Mở cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cần những thủ tục, giấy tờ gì
thủ tục để mở cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cần những giấy tờ gì, có cần xin giấy phép kinh doanh không?
Chúng tôi có nhận được câu hỏi từ đọc giả “Nguyễn Trà My” với nội dung như sau:
Em đang có ý định thuê một cửa hàng nhỏ ở trong ngõ 165 Thái Hà – Hà Nội để kinh doanh mỹ phẩm. Nhưng chủ yếu hình thức hoạt động kinh doanh của em là bán hàng online.
Vậy cho em hỏi, thủ tục để mở cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cần những giấy tờ gì, có cần xin giấy phép kinh doanh không? Em có sang hỏi cửa hàng bên cạnh thì họ bảo nhờ công ty luật làm dịch vụ từ A-Z mất 2 triệu. Nhưng em muốn tự đăng ký thì có được không, em sẽ phải chuẩn bị những thủ tục gì ạ?
Trả lời: Để trả lời câu hỏi này của đọc giả, chúng tôi mời về Luật Sư – Nguyễn Huy Phương – Công ty Luật Việt Tín để giải đáp vấn đề của bạn như sau:
Chào bạn, việc thuê mặt bằng để mở cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, tức là có địa chỉ cố định => bạn phải làm thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh theo Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về quy định đăng ký kinh doanh.
Căn cứ theo quy định Luật Doanh Nghiệp năm 2014, khi bạn mở cửa hàng bán mỹ phẩm có thể lựa chọn các hình thức kinh doanh như: Hộ kinh doanh cá thể hoặc thành lập công ty đều được.
Như thông tin bạn nói ở trên, đối với các trường hợp chỉ kinh doanh nhỏ lẻ thì lựa chọn hình thức kinh doanh là hộ kinh doanh cá thể là phù hợp nhất.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lựa chọn hình thức kinh doanh là thành lập công ty. Với hình thức này, có các loại hình doanh nghiệp để cho bạn chọn như: công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty tư nhân, công ty TNHH một thành viên hoặc công ty TNHH từ hai thành viên trở lên.
Sau đây tôi sẽ nói chi tiết về thủ tục, hồ sơ pháp lý cần thiết đối với từng hình thức kinh doanh như sau:
A- Hình thức đăng ký kinh doanh là hộ kinh doanh cá thể
I. Trình tự từng bước thực hiện xin cấp giấy phép kinh doanh
Bước 1- Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đứng tên đại diện cho hộ gia đình nộp giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh và nộp lệ phí nhà nước là 100.000 đồng tới cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Quận/Huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh với nội dung như sau:
- Tên của hộ kinh doanh và địa chỉ đặt địa điểm kinh doanh;
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh;
- Số vốn kinh doanh;
- Họ, tên, chữ ký, số và ngày cấp, địa chỉ cư trú ghi trên Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân hoặc nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh;
- Các giấy tờ xác minh quyền sử dụng đối với địa chỉ đặt địa điểm kinh doanh như: hợp đồng cho thuê nhà, sổ hộ khẩu…
Bước 2- Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Quận/Huyện sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
- Nếu hồ sơ đầy đủ, giấy tờ hợp lệ, kê khai thông tin chính xác thì cơ quan đăng ký sẽ trao giấy biên nhận và giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong vòng 5 ngày làm việc, tính từ ngày nộp đơn.
- Đối với hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận đơn sẽ có thông báo rõ ràng về những nội dung chưa hợp lệ và yêu cầu chỉnh sửa bằng văn bản trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đơn.
***Trong trường hợp mà các bạn không nhận được giấy phép kinh doanh hoặc văn bản yêu cầu sửa đổi nội dung chưa hợp lệ sau 05 ngày làm việc, thì bạn có quyền được khiếu nại, tố cáo và hỏi về tình trạng của đơn đăng ký.
***Khi nhận Giấy phép đăng ký hộ kinh doanh, các bạn phải tiến hành làm thủ tục kê khai thuế và chuẩn bị ổn định các hoạt động kinh doanh như dự kiến.
Lưu ý: Nếu mỹ phẩm của bạn là hàng xách tay, nhập khẩu từ nước ngoài về việt nam thì phải có: hóa đơn bán hàng, phiếu thu chi của cơ sở cung cấp nước ngoài; tờ khai hải quan…để xác minh về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
II. Những thủ tục kê khai thuế cần có đối với hộ kinh doanh
Đối với mô hình hộ kinh doanh cá thể sẽ có 03 loại thuế mà bạn phải đóng: Thuế môn bài, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế giá trị gia tăng.
1. Thuế môn bài
Mức thuế môn bài được áp dụng cho hộ kinh doanh cá thể có 6 mức và được quy định rõ tại Thông tư số 96/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Nếu bạn đăng ký kinh doanh và được cấp Mã Số Thuế trong thời gian 6 tháng đầu năm thì phải nộp thuế môn bài cho cả năm.
- Nếu đăng ký kinh doanh và được cấp Mã số Thuế trong thời gian 6 tháng cuối năm thì chỉ phải nộp 50% mức thuế môn bài của cả năm.
*Hồ sơ kê khai thuế môn bài gồm: Mẫu Tờ khai thuế môn bài.
*Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế môn bài và đóng tiền thuế:
– Đối với những hộ cá thể mới đi vào hoạt động: Chậm nhất sẽ là ngày cuối cùng của tháng chính thức bắt đầu hoạt động kinh doanh/sản xuất.
– Đối với những hộ cá thể mới thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động kinh doanh/sản xuất: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.
2. Thuế giá trị gia tăng (Viết tắt: GTGT)
- Theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 13, Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì cá nhân/hộ kinh doanh phải thực hiện việc nộp thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng.
- Nếu các cá nhân, hộ kinh doanh nộp thuế Giá Trị Gia Tăng theo hình thức khoán thì cơ quan thuế sẽ thực hiện xác định doanh thu của cửa hàng và thuế GTGT sẽ được tính theo tỷ lệ % dựa trên doanh thu của cửa hàng.(Căn cứ vào số liệu, tài liệu kê khai thuế của cửa hàng, kết quả điều tra doanh thu thực tế, cơ sở dữ liệu thu nhận được từ cơ quan thuế và ý kiến của Hội đồng thuế xã, phường nơi đặt địa điểm kinh doanh.)
- Đối với các cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới 100 triệu đồng thì sẽ được miễn thuế GTGT được quy định tại Khoản 12, Điều 3 của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP.
3. Thuế thu nhập cá nhân (Viết tắt: TNCN)
*Trình tự các bước thực hiện:
- Sau khi nhận được giấy phép kinh doanh thì trong vòng 10 ngày làm việc, bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và kê khai đầy đủ thông tin vào mẫu tờ khai thuế thu nhập rồi gửi lên cơ quan thuế để thực hiện thủ tục đăng ký thuế thu nhập cá nhân.
- Chi cục thuế cấp quận/huyện sẽ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đăng ký thuế của bạn. Nếu kê khai thông tin đầy đủ và chính xác, thì bạn sẽ được cấp mã số thuế.
*Thành phần hồ sơ kê khai thuế bao gồm những giấy tờ sau:
- Mẫu tờ khai đăng ký thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Bộ Tài Chính.
- Bản sao không cần công chứng Giấy phép kinh doanh (nếu có);
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu (không cần công chứng).
*Số lượng hồ sơ cần nộp: 01 bộ
*Cách thức thực hiện: Các bạn có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại chi cục thuế cấp Quận/Huyện hoặc có thể gửi qua đường bưu điện.
*Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan chức năng nhận được hồ sơ đăng ký thuế.
III. Con dấu và các hình thức hóa đơn của cửa hàng
Vì đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh, nên bạn sẽ không có con dấu. Nếu có thì chỉ là dấu vuông, có thể mua hoặc tự khắc để tượng trưng cho hộ kinh doanh.
Hình thức hóa đơn: Với hình thức đăng ký hộ kinh doanh thì thông thường bạn sẽ không có hóa đơn. Nếu muốn có hóa đơn thì bạn cần đăng ký với cơ quan chức năng về số lượng hóa đơn cần cung cấp trong 1 khoảng thời gian.
B- Hình thức đăng ký kinh doanh là thành lập công ty.
Nếu bạn lựa chọn loại hình kinh doanh là thành lập doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm thì bạn phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ như sau:
– Mẫu đơn đăng ký kinh doanh (Kê khai những thông tin cần thiết muốn đăng ký như: tên công ty; địa chỉ đặt trụ sở chính của doanh nghiệp; các ngành nghề muốn đăng ký kinh doanh; địa chỉ các chi nhánh; vốn điều lệ…)
– Điều lệ của công ty (chỉ áp dụng cho công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn và Công ty hợp danh, công ty cổ phần).
Lưu ý: Tên công ty phải được đặt theo quy định tại Điều 24 của Luật Doanh nghiệp 2014. Không vi phạm những chính sách về cách đặt tên công ty.
Kinh doanh mỹ phẩm sẽ có 02 nhóm mã ngành chính đó là: mã ngành 4649 đối với cửa hàng bán buôn mỹ phẩm và mã ngành 4772 đối với cửa hàng bán lẻ, mở cửa hàng nhỏ bán mỹ phẩm.
Thủ tục hành chính để thành lập công ty kinh doanh mỹ phẩm
Bước 1: Nộp đầy đủ hồ sơ và đóng lệ phí nhà nước là 200.000 đồng tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp;
Kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra và xử lý hồ sơ. Nếu hợp lệ theo quy định của pháp luật thì bạn sẽ được xem xét thông qua trong vòng 7 ngày làm việc.
Bước 2: Phòng đăng ký kinh doanh sẽ có thông báo chính thức về việc bổ sung những giấy tờ cần thiết còn thiếu nếu hồ sơ không được chấp thuận.
Sau khi hồ sơ hợp lệ đã được chỉnh sửa bổ sung hợp lệ, Phòng ĐKKD sẽ hẹn bạn ngày đến để đến ký và xác nhận vào hồ sơ xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.
Bước 3: Sau 7 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ và hoàn thành lệ phí cho cơ quan chức năng, Phòng ĐKKD sẽ cấp Giấy phép đăng kinh doanh cho bạn.
Lưu ý: Trước khi ký vào Giấy phép ĐKKD, thì bạn nên xem xét lại thật kỹ các nội dung, điều khoản ghi trong giấy ĐKKD để đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung lại các điều khoản nếu có thiếu sót.
Kê khai thuế đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh
Về cơ bản, bạn cũng sẽ cần hoàn thiện và nộp đầy đủ các khoản lệ phí về thuế như ở hình thức đăng ký hộ kinh doanh cá thể mà tôi đã nêu ở MỤC A.
Trên đây là một số lời tư vấn của Luật Sư của Công Ty Luật Việt Tín giành cho không chỉ riêng cho người gửi câu hỏi, mà còn là tư vấn đối với tất cả những ai chưa biết “thủ tục mở cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cần những giấy tờ gì”.
Hy vọng với những lời chia sẻ ở trên, sẽ giúp ích được cho các đọc giả ! Trân Trọng!
Theo: chiasekienthuchay