Vì sao Trump đổi cách gọi khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Sử dụng khái niệm "Ấn Độ - Thái Bình Dương", chính quyền Trump muốn đề cao vai trò của Ấn Độ trong chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong chuyến công du đầu tiên tới 5 quốc gia châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đưa ra khái niệm "Ấn Độ - Thái Bình Dương" để thay thế cho cụm từ "châu Á – Thái Bình Dương" vốn được chính quyền tiền nhiệm sử dụng rộng rãi. Theo các chuyên gia phân tích, cách "đổi tên" này của ông Trump phần nào phản ánh cách nhìn của Mỹ đối với khu vực, theo SCMP.
Trong bài phát biểu tại hội nghị APEC ở Việt Nam, ông Trump nhiều lần đề cập tới "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" và khẳng định "mọi quốc gia phải chơi theo luật". Ông cũng sử dụng thuật ngữ này khi gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua.
Theo các chuyên gia phân tích, cách lựa chọn ngôn từ này của ông Trump phản ánh sự thay đổi của Mỹ trong cách nhìn nhận về khu vực, chuyển trọng tâm từ Trung Quốc, tâm điểm của khu vực "châu Á – Thái Bình Dương", sang Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Tầm nhìn mới này mở ra khả năng Mỹ xây dựng một liên minh "tứ trụ" trong khu vực gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Điều này cũng thể hiện mong muốn của Mỹ vào một Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Trong bối cảnh Trung Quốc đang không ngừng phát triển cả về kinh tế lẫn quân sự, Ấn Độ có thể là vùng đệm tiềm năng cho các nước nhỏ hơn, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Theo một quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ, việc sử dụng thuật ngữ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" giúp tăng cường thông điệp rằng an ninh khu vực được củng cố bằng tự do hàng hải trên biển. Nó cho phép Mỹ tập hợp những mối quan ngại về hai tuyến đường biển chính nối châu Á với Trung Đông và châu Âu.
Một quan chức cấp cao khác nói rằng cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" nhằm nhấn mạnh vai trò của Mỹ và Ấn Độ giống như hai "giá chặn sách" ở châu Á.
"Điều này rất tốt cho Ấn Độ vì nó cho thấy triển vọng về vai trò của nước này trong việc cân bằng hệ thống quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương", C. Raja Mohan, giám đốc Carnegie Ấn Độ, cho biết. "Nói một cách đơn giản, đây là cách để Mỹ bày tỏ rằng họ muốn một Ấn Độ có vai trò lớn hơn".
Liu Zongyi, chuyên gia cấp cao tại Viện Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho rằng việc ông Trump sử dụng thuật ngữ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" có ba lý do quan trọng.
Thứ nhất, chính quyền Trump muốn sử dụng thuật ngữ mới để phân biệt với chính sách "tái cân bằng sang châu Á – Thái Bình Dương" của người tiền nhiệm Obama. Thứ hai, đây được coi là câu trả lời của Mỹ cho những yêu cầu từ phía Nhật và các nước khác trong khu vực. Tokyo gần đây rất tích cực trong việc thiết lập một "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Thứ ba, Washington muốn tăng cường đáng kể tầm quan trọng của New Delhi trong chính sách khu vực, sử dụng Ấn Độ như một hàng rào kiểm soát quyền lực của Trung Quốc cũng như hỗ trợ cho cuộc chiến ở Afghanistan.
Rory Medcalf, hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, thì cho rằng khái niệm "Ấn Độ - Thái Bình Dương" được Mỹ đưa ra nhằm đối phó với chiến lược "Con đường Tơ lụa trên biển" xuyên suốt từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương của Trung Quốc.
"Logic ở đây là Trung Quốc đang vươn tới Ấn Độ Dương, nơi mọi cường quốc khu vực đều có lợi ích và hiện được coi là sân nhà của Ấn Độ. Thế nên việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ có thể được thực hiện trong khu vực rộng lớn hơn này, chứ không chỉ đơn thuần ở Đông Á", Medcalf nói.
Nguồn gốc
Theo Medcalf, "Ấn Độ - Thái Bình Dương" không phải là một khái niệm mới mẻ, bởi nó từng được các nhà ngoại giao Australia nhắc đến vào năm 2005, thậm chí có nguồn gốc từ thập niên 1960.
Mohan cho biết trong Thế chiến II, khu vực này được coi là một thể thống nhất. "Sau đó, vì cả Ấn Độ và Trung Quốc đều hướng nội, nên nó bị coi là tách biệt khỏi Đông Nam Á. Giờ đây chúng ta lại thấy khu vực này theo cách thống nhất hơn", Mohan nói.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng đề cập đến ý tưởng này khi giới thiệu về "trục chiến lược và kinh tế Mỹ" ở châu Á. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris cũng nhắc đến cụm từ này từ năm 2014 và sử dụng nó trong rất nhiều bài phát biểu. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề cập thuật ngữ này 19 lần trong bài phát biểu hồi tháng 10 về quan hệ với Ấn Độ.
Khái niệm này phần nào cũng đã được áp dụng trên thực địa. Ấn Độ đã tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ và Nhật, tổ chức các cuộc diễn tập tàu sân bay và tác chiến săn ngầm trên Ấn Độ Dương mùa hè vừa qua.
"Điều quan trọng là bây giờ nó đang được sử dụng ở các cấp độ cao nhất trong chính quyền Mỹ", ông nói. "Đây không phải là phát kiến của ông Trump. Nó đã được sử dụng bởi Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao. Tôi cho rằng nó sẽ còn tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ của ông Trump".
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster được coi là một trong những người tích cực nhất trong việc thúc đẩy khái niệm mới này. "McMaster là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất về thuật ngữ này", Aaron Connelly, chuyên gia tại Chương trình Đông Á thuộc Viện Lowy, nói. "Ông ấy xuất thân từ giới chiến lược. Ông ấy vừa là học giả vừa là quân nhân".
Trong khi đó, Trung Quốc lại tỏ ra không mấy ấn tượng với thuật ngữ mới được ông Trump đưa ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho rằng khu vực này vẫn có tầm quan trọng và tiềm năng lớn, bất chấp "khái niệm hay thuật ngữ nào được áp dụng".
Tờ Global Times thì đưa ra nhận định rằng thuật ngữ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" chỉ là cách Mỹ hối hả lôi kéo Ấn Độ, Nhật và Australia vào một liên minh để đối phó với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. "Mối quan hệ vội vàng này có thể chấm dứt sớm bởi chính sự gấp gáp của nó", tờ báo này viết.
Còn Takashi Terada, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Doshisha, Nhật Bản, cho rằng chính ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc với khả năng viết lại các quy tắc, thông lệ kinh tế hiện nay là động lực chính để kéo bốn quốc gia Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia xích lại gần nhau.
"Hiện nay chưa có một chính sách hay thể chế vững chắc nào được lập ra theo khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng nhiều khả năng khái niệm này sẽ nhanh chóng phát triển cùng nhiều yếu tố chiến lược hơn bằng cách tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng giữa bốn nước", Terada nhận định.
Theo: vnexpress