Vì sao sàn nhà "vô tri vô giác" của người Nhật lại có thể chống trộm cực kì hiệu quả?
Ngay từ thế kỷ 17, người Nhật đã nghĩ ra biện pháp chống kẻ lạ đột nhập bằng sàn nhà “biết hót” độc đáo và rất hiệu quả.
Người Nhật vốn nổi tiếng với những phát minh sáng tạo, độc đáo. Ngay từ thế kỷ 17, họ đã nghĩ ra cách làm sàn nhà báo động xung quanh những khu vực trọng yếu của cung điện, đền chùa để phòng trộm, người lạ đột nhập.
Kiểu sàn nhà độc đáo này được gọi là “Sàn nhà chim họa mi” (tiếng Nhật là Uguisubari). Kiểu sàn nhà nhìn không khác gì các loại sàn nhà khác nhưng nó sẽ "phát" ra tiếng hót như chim họa mi theo từng bước chân của người đi trên đó. Nhờ đó, nó dễ dàng báo động cho chủ nhà khi có người đến gần.
Sàn nhà "thông minh" nhìn không khác gì sàn thường nhưng lại biết báo động chống trộm.
Bí mật của “hệ thống báo động” này nằm phía dưới các tấm ván gỗ. Các thanh khung đỡ dầm cho sàn nhà được nối với nhau bằng những chiếc đinh dài để chịu lực. Tuy nhiên, những chiếc đinh này không sát hẳn nhau mà hơi cách ra một chút. Chính nhờ vậy mà khi có lực tác động xuống mặt sàn, thanh đòn bẩy ở dưới sẽ cọ xát với những chiếc đinh, tạo ra tiếng động tương tự như tiếng hót của chim họa mi.
Nguyên lý hoạt động của sàn nhà "chim họa mi".
Một trong những địa điểm nổi tiếng với kiểu sàn nhà họa mi là cung điện Ninomaru được xây từ năm 1603, thuộc lâu đài Nijo, nơi ở của tướng quân Tokugama. Để đề phòng những kẻ ám sát tướng quân, các thợ mộc và thợ thủ công lành nghề nhất đã được tập hợp để tạo ra loại sàn nhà “báo động” này. Theo nhiều nguồn tin lịch sử, loại sàn này được tạo ra chủ yếu đề để phòng ninja, những người vốn nổi tiếng với khả năng đi lại nhẹ nhàng, thoắt ẩn thoắt hiện.
Hành lang báo động tại cung điện Ninomaru.
Ngày nay, cung điện Ninomaru đã mở cửa đón khách tham quan hàng ngày. Nhiều khách du lịch không đọc biển chỉ dẫn đã hết sức ngạc nhiên khi đặt chân lên sàn nhà và chúng tạo ra “tiếng hót” vui tai qua mỗi bước chân.
Theo : EVA