Vì sao khó thay đổi thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán?
Việc thanh toán không dùng tiền mặt được xác định là giúp giảm chi phí, mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế… Nhưng trên thực tế, người dân vẫn thích xài tiền mặt. Vì sao?
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018. Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2017. Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017. Tuy nhiên, nhìn chung thì việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn hạn chế khi đa phần người dân vẫn có thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán.
Các chuyên gia góp ý về thanh toán không dùng tiền mặt
Trong khi đó, khảo sát của Công ty kiểm toán PwC đối với 27 nước đã ghi nhận, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.
Tỷ lệ người dân dùng tiền mặt thanh toán vẫn rất cao
Tuy nhiên khảo sát của Shopee tại 7 nước mà đơn vị này đang hoạt động thì Việt Nam là nước có tỉ lệ thanh toán tiền mặt cao nhất.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn ở mức khiếm tốn. Mỗi ngày có vài chục ngàn đơn hàng thanh toán không dùng tiền mặt. “Người tiêu dùng của chúng tôi tuyệt đại đa số là người trẻ dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, ở các nước thì những người trẻ không dùng tiền mặt trong thanh toán, còn Việt Nam thì lại dùng tiền mặt với tỷ lệ rất cao", ông Tuấn Anh nói.
Nguyên nhân khiến tỉ lệ người tiêu dùng Việt Nam dùng tiền mặt trong thanh toán, ngoài “thói quen tiêu dùng” thì một nguyên nhân lớn khác là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt.
“Tôi quan sát, quy trình xây dựng ví điện tử vẫn có nhiều rào cản. Chẳng hạn, trên app của những đơn vị thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua 8 bước. Đây là hạn chế thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng", ông Tuấn Anh nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhận định, có thể do sự am hiểu về thanh toán không tiền mặt trong đại đa số người dân còn rất mông lung, họ chỉ nghĩ thanh toán không tiền mặt chỉ có quẹt thẻ nhưng trên thực tế nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt khác như quét mã QR, ví điện tử… Một khảo sát trước đây, 80% khách hàng không kể ra được hết các loại hình thanh toán không tiền mặt, rất nhiều người chưa kể đến 50%, đây là vấn đề cần được truyền thông sâu rộng để người dân am hiểu thêm về cách thanh toán này.
“Hiện nay, nhiều hoá đơn có giá trị nhỏ thì nhiều người vẫn trả bằng tiền mặt. Bên cạnh yếu tố truyền thông, rào cản mà chúng ta cần tháo gỡ cả tổng thể vi mô và vĩ mô là cần chấp nhận một tỉ lệ rủi ro trong thanh toán không tiền mặt nếu không sẽ mất cơ hội. Ngoài ra, cũng cần tháo gỡ các vấn đề khác như chính sách phí thanh toán, chuẩn chung kết nối kỹ thuật giữa các ví điện tử vì hiện nay có quá nhiều đầu mối, vì thế quy hoạch lại hệ thống thanh toán cần tập trung, đồng bộ”, ông Đức nói.
Nhìn nhận việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam vẫn còn thấp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng, ở các nước, Chính phủ họ rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán điện tử, bởi những lợi ích cơ bản. Cụ thể như tiết kiệm thời gian chi phí và độ an toàn cao hơn cho người tiêu dùng. Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt... Còn với Chính phủ, thanh toán điện tử giúp tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm...
“Tuy chúng ta đã nhìn thấy được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhưng thực tế vẫn gặp khó bởi thói quen tiêu dùng của người dân, thêm vào đó, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng,... Đây là điều mà các cơ quan quản lý của Việt Nam cần lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt", Phó thống đốc nói.
Làm sao để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt?
Hướng tới một xã hội không dùng tiềm mặt, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, Ngân hàng Nhà nước hiện đang định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số… Đặc biệt, phải xây dựng thành công hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số, đặc biệt có khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ; tăng cường hợp tác ngân hàng - Fintech để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng.
“Các ngân hàng với mục tiêu lấy khách hàng là trọng tâm nên việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ phải đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng trước những rủi ro có thể xảy ra”, Phó Thống đốc chỉ đạo.
Bà Lê Thị Thuý Sen, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước, cho biết thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với rất nhiều cơ quan truyền thông để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại VN, nâng cao nhận thức của người dân. Đây là vấn đề rất quan trọng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
“Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là sẽ truyền thông chia theo lứa tuổi, từ học sinh tiểu học, trung học phổ thông, đối tượng vùng sâu, vùng xa, ít khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng để truyền thông về tiện ích của thanh toán không tiền mặt, cũng như việc làm sao đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động này. Để đạt hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước mong muốn các cơ quan bộ ngành, trung gian thanh toán cùng phối hợp để triển khai các đề án của Chính phủ trong đó có đề án thanh toán không dùng tiền mặt, đề án tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính… để góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính cho người dân”, bà Sen, chia sẻ.
Theo danviet