Vì sao nhiều quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chưa dám hoạt động?
Hiện đang có 20 Quỹ đầu tư mạo hiểm đã mở văn phòng tại Việt Nam, nhưng lại chưa dám hoạt động.
Tại buổi hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam – Bài học thực tiễn từ Israel” tổ chức ngày 21/9 tại Hà Nội, Tiến sĩ Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), cho biết ở Việt Nam hiện đang có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 21 cơ sở vườn ươm khởi nghiệp và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Số lượng các quỹ nước ngoài, các tập đoàn, các nhà đầu tư, các hợp đồng đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đã gia tăng trong vài năm gần đây, nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn chậm.
Ông Quất cho biết sở dĩ nhiều qũy đầu tư nước ngoài chưa dám hoạt động dù đã có văn phòng đại diện ở Việt Nam là do chưa thấy được sự an toàn và cơ hội bền vững trong vấn đề khởi nghiệp tại Việt Nam. Văn hóa chấp nhận thất bại, rủi ro trong kinh doanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam chưa cao.
Ông nói: “Khởi nghiệp ở ta cơ bản mới chỉ nhìn thấy trái ngọt mà chưa nhìn thấy trái đắng. Trong khi đó, kinh nghiệm của khởi nghiệp là thất bại rất cay đắng”.
Ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc Nghiệp vụ mảng Đầu tư công ty Tư nhân, quỹ Dragon Capital, cho rằng Việt Nam đang mất dần thị phần đầu tư mạo hiểm sang các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia… vì một phần chưa có cơ chế chính sách khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào Việt Nam, phần vì nhà đầu tư tạo vốn mồi (có thể là của Nhà nước) để làm cơ sở bước đầu để hút các nhà đầu tư cũng chưa có.
Chính những nhìn nhận rủi ro như vậy nên các quỹ đầu tư nước ngoài chưa dám có hoạt động tại Việt Nam.
Bà Esther Barak Landes, Giám đốc điều hành Nielsen Innovate, chia sẻ thành tựu đổi mới của Israel không phải xảy ra một cách ngẫu nhiên mà là cả một chiến lược quốc gia. Chính phủ đã xây dựng các chương trình hỗ trợ và các quỹ đầu tư, ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp nói chung và nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Israel. Chính phủ cũng tăng chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, tạo điều kiện cho phát triển công nghệ tiên tiến. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, ký kết các hiệp định thương mại, giảm kiểm soát đối với thị trường vốn.
Nguồn: Daikynguyen