Nhiều năm trước đây, nhắc đến thị trường bất động sản TP.HCM là nhắc đến những tên nổi đình đám như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Vạn Phát Hưng, PPI, Vinaland, Công ty 584…, nhưng trải qua các đợt sàng lọc, những tên tuổi này đã lùi dần vào quá khứ, thay thế bằng những tên tuổi mới.
Những tên tuổi bị sàng lọc
CTCP Vạn Phát Hưng (mã VPH), một doanh nghiệp có bề dày lịch sử phát triển và được giới chuyên môn nhắc đến là một trong những cái nôi sản sinh ra nhân sự giỏi của thị trường địa ốc. Năm 2009, Vạn Phát Hưng chính thức niêm yết cổ phiếu trên TTCK với mã VPH. Đây cũng là năm Công ty ghi nhận con số lợi nhuận sau thuế gần 86,4 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng và được thị trường đánh giá là doanh nghiệp có nhiều tiềm năng do có quỹ đất lớn.
Tuy nhiên, sang năm 2010, lợi nhuận của Vạn Phát Hưng tụt dốc, chỉ còn hơn 9,6 tỷ đồng. Sự thụt lùi của doanh nghiệp này còn thể hiện qua việc, trong khi các doanh nghiệp địa ốc khác luôn săn tìm quỹ đất để phát triển, thì nhiều năm qua, Vạn Phát Hưng dường như không phát triển dự án mới nào, mà chỉ bán đi các dự án của mình. Cổ phiếu VPH từng có lúc lên tới 100.000 đồng/cổ phiếu, nay đã rơi về dưới mệnh giá và giới chuyên môn cho rằng, Vạn Phát Hưng đã thực sự già cỗi.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (NTB). Những năm trước đây, NTB từng nổi đình, nổi đám trên thị trường địa ốc với hàng loạt dự án được công bố rầm rộ. Tuy nhiên, hiện nay, nhắc đến doanh nghiệp này là nhắc tới nỗi ám ảnh của khách hàng, bởi hầu hết dự án của NTB hoặc bị “trùm mền”, hoặc bị khiếu kiện kéo dài.
Mới đây, UBND TP.HCM đã quyết định tạm ngưng giải quyết các dự án phát triển đô thị mới cho NTB, đồng thời giao Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì tiến hành rà soát kỹ pháp lý của các dự án do công ty này thực hiện trên địa bàn Thành phố. Từ một doanh nghiệp có nhiều lợi thế, NTB đã tuột dốc không phanh, hoàn toàn mất chỗ đứng trên thị trường địa ốc, lẫn TTCK (cổ phiếu NTB đã bị hủy niêm yết).
Với Quốc Cường Gia Lai (QCG), dù danh mục dự án do doanh nghiệp này công bố đang nắm giữ khá lớn, nhưng rất ít dự án được triển khai. Điều lo ngại nhất với QCG là đã đánh mất niềm tin trên thị trường, do hầu hết các dự án của QCG đầu tư thường vướng kiện tụng, tranh chấp với khách hàng.
Tương tự, bức tranh của CTCP Đầu tư phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) cũng ngày càng mờ nhạt. Công ty này đã bán đi nhiều dự án, nhưng tình hình tài chính không cải thiện, mà ngày càng èo uột hơn. Đó cũng là lý do vì sao cổ phiếu PPI từng khá sôi động, nay đã lùi về mức 2.900 đồng/cổ phiếu. Với các doanh nghiệp khác như Công ty Nhà Việt Nam (NVN), Vinaland (VNI) cũng có tình trạng tương tự và cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều đã bị hủy niêm yết trên TTCK. Còn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã rút hẳn khỏi lĩnh vực bất động sản Việt Nam.
Cuộc chơi trên thị trường địa ốc TP.HCM hiện nay đang do các tên tuổi mới như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh… dẫn dắt. |
Và những tên tuổi “lên ngôi”
Trong khi những tên tuổi cũ bị sàng lọc, thì thị trường hiện nay nổi lên những cái tên mới với tiềm lực mạnh và có chiến lược phát triển khá chuyên nghiệp.
Chẳng hạn, Công ty Hưng Thịnh là doanh nghiệp khởi đầu bằng môi giới, nhưng hiện được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong cả lĩnh vực môi giới và đầu tư. Chỉ tính trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, Hưng Thịnh đã phát triển hàng chục dự án theo hình thức đầu tư cuốn chiếu với tốc độ khá nhanh. Ngoài ra, Hưng Thịnh cũng được đánh giá là “ông trùm” trong lĩnh vực phân phối dự án với đội ngũ hơn 600 nhân viên bán hàng chuyên nghiệp.
Một tên tuổi khác cũng đang làm chủ cuộc chơi trên thị trường địa ốc TP.HCM hiện nay là Novaland. Doanh nghiệp này chỉ thực sự nổi lên từ năm 2013 trở lại đây. Nhiều người biết Novaland thông qua các dự án mà doanh nghiệp này chào bán ra thị trường, nhưng ít người biết được, thời gian qua, Novaland đã thực hiện chiến lược thâu tóm dự án cực kỳ lớn.
Nhờ có nguồn lực tài chính dồi dào, cùng với việc tận dụng cơ hội lúc thị trường khó khăn, Novaland đã mua lại hầu hết các dự án của những đại gia một thời như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Hưng Phú. Hiện số lượng quỹ đất mà Novaland đang sở hữu tại TP.HCM chưa thể biết chính thức, song tại nhiều quận, huyện của TP.HCM, mọi người dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của Novaland tại hàng loạt dự án.
Ngoài nhưng tên tuổi kể trên, một số tên tuổi mới nổi khác cũng cần nhắc đến là Đất Xanh, Him Lam, Phú Long, Hưng Lộc Phát, Dream House… Đây sẽ là những doanh nghiệp địa ốc hứa hẹn sẽ làm chủ cuộc chơi của thị trường bất động sản phía Nam trong thời gian tới.
Theo Báo Đầu Tư