Nhà nước sẽ đánh thuế cao với người có nhiều nhà đất
Trong tờ trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, mức thuế đối với người sở hữu nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ, chậm sử dụng, bỏ hoang đất sẽ cao hơn.
Cùng đó là chính sách ưu đãi thông qua việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.
Quy định về thu hồi đất, đền bù vốn thu hút được sự quan tâm của người dân. Theo đó dự thảo cũng quy định rõ một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; bổ sung rõ trình tự, thủ tục, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đi trước quyết định thu hồi đất.
Về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức. Ngoài ra, quy định về khung giá đất nhiều khả năng sẽ bị bỏ, đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường.
Tại dự thảo này, Chính phủ quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Về giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, dự thảo quy định trường hợp đấu giá đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau một thời gian thực thi, Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi.
Tính đến nay, dự án luật này có 4 lần được “đưa vào, rút ra” vì luật khó, nhạy cảm, chuẩn bị chưa kỹ lưỡng. Ngoài ra, Chính phủ đánh giá Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước.
Dự kiến, Luật Đất đai sửa đổi được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới. Nếu bảo đảm điều kiện, luật này có thể được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, diễn ra cuối năm 2023.
Theo: DNSG