Gia đình doanh nhân: Nơi “trở về” và điểm tựa
Gia đình là nơi doanh nhân trở về sau những căng thẳng bộn bề, là nguồn động lực giúp doanh nhân vươn đến thành công trong công việc và cuộc sống.
Doanh nhân Lâm Thúy Ái: “Gia đình là quan trọng nhất”
Câu chuyện khởi nghiệp Công ty Mebipha của nữ doanh nhân Lâm Thúy Ái và chồng - ông Huỳnh Công Tuấn đầy vất vả, gian nan. Nhưng nhờ sự yêu thương, chia sẻ và nỗ lực cùng nhau, giờ đây gia đình chị đã có sự nghiệp vững chãi và một gia đình hạnh phúc.
Năm 2003, Công ty Mebipha của vợ chồng chị Thúy Ái ra đời với muôn vàn khó khăn. Chị Ái nhớ lại, khi đó sau khi trả lương cho nhân viên thì hai vợ chồng chỉ còn đúng 50.000 đồng trong túi. “Nhưng tôi vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc vì có chồng cùng đồng hành, chia sẻ mọi khó khăn, vấp váp thuở đầu”.
Sau khi hai đứa trẻ ra đời, áp lực của chị Ái dường như tăng lên gấp nhiều lần. “Nhưng nhờ vợ chồng quen san sẻ, gánh vác công việc chung từ việc nhà, việc công ty, tạo động lực cho nhau nên tôi giảm áp lực của người vợ. Bí quyết của vợ chồng tôi là tất cả mọi việc làm chúng tôi đều chia sẻ, thống nhất, cùng bàn bạc, cùng làm, cùng chịu trách nhiệm. Chúng tôi vạch ra rõ công việc của từng người rồi theo đó mà làm, quản lý gia đình cũng giống như vận hành một công ty, mỗi người đều cần phải tôn trọng và thực hiện đúng theo những gì đã cam kết, có như vậy mới có thể cân bằng được vai trò của cả hai vợ chồng trong gia đình cũng như trong công việc”, chị Ái chia sẻ.
Với chị Ái, dù hằng ngày bận bịu với hàng tá công việc, nhưng sau mỗi lần về nhà, chị vẫn thường tự tay chuẩn bị cơm nước cho gia đình nhỏ của mình. Nếu chồng đi công tác thì chị sẽ ở nhà chăm con và ngược lại. Hai vợ chồng cũng thống nhất chỉ làm việc từ thứ hai đến thứ sáu, cuối tuần phải dành thời gian cho gia đình.
Chị tâm niệm: “Cho dù là ở bên ngoài có nhiều thú vui hào nhoáng, sang trọng hơn đi nữa, nhưng nếu không đi cùng với gia đình mình thì tôi cũng không cảm thấy vui vẻ hay hạnh phúc”.
Doanh nhân Nguyễn Văn Hiếu: Một căn nhà có “khói lam chiều”
“Có những giai đoạn nhà là cơn ác mộng nhưng cuối cùng, nhà vẫn là nơi tôi tìm về, nơi tôi được yêu thương”, đó là tâm sự của doanh nhân Nguyễn Văn Hiếu - sáng lập Công ty TNHH XH Sài Gòn Pride trong một đêm mưa bay lất phất.
Quyết định rời khỏi gia đình khi chỉ mới 16 tuổi, anh Hiếu đã từng hận và tủi thân bởi chính gia đình của mình. Nhiều biến cố xảy ra với một chàng trai còn đang chập chững bước vào đời khiến nhà dần trở thành cơn ác mộng của anh. Anh tâm sự: “Thời gian đó, tôi cách nhà khoảng 140km nhưng không thể về. Lúc đó, ba mẹ tôi mê tín cho rằng tôi khắc vận ba nên gia đình làm ăn khó khăn. Mọi thứ tôi đều bị hắt hủi đối xử không đồng đều với em trai mình, thậm chí bị đòn roi vô cớ từ những cái sai của em trai mình. Tôi đã từng rất hận và tủi thân suốt hẳn 7 năm không thể về gia đình mình. Nhiều khi thèm lắm cái Tết với gia đình, thèm lắm những khi mệt mỏi về nhà được ba mẹ an ủi, dạy dỗ cách làm, nhưng lúc đó mơ ước đó xa vời và xa xỉ lắm, không thể nào có được”.
Suốt 11 năm, giờ đây anh Hiếu đã có thể mỉm cười. Đó không chỉ là sự thành công trong công việc, mà quan trọng nhất là sự thông cảm yêu thương của gia đình. Câu chuyện ba năm trước, khi anh Hiếu vừa trở về quê hương sau một thời gian dài làm việc tại Mỹ và gần như không liên lạc với gia đình, nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của họ hàng, đặc biệt là ba mẹ. Lúc đó, với anh không có niềm vui nào có thể vui hơn. Không có gì cảm động hơn việc tưởng như ba mẹ từ bỏ mình nhưng vẫn được yêu thương, ngày đêm trông ngóng mình trở về. Sau tất cả, mọi tủi hờn, mọi dằn vặt suốt bao nhiêu năm đã hóa thành cảm xúc đoàn tụ đầy cảm động.
Thành lập Công ty TNHH XH Sài Gòn Pride. Thời điểm ban đầu, phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chính gia đình là chỗ dựa tinh thần động viên, giúp tôi vững tin hơn. Khi đó, nhà trở thành nơi duy nhất tôi tìm về, là nơi xoa dịu những căng thẳng, áp lực trong công việc, nguồn động lực để tôi tiếp tục phát triển bản thân, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt là dù sai, dù thất bại, dù gặp muôn trùng khó khăn, chỉ một cuộc gọi điện ba mẹ hỏi thăm, một lời nhắc nhở ân cần đã khiến tôi cảm thấy có động lực rất lớn.
“Mỗi khi trở về nhà, được ba mẹ hỏi thăm từng ly từng tí, cảm thấy bình an. Nhất là đi đến đâu, ba mẹ cũng nói về những công việc tôi làm, cảm giác mình là niềm tự hào của ba mẹ, không bút mực nào có thể diễn tả được cảm xúc đó được”, anh Hiếu chia sẻ.
Với anh Hiếu, sự viên mãn trong cuộc đời doanh nhân chỉ đơn giản là có một gia đình nhỏ nơi có thể tìm về để tránh những áp lực căng thẳng ngoài xã hội, một căn nhà có “khói lam chiều” và nơi đó có cả những nụ cười yêu thương của những người thân sẵn sàng yêu thương và chấp nhận mình dù mình có sai lầm, thất bại. “Dù bao nhiêu sóng gió, vất vả, tôi mãi yêu gia đình của mình”, anh nói với ánh mắt tự hào.
Doanh nhân Nguyễn Châu Linh: “Gia đình giúp tôi thành công”
“Trong cuộc đời mỗi người đều sẽ có một may mắn của riêng mình. Đối với tôi, gia đình là điều may mắn nhất tôi có được, có cha mẹ, đủ anh chị, rồi chồng con, ai cũng thương yêu, ai cũng hiểu mình”, doanh nhân Nguyễn Châu Linh - CEO Tập đoàn Hành trình Kim cương (DJC) chia sẻ về gia đình.
Bản lĩnh, sáng tạo, tích cực - đó là những gì người ta ấn tượng ngay lần đầu tiếp xúc với chị. Để có được những thành công như hiện tại, chị chưa bao giờ phủ nhận sự ủng hộ rất lớn của người thân trên suốt hành trình lập nghiệp.
Chi Linh kể: “Khi tôi bắt đầu có những dự án này dự án kia, gia đình luôn ở bên cạnh lắng nghe, đôi khi cũng có phản biện, rồi góp ý. Kinh nghiệm cho thấy, nếu mình đã thuyết phục được gia đình đồng ý với ý tưởng khởi nghiệp, thì gần như đã thành công 50% rồi. Thứ hai là sự ủng hộ tài chính để tôi khởi nghiệp. Và cuối cùng là chăm sóc con cái giúp tôi, như việc chăm sóc các con tôi đi học, sinh hoạt hằng ngày, lúc ốm đau... để tôi có nhiều thời gian hơn cho nghỉ ngơi, và làm công việc”.
Chị nhớ lại: “Thời điểm tôi quyết định thành lập công ty đào tạo ngoại ngữ, khi đó tôi là một trong những người tiên phong đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này nên lúc đầu, gia đình không ủng hộ, mọi người phân tích thiệt hơn các kiểu, chủ yếu là để tôi thối lui. Nhưng sau nhiều lần thấy tôi quyết tâm nên cả nhà ủng hộ và hỗ trợ vốn, kể cả tư vấn, cho ý kiến và ai hiểu gì cho tôi kiến thức đó, vì thế tôi đã khởi nghiệp, được sống với đam mê của mình”.
Bí quyết để giúp gia đình an tâm với những ý tưởng hay công việc mình làm, theo chị Linh trước hết mình phải hiểu chính mình, khi đó mới có thể chia sẻ được với mọi người và dễ dàng tìm được sự cảm thông, thấu hiểu. Đặc biệt, trong cuộc sống, dù là người thân trong gia đình nhưng làm gì mình cũng phải tạo được lòng tin”.
Theo: DNSG