Sếp không có lỗi, lỗi tại stress!
Bạn có biết cứ 5 CEO lại có một người có triệu chứng về bệnh tâm lý? Đây chính là kết quả nghiên cứu của trường Đại học Bond - Úc cùng các đồng sự Đại học San Diego.
Khi những người thuyền trưởng luôn phải gánh trên mình “sinh mệnh” của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, hàng chục ngàn người trên con thuyền mình lèo lái, thì Stress nghiễm nhiên trở thành vị khách không mời mà đến.
Quyết đoán đến độc đoán
Ranh giới giữa quyết đoán và độc đoán rất mong manh. Những khi dầu sôi lửa bỏng, phải quyết định thật nhanh, không phải lúc nào sếp cũng có thể giải thích hay chiều lòng tất cả mọi người. Không ít trường hợp người sếp quyết đoán, dám có những quyết định khó lại được nhìn nhận không mấy thiện cảm trong mắt nhân viên.
Tổng thống Lý Quang Diệu, nhà “kiến trúc sư” đặt nền móng cho bước chuyển mình của nền kinh tế Singapore đã từng vấp phải nhiều sự phản đối mạnh mẽ từ người dân khi ông thẳng tay đưa ra những quy định tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Tuy nhiên, sự hưng thịnh của Singapore ngày nay chính là kết quả từ những quyết định mạnh mẽ này.
Vì vậy, khi không hài lòng về một quyết định nào đó của sếp, hãy thử mặc « chiếc áo rất nặng » của họ để có cái nhìn cảm thông hơn. Sếp không có lỗi, lỗi tại stress nên sếp chưa thể giúp mình nhìn nhận vấn đề thấu đáo mà thôi. Thay vì phàn nàn, hãy cùng chung lưng đấu cật để chuyển bại thành thắng.
Làm sếp khó lắm, phải đâu chuyện đùa
Ngược lại nếu bạn là sếp, khi đã quá quen « đóng khung » mình với hình ảnh thường thấy trong vai trò lãnh đạo: bận rộn, năng động, dám làm dám chịu thì trong khoảng thời gian riêng tư ít ỏi của mình, hẳn bạn cũng có những nỗi niềm riêng. Khi đối diện với những khó khăn thử thách, người sếp rất dễ đồng hành cùng nỗi cô đơn. Tôi hiểu một người lãnh đạo dù có tài giỏi và kiệt xuất đến đâu sẽ vẫn rất cần những người đồng nghiệp thấu hiếu mình.
Đứng ở vị trí của người sếp, làm sao chúng ta mở lòng được với nhân viên. Sự quyết đoán kèm theo sự khéo léo và chia sẻ dưới góc nhìn của nhân viên sẽ giúp kéo gần khoảng cách cảm thông và hỗ trợ từ cả hai bên.
Vậy đấy, khi ta ghét một ai đó thì không phải vì họ đáng ghét mà chính vì chúng ta chưa hiểu hết họ, dù bạn đứng ở góc độ làm sếp hay làm nhân viên.