Góc khuất trong kinh doanh căn hộ chung cư cho thuê theo giờ
Theo Bộ Xây dựng pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao
Bộ Xây dựng vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 9 sau khi nhận được kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện chuyển đến. Theo ý kiến phản ánh của cử tri hiện nay việc quản lý sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày hết sức khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao. Vì vậy, cử tri kiến nghị xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể.
Trả lời vấn đề này Bộ Xây dựng cho biết tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Luật Nhà ở 2014 đã quy định “Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm”.
Tại Điều 6 của Luật Nhà ở 2014 cũng đã quy định “nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.”
Ngoài ra, liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư, Bộ Xây dựng cũng dẫn quy định tại Điều 35 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
“Như vậy, pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm” Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Trách nhiệm xử lý của chính quyền địa phương
Liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư nói chung và việc quản lý, sử dụng căn hộ nói riêng đã có quy định tại nhiều thông tư.
Bộ Xây dựng lưu ý tại khoản 3 Điều 48 và khoản 2 Điều 49 Quy chế 02 đã có quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp phường, quận trong việc giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
“Do vậy, các chủ sở hữu nhà chung cư khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thì cần phản ánh kịp thời đến UBND cấp phường, quận nơi có nhà chung cư để các cơ quan này xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật” – văn bản của Bộ Xây dựng nêu.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình, thời gian vừa qua Bộ đã ban hành nhiều văn bản để đôn đốc, nhắc nhở các địa phương tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư nhằm đảm bảo cho nhà chung cư được an toàn trong quá trình sử dụng.
Cũng theo Bộ này, pháp luật nhà ở hiện hành cũng đã có quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện cũng như xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.
“Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có ý kiến gửi UBND TP.HCM để chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư và phát hiện kịp thời, xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư nói chung và sử dụng căn hộ vào mục đích không phải để ở” – Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Theo vietnamnet