tư phải phát triển được sản phẩm hoàn hảo.
Thứ ba, cần hiểu rằng nên phát triển ở quy mô nào, định vị giá ra sao cho phù hợp với thị trường. Rất khó để định vị sản phẩm, biết được quy mô giai đoạn đầu sao cho hợp lý mà vẫn mang lại hiệu quả tối ưu.
"Khi chúng ta phát triển sản phẩm hàng hiệu thì có yêu cầu khắt khe về chất lượng, quy cách sản phẩm nên phải chọn đối tác quan trọng để kết hợp, đưa ra sản phẩm hoàn hảo. Việc này vô cùng khó khăn nên nguồn cung trên thị trường đến nay vẫn vô cùng khan hiếm" - bà Dung nhấn mạnh.
Theo: PLO