Myanmar - "mỏ vàng" mới trên trận địa ngành bán lẻ Đông Nam Á
Theo nhiều dự báo, chi tiêu cho tiêu dùng tại Myanmar có thể tăng gấp 3 lần từ 35 tỷ USD năm 2014 lên 100 tỷ USD vào năm 2030.
Thị trường 100 tỷ USD
Thị trường bán lẻ Myanmar đang bắt đầu bùng nổ khi chính phủ nước này có những động thái mở cửa thị trường từ năm 2014.
Trước đó, chỉ những doanh nghiệp trong nước mới có quyền kinh doanh bán buôn bán lẻ do lệnh cấm đầu tư nước ngoài từ chính phủ. Tuy nhiên, quốc gia này đã dỡ bỏ lệnh cấm với hơn 100 mảng kinh doanh, bao gồm bán buôn bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra một thị trường đầy tiềm năng tại Đông Nam Á.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được phép tham gia những dự án tại các đặc khu kinh tế mà không cần xin giấy phép của bộ như trước đây.
Hiện nay, số các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại Myanmar còn rất thấp với tỷ lệ 250.000 người cho mỗi cửa hàng, cao gấp 39-40 lần so với Singapore, Thái Lan hay Malaysia.
So sánh tỷ lệ dân số trên mỗi cửa hàng tiện lợi (Myanmar=1 đơn vị)
Theo Citi Mart, thương hiệu bán lẻ hàng đầu Myanmar, hiện nước này mới chỉ có 200 chuỗi cửa hàng tiện lợi và 90% trong số đó tập trung tại thủ đô Yangon.
Rõ ràng, thị trường Myanmar hiện còn rất tiềm năng với cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước.
Hiện dân số Myanmar khá trẻ với 76% còn đang ở độ tuổi lao động, trong khi người dân nước này cũng không lạ lẫm mấy với các thương hiệu nước ngoài nhờ lực lượng xuất khẩu lao động đông đảo trở về nước.
Theo nhiều dự báo, chi tiêu cho tiêu dùng tại Myanmar có thể tăng gấp 3 lần từ 35 tỷ USD năm 2014 lên 100 tỷ USD vào năm 2030.
Một khảo sát của City Mart vào năm 2014 cho thấy 47% dân số thành thị tại Myanmar thuộc tầng lớp thường xuyên tiêu dùng với chi phí bình quân khoảng 325 USD/người/tháng.
Hơn nữa, tỷ lệ người trung lưu tại quốc gia này đang tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự đầu tư tích cực của chính phủ vào cơ sở hạ tầng cũng như tình trạng hút vốn đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây đã tạo ra vô số việc làm mới.
Dự báo đến năm 2020, tầng lớp trung lưu tại Myanmar sẽ chiếm 20% dân dố với 10 triệu người, qua đó tăng mạng nhu cầu về thực phầm, tiêu dùng, mua sắm, giải trí... và tạo động lực tăng trưởng mạnh cho ngành bán buôn bán lẻ.
Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa của Myanmar cũng đang tăng nhanh khi có khoảng 18 triệu người, tương đương 34% dân số sống tại các khu vực thành thị, cao hơn so với mức 13% của năm 2010. Dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 37% trong vòng 3 năm tới, qua đó thúc đẩy mạnh hơn nhu cầu tiêu dùng cũng như mua sắm từ các cửa hàng tiện lợi và siêu thị.
Lấy thực phẩm làm ví dụ, hiện mặt hàng mỳ ăn liền đang ngày càng phổ biến tại Myanmar và đang thu hút mạnh nhà đầu tư nước ngoài. Hãng Acecook, một công ty mỳ ăn liền Nhật Bản đã quyết định xây một nhà máy tại Myanmar vào năm 2017, đồng thời ngừng nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam vào thị trường này. Nhà máy này ước tính sẽ sản xuất 300 triệu sản phẩm mỗi năm, tương đương 75% tổng công suất của công ty tại Nhật Bản.
Nhiều chuyên gia cũng dự báo doanh số của những cửa hàng tiện lợi, siêu thị và ngành bán lẻ nước này sẽ tăng trong thời gian tới trước sự phát triển của kinh tế và thu nhập của người dân. Mặc dù hơn 90% hoạt động mua sắm, bán lẻ vẫn diễn ra theo cách truyền thống tại các chợ cóc và cửa hàng gia đình ở Myanmar nhưng doanh số của các siêu thị tại đây cũng đã tăng 8% trong vòng 5 năm qua.
Citimart: Cánh chim đầu đàn
Citi Mart là một trong những thương hiệu bán lẻ hàng đầu tại Myanamar được thành lập từ năm 1996 và hiện có khoảng 5200 nhân viên. Tập đoàn này kinh doanh trên nhiều lĩnh vực bán lẻ như mở siêu thị, cửa hàng dược phẩm, bánh kẹo và thậm chí là cả quán cà phê.
Kể từ khi mở siêu thị City Mart đầu tiên vào năm 1996, hãng đã liên tục phát triển qua nhiều lĩnh vực và hiện đã có hơn 150 cửa hàng trên toàn Myanmar.
Doanh thu hàng năm của City Mart ước đạt 250 triệu USD và hãng đang kiểm soát hơn 60% thị phần bán lẻ toàn quốc. Trong khi đó, công ty này dự đoán thị trường bán lẻ Myanmar sẽ tăng gấp 4 lần từ nay đến năm 2030.
Theo nhiều chuyên gia, ngoài yếu tố được sự hậu thuẫn của chính phủ thì chính việc bắt chiếc mô hình kinh doanh của hệ thống bán lẻ Nhật Bản đã làm nên thành công cho City Mart. Ngay từ những ngày đầu thành lập, bà Win Win Tint, giám đốc điều hành của City Mart đã tích cực sang Nhật Bản để học hỏi mô hình kinh doanh bán lẻ của nước này.
Bà Tint cho biết mình đã thực sự bị ấn tượng bởi sự phổ cập của các cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản cũng như chất lượng phục vụ và hiệu quả làm việc tại đây. Kể từ đây, bà Tint thường xuyên sang thăm Nhật Bản ít nhất 1 lần mỗi năm và áp dụng mô hình kinh doanh bán lẻ tại đây cho nhiều thương hiệu mới của tập đoàn như City Express hay Ocean Supercenters.
Đặc biệt vào tháng 4 vừa qua, City Mart tuyên bố sẽ cộng tác chặt chẽ với Sojitz của Nhật trong mảng hậu cần.
Tháng 2/2016, bà Tint là nữ doanh nhân duy nhất của Myanmar được xếp hạng trong số 50 phụ nữ quyền lực tại Châu Á bởi tạp chí Forbes.
Mặc dù vậy, trước áp lực từ các công ty bán lẻ nước ngoài, City Mart đang có kế hoạch mở rộng thêm hoạt động kinh doanh nhằm đối phó với các đối thủ mới. Bà Tint cho biết hãng sẽ mở rộng gấp đôi số chi nhánh cửa hàng từ nay đến năm 2020. Ngoài ra, công ty cũng đang có kế hoạch tham gia mảng thương mại điện tử vào năm 2016.
Bà Win Win Tint, CEO của City Mart
“Chúng tôi sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Hiện 60% dân số đã có điện thoại di động trong khi hệ thống ngân hàng ngày càng hoàn thiện vưới thanh toán trực tuyến. Nhờ đó, điều kiện để kinh doanh thương mại điện tử tại Myanmar đang ngày một cải thiện”, bà Tint nói.
Dẫu vậy, vị nữ doanh nhân quyền lực này cũng cảm thấy khá lo lắng khi chính phủ Myanmar mở cửa thị trường quá nhanh và doanh nghiệp trong nước có thể không chống đỡ được làn sóng tấn công của công ty nước ngoài.
“Nếu chính phủ Myanmar mở cửa thị trường trước khi để cho các doanh nghiệp nội địa chuẩn bị cho cuộc chiến thì tôi cho rằng các công ty trong nước sẽ gặp rất nhiều thử thách. Vì vậy hiện chúng tôi đang vận động hành lang để chính phủ tạo điều hiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước”, bà Tint cho biết.
Theo: Cafebiz