Người Venezuela đang cạn kiệt đồ ăn, bệnh viện chật ních trẻ em ốm mà không đủ thuốc men, còn điện nước cũng chẳng được bảo đảm.
Venezuela từng là cường quốc giàu nhất khu vực Mỹ Latin và cũng là nước có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới. Khi ấy, dầu mỏ được xem là "giếng tiền" vô tận của quốc gia này. Thậm chí, cựu Tổng thống Mỹ - Bill Clinton còn chọn Venezuela là điểm dừng đầu tiên trong chuyến thăm khu vực này năm 1997.
Nhưng sau đó, bất bình đẳng tại Venezuela ngày càng gia tăng. Tầng lớp giàu có kiểm soát mọi thứ, trong khi phần đông dân số ngày càng nghèo đói. Hiện tại, chính phủ Venezuela đã cạn kiệt tiền, giá cả tăng chóng mặt. Mọi thứ tại đây đều bị đảo lộn.
Chính phủ nước này không cung cấp được bất kỳ số liệu thống kê đáng tin cậy nào, bao gồm cả tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Các quan chức nhận hàng triệu USD hối lộ trong các dự án xây dựng, trong lúc Chính phủ phải vật lộn với nhiều khoản nợ cần trả. Trong khi đó, giá dầu thô - mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của quốc gia này lại đang lao dốc.
*Cuộc chiến bánh mỳ ở Venezuela
Năm 2014, dầu thô có giá khoảng 100 USD một thùng. Sau đó, một vài quốc gia bắt đầu tăng sản lượng khai thác với công nghệ mới. Tuy nhiên, nhu cầu của các doanh nghiệp trên toàn cầu lại không tăng. Vì vậy, giá dầu giảm mạnh, xuống khoảng 26 USD một thùng năm 2016.
Hiện tại, dầu thô đã hồi phục lên quanh mức 50 USD một thùng. Dù vậy, điều này cũng đồng nghĩa nguồn thu chính của Venezuela chỉ bằng một nửa thời điểm năm 2014.
Trong bối cảnh giá dầu thấp và tiền mặt thiếu hụt trầm trọng, việc kiểm soát giá cả trở thành một vấn đề rất lớn với chính phủ Venezuela. Quốc gia này in thêm tiền với tốc độ chóng mặt, khiến đồng bolivar mất giá.
Một chủ tiệm bánh ở Caracas phải cân tiền vì đồng bolivar mất giá quá mạnh. Ảnh: Bloomberg |
Lạm phát ngày càng trở nên tồi tệ. Năm 2010, 1 USD đổi được 8 bolivar. Còn hiện tại, nó có thể đổi được 8.000 bolivar, theo tỷ giá hối đoái không chính thức được hầu hết người dân Venezuela sử dụng. Giá cả tại quốc gia này được dự báo có thể tăng 2.000% trong năm tới.
Để bắt kịp mức lạm phát, Tổng thống Maduro đã tăng lương tối thiểu 3 lần trong năm nay. Động thái này là sự trợ giúp ngắn hạn cho người nghèo. Nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng nó sẽ tạo ra nỗi đau dài hạn dưới hình thức một đồng tiền vô giá trị.
"Nền kinh tế Venezuela thực sự hỗn loạn. Nó đã sụp đổ hoàn toàn và không thể phục hồi", Alberto Ramos - chuyên gia kinh tế khu vực Mỹ Latin tại Goldman Sachs nhận định.
*Siêu thị thành chợ đen ở Venezuela
Tổng thống Maduro đã đổ lỗi cho các đối thủ và các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến nền kinh tế Venezuela sụp đổ. Đồng thời, thái độ kém thân thiện của ông với các doanh nghiệp nước ngoài cũng tạo nên một cuộc di cư tập thể. Pepsi, General Motors, United Airlines đều đã dừng hoạt động tại quốc gia này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tỷ lệ thất nghiệp tại Venezuela có thể lên tới 25% trong năm nay.
Vài năm trước, ông Maduro đã chọn cách trả nợ cho Trung Quốc và Nga thay vì mua thực phẩm, thuốc men từ nước ngoài. Vì thế, nạn đói đã bùng phát và số người tử vong cũng gia tăng trong các bệnh viện. Nước này khan hiếm thực phẩm đến mức trung bình mỗi người dân sụt mất gần 9 kg trong năm ngoái, theo kết quả của một cuộc điều tra quốc gia.
Venezuela nhập khẩu đồ ăn chủ yếu từ Brazil, Colombia và Mexico, vì nước này đã ngừng sản xuất nông nghiệp cách đây vài năm. Tuy nhiên, theo hãng nghiên cứu Panjiva, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu lương thực từ 3 nước này sang Venezuela đã giảm 61% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, sự thiếu thốn trong lĩnh vực y tế đã khiến 756 phụ nữ chết ngay sau khi sinh nở và gần 11.500 trẻ sơ sinh tử vong so với năm ngoái. "Chúng tôi thậm chí không có thuốc men, máy chụp X-quang, máy chụp CT để phục vụ người bệnh", bác sỹ Huniades Urbina-Medina - Trưởng khoa nhi tại bệnh viện Niños J.M. de los Rios tại thủ đô Caracas cho biết.
Không chỉ thiếu lương thực, dược phẩm, người dân Venezuela nhiều khi còn không có điện và nước sinh hoạt.
Các cuộc khủng hoảng đã khiến Venezuela chảy máu chất xám nghiêm trọng. Gần 2 triệu người đã rời khỏi đất nước này từ năm 1999, theo nghiên cứu của Giáo sư xã hội học Tomas Paez tại Đại học Central Venezuela. Trong khi đó, quốc gia Nam Mỹ này chỉ có 30 triệu dân.
"Rất nhiều người ở Venezuela đang chết đói. Tất cả như một tấn bi kịch vậy. Tôi sẽ gọi họ là một quốc gia đang sụp đổ", Eric Farnsworth - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Mỹ kết luận.
Anh Tú (theo CNN)