Từ trường Trái đất không ngừng bị rò rỉ, sự sống đối mặt hiểm nguy?
Các nhà khoa học nghiên cứu về phần lõi Trái đất mới đây đã có phát hiện liên quan đến từ trường, tấm chắn vô hình bảo vệ toàn bộ sự sống.
Theo RT, từ trường của Trái Đất là một tấm chắn vô hình khổng lồ, bảo vệ sự sống khởi những hạt nguy hiểm từ vũ trụ. Nguồn gốc của từ trường lại hình thành từ lõi ở trung tâm của Trái Đất.
Lõi Trái đất bắt đầu ở độ sâu 2.900km với nhiệt độ hơn 5.000 độ C. Ứớc tính 50% nhiệt lượng núi lửa tỏa ra môi trường đến từ lõi Trái Đất. Hoạt động núi lửa là cơ chế làm mát chính của hành tinh.
Phần lõi Trái đất là một hợp chất cấu tạo từ sắt và niken, cùng với các nguyên tố như bạch kim, vàng và vonfram. Các nhà khoa học từ hàng thập kỷ qua đặt câu hỏi rằng liệu có sự trao đổi vật chất nào giữa phần lõi và lớp phủ nằm gần bề mặt Trái đất hay không?
Kết quả nghiên cứu cho thấy, không chỉ tồn tại sự rò rỉ vật chất mà hoạt động này đã xuất hiện từ cách đây 2,5 tỉ năm.
Nguyên nhân gây ra sự rò rỉ vẫn còn là bí ẩn. Nó ảnh hưởng như thế nào đến từ trường và sự sinh tồn của nhân loại thì vẫn phải chờ các nhà khoa học tìm hiểu thêm.
Nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học ở Pháp, Canada, Mỹ và Úc phát hiện dấu vết của vonfram rò rỉ vào lớp phủ trong một thời gian dài.
Các thí nghiệm cho thấy sự gia tăng nồng độ oxy ở ranh giới lõi và lớp phủ có thể khiến vonfram tách ra khỏi lõi. Ngoài ra, quá trình hóa rắn bên trong lõi Trái đất sẽ làm tăng nồng độ oxy ở vòng bên ngoài.
Lõi Trái Đất ban đầu là kim loại lỏng hoàn toàn, đang dần được làm mát và trở nên đông cứng lại. Các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu sẽ giúp con người hiểu biết hơn về quá trình biến đổi của lõi Trái đất và tác động của nó đến từ trường trong tương lai.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Geochemical Perspective.
Theo danviet