Tăng phí bảo hiểm y tế sao cho đồng thuận
Bộ Y tế vừa đề nghị Chính phủ tăng mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay (4,5% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội/năm) theo hai phương án: (i) tăng 0,3%/năm (cụ thể mức đóng trong năm 2019 là 4,8%; năm 2020 là 5,1%... và tới năm 2024 là 6%); (ii) tăng 0,5%/năm (bắt đầu năm 2019 là 5%; năm 2020 là 5,5% và năm 2021 là 6%).
Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định, tùy tình hình thực tế, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Như vậy, việc tăng mức đóng BHYT chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn.
Câu hỏi đặt ra là tăng như thế nào, kết hợp với các giải pháp nào để cơ quan BHYT có thể cân đối quỹ BHYT mà vẫn tạo được sự đồng thuận từ người đóng BHYT gồm doanh nghiệp và người lao động.
Nên lùi thời điểm tăng, bắt đầu từ năm 2020
Với hai phương án trên, phương án (i) tăng ít, tăng dần sẽ dễ được chấp nhận hơn. Tuy nhiên, thời điểm tăng nên lùi lại một năm, từ 2020. Bởi vì bây giờ đã giữa 2017, đầu năm 2018 doanh nghiệp và người lao động phải đóng thêm tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) do quy định về mức lương đóng BHXH tăng thêm phần “thu nhập khác”. Theo đó, mức đóng BHYT cũng tăng theo một ít. Mức tăng này trong năm 2018 và 2019 chưa biết cụ thể là bao nhiêu nhưng có lẽ không quá cách xa tỷ lệ 0,3%. Mức tăng này có thể giúp cơ quan BHYT có thêm một ít phí thu vào từ năm 2018 để cân đối khoản chi.
Mặt khác, việc dời thời điểm tăng mức đóng BHYT sang năm 2020 cũng là để doanh nghiệp và người lao động không bị “ngộp” trong cảm giác tăng phí, đặc biệt là trong thời kỳ Chính phủ đang nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp để giảm chi phí. Đây cũng là thời gian để Bộ Y tế đánh giá lại giá dịch vụ mới ban hành để cân đối với mức thu BHYT.
Một điều quan trọng không kém là nếu tăng mức đóng BHYT ngay khi dư luận vừa bùng lên việc BHYT bị trục lợi và việc này vẫn chưa được làm rõ thì sẽ như “lối rẽ” định hướng dư luận rằng việc tăng mức đóng BHYT là để bù vào khoản BHYT bị trục lợi. Điều này sẽ khiến dư luận trở nên gay gắt hơn, dẫn đến phản ứng né tránh tham gia BHYT (nếu có thể), dẫn đến hậu quả không mong muốn: cơ quan BHYT không thu thêm được tiền cho quỹ BHYT mà còn làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân.
Phương án lâu dài để cân bằng quỹ BHYT
Trước hết, ngành y tế cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để mỗi công dân cảm thấy nên mua BHYT cho bản thân mình, xem đó như là tấm lá chắn hữu hiệu cho mỗi người khi phải chữa bệnh. Dịch vụ y tế tốt sẽ khiến cho những người đang tham gia BHYT cảm thấy việc đóng phí là xứng đáng. Rất nhiều người thuộc diện bắt buộc phải đóng BHYT cho biết nếu được lựa chọn, họ sẽ không đóng BHYT vì trên thực tế họ có đi khám chữa bệnh nhưng không dùng đến thẻ BHYT vì mất thời gian chờ đợi, thuốc men hạn chế, chất lượng không tốt.
Kiểm soát chặt chẽ chi BHYT, quản lý quỹ BHYT là một bài toán cần ngay lời giải và luôn luôn phải duy trì. Việc tăng quỹ BHYT bằng mọi cách sẽ trở nên vô nghĩa khi mà quản lý chi BHYT bị lơ là và có nhiều kẽ hở để nhiều đối tượng trục lợi riêng lẻ hay phối hợp trục lợi. Không quản lý được việc chi trả BHYT thì sẽ làm mất cân đối thu, chi và nghiêm trọng hơn là người đóng BHYT mất lòng tin vào BHYT. Điền này sẽ khiến cho dịch vụ y tế của cả nước thụt lùi, chính sách an sinh xã hội không phát triển được. Nó cũng khiến cho việc giải thích bản chất của BHYT là chia sẻ rủi với người bệnh và với cộng đồng như chính bản thân nó đang hiện hữu trở nên vô nghĩa.
Một vấn đề khác mà trong suốt thời gian dài ngành y tế bỏ ngỏ và ít ai nhắc tới như một cách để giảm chi BHYT đó là phòng bệnh.
Hiện nay, các bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng mạch tư... mọc lên khắp nơi nhưng ít có trung tâm chuyên tư vấn phòng bệnh cho mọi người. Việc phòng bệnh đang “trôi dạt” sang các trang mạng xã hội với nhiều hội nhóm và các công ty sản xuất thực phẩm chức năng. Những nơi này đơn thuần chỉ là nơi chia sẻ thông tin mà không có kiểm duyệt gắt gao về mặt y học, khoa học.
Một ví dụ nổi cộm hiện nay là luồng ý kiến bài trừ việc tiêm vaccin cho trẻ em đang thu hút không ít người ủng hộ. Họ đưa ra nhiều dẫn chứng nghe rất thuyết phục còn những người làm trong ngành y thì chỉ đưa ra một lý thuyết như một định luật không cần chứng minh rằng trẻ em phải được tiêm vaccin để phòng bệnh.
Thực tế, vài năm trở lại đây có rất nhiều trường hợp trẻ em bị tử vong sau khi tiêm vaccin như một minh chứng ngược lại “định luật tiêm vaccin”. Tiêm vaccin hay không tiêm vaccin sẽ có một trong hai phương án này làm tăng chi phí BHYT và gánh nặng xã hội. Định hướng dư luận đi đúng thì sẽ giảm được chi phí BHYT, bảo vệ được cả một thế hệ tương lai.
Một lát cắt khác là việc dạy cách bảo vệ sức khỏe cho học sinh tất cả các cấp. Đáng mừng là hiện nay các cháu bé mẫu giáo đã biết đánh răng ngày hai lần vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp giảm chi phí BHYT chăm sóc răng miệng và những bệnh khác kèm theo. Rửa tay sạch sẽ theo các bước đúng lúc cũng sẽ giúp ngăn ngừa được bệnh tật. Bộ Y tế và trường mẫu giáo làm rất tốt hai việc này. Tuy nhiên, học sinh tiểu học trở lên chưa có được bài học nào về bảo vệ sức khỏe nổi trội mà làm tăng sức khỏe, phòng bệnh.
Đối với người đi làm, tùy theo tính chất công việc mà có những nhóm hội chứng, bệnh khiến cho người lao động phải đi khám bệnh và phải chi BHYT. Ví dụ, nhân viên văn phòng đa phần sẽ mắc các hội chứng và bệnh như thiếu oxy, viêm đường hô hấp, bệnh mắt, đau lưng, nhức tay, đau vai gáy, thoái hóa đốt sống cổ, béo bụng, đau dạ dày... Những chứng, bệnh đã được gọi tên nhưng người lao động không được tuyên truyền, cảnh báo một cách hữu hiệu về những căn bệnh này. Đau quá, mệt mỏi, chất lượng cuộc sống giảm sút người bệnh mới đi khám. Lúc đó bệnh đã thành mãn tính phải đi khám định kỳ và chi BHYT ngày càng tăng. Những căn bệnh này và phương pháp phòng ngừa có nhiều trên mạng Internet, ti vi, tuy nhiên, chỉ được từng cá nhân đơn lẻ biết và áp dụng.
Một chương trình phòng chống bệnh miễn phí của cơ quan y tế cho từng nhóm lao động được đem đến trực tiếp cho người lao động mỗi năm 2-3 lần sẽ phần nào tạo được thói quen phòng bệnh cho người lao động. Kết quả sẽ giúp cho doanh nghiệp không mất giờ làm việc do người lao động nghỉ bệnh, BHYT và BHXH bớt chi phí, người lao động có chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc tốt hơn. Chi phí tuyên truyền phòng, chống bệnh có lẽ không nhiều hơn những lợi ích thu được vừa nêu.