Việt Nam vẫn có một chỗ đững vững chắc trong mắt giới đầu tư nước ngoài
Mức độ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói riêng và tất cả các lĩnh vực khác nói chung.
Đâu là lý do khiến Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài?
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2016, tổng lượng vốn FDI thực hiện ước đạt 15,8 tỷ USD, đây được coi là kỷ lục mới của Việt Nam trong nỗ lực thu hút các nguồn vốn ngoại thời gian qua. Chưa kể, đến tháng 1/2017, riêng lĩnh vực BĐS đã thu hút 300 triệu USD vốn FDI. Những số liệu này đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nguồn vốn FDI tăng mạnh đã tạo điều kiện để thay đổi bộ mặt kinh tế đất nước. Minh chứng là các thành phố lớn của Việt Nam, trong đó phải kể đến Hà Nội và TP. HCM, đang “thay da đổi thịt” từng ngày khi ngày càng nhiều người dân đổ xô đến các khu vực trung tâm để sinh sống và làm việc, khi các tòa nhà cao tầng mọc lên nhanh chóng, “khoác một chiếc áo mới” cho toàn thành phố.
Có rất nhiều nhân tố thúc đẩy lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua như những thay đổi trong các chính sách, những nới lỏng trong các quy định... “Nền kinh tế với tốc độ phát triển mạnh mẽ nhờ sự ổn định về chính trị và chi phí lao động tương đối thấp so với các quốc gia khác trong khu vực”, ông Stephen Wyatt, Trưởng đại diện của JLL tại Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, dựa trên những đánh giá của JLL thì có 2 nhân tố chính giúp Việt Nam có thể chứng kiến một sự tăng trưởng nhanh chóng trong mức độ đầu tư nước ngoài.
BĐS bùng nổ, giữ chân các nhà đầu tư ngoại
Theo ông Wyatt, hiện nay sản xuất vẫn là khu vực chiếm phần lớn lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, khoảng 64% (số liệu năm 2016), tuy nhiên BĐS đang ngày càng khẳng định vai trò của mình khi chiếm 7% tổng số vốn FDI đổ vào lĩnh vực này, tương đương với khoảng 1,53 tỷ USD đăng ký mới vào 59 dự án.
Nhu cầu về các sản phẩm văn phòng, bán lẻ hay khách sạn tăng cao trên toàn thị trường chính là yếu tố thúc giục giới đầu tư ngoại quan tâm hơn và mạnh tay hơn trong các dự án BĐS.
Tại TP. HCM, tòa nhà được coi là cao nhất của Việt Nam, Vincom Landmark 81, đang được triển khai xây dựng. Trong khi đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657ha tọa lạc tại phía Đông của sông Sài Gòn được dự kiến sẽ trở thành khu trung tâm tài chính sôi động mới của thành phố trẻ. Bên cạnh đó, trong năm ngoái, Tập đoàn Takashimaya đã chính thức khai trương Trung tâm mua sắm Takashimaya tại Saigon Centre, một dự án phức hợp quy mô lớn của ông lớn Singapore, Keppel Land.
Còn tại Hà Nội, các nhà đầu tư cũng có thể cảm nhận được sự phát triển sôi động của khu vực văn phòng, bên cạnh đó các dự án phát triển đời sống đô thị mới như Starlake Tây Hồ Tây cũng đang phát triển mạnh mẽ.
Tại các thành phố thứ cấp như Đà Nẵng, các dự án condotel hay villas đang được xây dựng nhằm thu hút các nhà đầu tư trên thị trường nhà ở thứ hai.
Du lịch, ngành công nghiệp đầy triển vọng, đã và đang có những bước tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua chính là nhân tố chính thúc đẩy khu vực khách sạn phát triển. Minh chứng là sự xuất hiện của rất nhiều các dự án lớn trên thị trường. Đầu tiên phải kể đến đó là dự án Hội An South Integrated Resort đang bước vào thi công với giai đoạn đầu tiên được dự kiến là sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Bên cạnh đó, trong tháng 6 năm ngoái, Vịnh Hạ Long đã chính thức “sở hữu” một BĐS 5 sao đầu tiên là Khách sạn Wyndham Legend Hạ Long. Những dự án này ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch trong và ngoài nước đến với Việt Nam. Năm ngoái, theo số liệu thống kê, đã có khoảng 10 triệu lượt khách du lịch tới Việt Nam tham quan và nghỉ dưỡng. Trong đó, theo ông Watt, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc là những địa điểm du lịch lớn hút khách 2 năm qua.
Không riêng gì văn phòng, bán lẻ hay khách sạn, loại hình BĐS công nghiệp cũng đang “tận hưởng” khoảnh khắc “thăng hoa”. Các khu công nghiệp ở khắp các miền trên cả nước đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ nhờ nhu cầu tăng cao. Ví như tại tỉnh Long An, nhu cầu về các nhà máy hay những khu đất công nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ.
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, yếu tố hút vốn FDI
Bất chấp suy thoái đang gây ra những tác động tiêu cực đến các quốc gia khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng. Trong năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,2%, con số này được dự kiến là sẽ tăng lên mức 6,7% vào năm nay nhờ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tạo động lực thúc đẩy mức tiêu thụ tăng cao.
Theo Tập đoàn Tư vấn Boston, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng lên mức 33 triệu người vào năm 2020, trong đó, TP. HCM sẽ là nơi có tầng lớp này phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, sự trở lại ngày càng mạnh mẽ của dòng kiều hối cũng là nhân tố khởi tạo những góc phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam.
Những yếu tố về tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu học như vậy đã giúp hai thành phố lớn nhất của nước này là Hà Nội và TP. HCM đều có mặt trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới theo khảo sát của JLL dựa trên chỉ số City Momentum Index 2017, trong đó TP. HCM chiếm vị trí thứ 2 và Hà nội đứng thứ 8. Tuy nhiên, cả hai đô thị này cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì xếp hạng này về lâu về dài.
“Việc chuyển đổi sang các hoạt động kinh tế giá trị cao dựa trên yếu tố chủ yếu là công nghệ vẫn còn đang ở giai đoạn khởi sinh. Những vấn đề về tắc nghẽn giao thông hay ô nhiễm môi trường vẫn là trở ngại lớn đối với việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống cho người dân”, ông Jeremy Kelly, Giám đốc nghiên cứu toán cầu tại JLL cho biết.
Những thách thức như vậy đòi hỏi cần phải có những kế hoạch và chiến lược đầu tư đột phá để vượt qua. Hiện nay, với những nỗ lực tự do hóa môi trường kinh doanh bằng những bước đi cụ thể, Việt Nam có thể sẽ trở thành điển hình về sự thành công trong việc đưa đất nước lên một tầm cao mới tại khu vực Đông Nam Á.
Theo: Reatimes